Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Chúa Nhật, 17 Tháng 6 Năm 2012 17:52

Hy Lạp bầu lại Quốc hội, Châu Âu nín thở

 

Các áp phích tranh cử trên đường phố Athens. Một trong các áp phích mang dòng chữ « Chúng ta mở ra con đường của hy vọng ».
REUTERS/Pascal Rossignol

 

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày mai chủ nhật 17/06 tại Hy Lạp được Châu Âu hết sức chú ý. « Hy Lạp bầu lại Quốc hội, Châu Âu nín thở » là hàng tựa chính trên trang nhất Le Monde số ra hôm nay.

Ngay trong đêm chủ nhật qua ngày thứ hai, sau khi có kết quả sơ bộ, các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro sẽ họp qua điện thoại, để chuẩn bị đối phó khẩn cấp với những tác động tiêu cực của cuộc bầu cử Hy Lạp đối với thị trường.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng trước, thất bại vì không thành lập được chính phủ, cử tri Hy Lạp một lần nữa trở lại thùng phiếu.

 Rất nhiều người nhìn cuộc bầu cử lần thứ hai này với con mắt bi quan. Trả lời phỏng vấn Le Monde, ông Antonis Manitakis, bộ trưởng Nội vụ của chính phủ lâm thời Hy Lạp phụ trách cuộc bỏ phiếu nói : « Đây là cuộc bỏ phiếu của nỗi tuyệt vọng ».

Khối euro hiểu rằng, bất luận kết quả bầu cử thế nào, cam kết xiết chặt ngân sách (Memorandum) của chính phủ Hy Lạp với Châu Âu và Quỹ tiền tế Quốc tế, để đổi lại các trợ giúp hàng trăm tỷ euro, cũng sẽ bị đưa ra đàm phán lại. Vài ngày gần đây, đảng cánh tả triệt để của Alexis Tsipras – có khả năng về đầu trong cuộc bầu cử - đưa ra dấu hiệu cho thấy họ không chống lại cam kết với Châu Âu như trước, mà muốn thương lượng với Bruxelles.

 Về phần mình, đảng Nền Dân chủ mới, lực lượng chính trị hàng đầu của Hy Lạp, cũng sẽ yêu cầu điều chỉnh cam kết này, cụ thể là giảm thuế, tăng trợ cấp, hay kéo dài thời hạn áp dụng từ hai năm thành bốn năm.

Hiện tại, về khả năng đàm phán lại, quan điểm của các nước euro vẫn còn nhiều khác biệt. Đức, Hà Lan và Phần Lan kiên quyết không chấp nhận cho Hy Lạp sửa đổi cam kết. Một thái độ như vậy có nguy cơ khiến Hy Lạp rơi vào phá sản và ra khỏi đồng euro một cách vội vã, khiến nhiều nước láng giềng bị ảnh hưởng dây chuyền. Để tránh thảm họa này, một số lãnh đạo Châu Âu khác đang chuẩn bị kế hoạch nới hạn cho Hy Lạp.

Ngay cả một lãnh đạo Đức cũng muốn đưa ra một giải pháp mang tính trung gian, theo đó, cam kết đã có thì không thể thay đổi, nhưng cần có một số biện pháp hỗ trợ để giúp Hy Lạp kích thích tăng trưởng.

Bài viết « Tại Hy Lạp, hệ thống chính trị cũng phá sản » cũng trên Le Monde đánh giá, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính chính trị.

Theo một số nhà phân tích, đất nước này không có được một lực lượng chính trị đủ tầm cỡ, trước cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong bối cảnh cả hai đảng lớn, đảng cánh tả (Pasok) và đảng cánh hữu (Nền Dân chủ mới), bị mất uy tín, không có lực lượng chính trị nào mới nổi lên, ngoài đảng cánh tả triệt để Syriza.

Cựu thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou, đảng Xã hội, người phải từ chức vào cuối năm ngoái, có cuộc trả lời phỏng vấn Libération. Cựu lãnh đạo Hy Lạp để thuật lại con đường gian khó mà ông đã trải qua, trong nỗ lực lèo lái con thuyền Hy Lạp trong cơn bão tố, nhưng không thành công.

Theo cựu lãnh đạo đảng Xã hội Pasok, đáng lẽ Hy Lạp đã phải có một cuộc trưng cầu dân ý, như đề xuất rất bất ngờ của ông vào thời điểm đó, để các cử tri Hy Lạp thấy được rằng, "chính họ là người lựa chọn cho mình một số phận".

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý đã không diễn ra, chủ trương thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia với đối lập cũng thất bại, bản thân ông phải từ nhiệm, và Quốc hội Hy Lạp phải bầu lại trước thời hạn.

Ông Antonis Manitakis, bộ trưởng Nội vụ của chính phủ lâm thời Hy Lạp, một chuyên gia nổi tiếng về luật Hiến pháp Hy Lạp, vừa trả lời phỏng vấn Le Monde, nhận xét :

 "vì sự nghiệt ngã của chính sách thắt lưng buộc bụng, nên đối với rất nhiều người Hy Lạp, cam kết xiết chặt ngân sách với Châu Âu bị coi như là nguyên nhân của các bất hạnh, chứ không phải là hệ quả của tình trạng khủng hoảng".

 Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp công nhận rằng, việc Hy Lạp bị trừng phạt trong ba năm vừa qua là đúng, và điều này chính là do sự bất cẩn của Hy Lạp, nợ nần quá nhiều, thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, cũng theo ông Manitakis, thái độ của một số lãnh đạo Châu Âu, đặc biệt là Đức, đối với Hy Lạp là không công bằng, không phù hợp với xã hội Hy Lạp, vì đất nước này vốn "không phải là một quốc gia theo đạo Tin Lành hay có một tinh thần duy lý nghiêm ngặt theo truyền thống Descartes".

Berlin bất ngờ phản đối lập trường của Paris về cuộc khủng hoảng euro

Cũng về Châu Âu trong cơn khủng hoảng tài chính, mâu thuẫn giữa Đức và Pháp đột ngột nổi lên sau lời phát biểu của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày hôm qua, tại Berlin, trước Liên đoàn các doanh nghiệp gia đình. « Bài học nghiêm khắc của Merkel đối với Hollande » là hàng tựa chính của Le Figaro trên trang nhất.

Câu nói của thủ tướng Đức « Cuộc tranh luận giữa chính sách khắc khổ và chủ trương tăng trưởng chỉ là một trò vớ vẩn (Quatsch) » được công luận rất chú ý.

 Le Figaro nhấn mạnh, chữ « Quatsch », mà thủ tướng Đức sử dụng, có thể dịch là « ngớ ngẩn ». Lời phê phán này rõ ràng là trực tiếp nhắm vào lập trường của Pháp và Mỹ. Thủ tướng Đức còn nhấn mạnh giải pháp trái phiếu euro của Pháp là một « điều tầm thường », tuy không trực tiếp nhắc đến tên của tổng thống Pháp François Hollande.

Theo bình luận của Le Figaro, ngày càng chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil, và gần hai tuần trước cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu tại Bruxelles, thủ tướng Đức quyết định phản công.

 Là nước đóng góp chủ yếu cho Quỹ đoàn kết Châu Âu (FESF) và có nhiều nỗ lực để ngăn chặn khủng hoảng khắp nơi tại Châu Âu, chính phủ Đức ngày càng khó chấp nhận các chỉ trích. Le Figaro ghi nhận, thái độ phê phán dữ dội của thủ tướng Đức đã làm thay đổi bầu không khí tương đối lạc quan trước đó tại Pháp, trước một thỏa hiệp có thể đối với khu vực đồng euro giữa các nước Châu Âu vào cuối tháng này.

Libération ghi lại biến cố này với hàng tựa « Lục đục nội bộ trong gia đình Pháp – Đức ».

Trước đó ít hôm, bộ trưởng Tài chính Đức cũng đã phê phán trực diện cuộc cải cách hưu bổng của tổng thống Pháp. Tờ báo cánh tả nhận xét, thái độ chỉ trích nặng nề của thủ tướng Đức với Pháp là một điều rất hiếm, có thể nói là chưa bao giờ xảy ra trong quan hệ Pháp – Đức thời gian gần đây.

Phản ứng từ phía Pháp là, thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault khuyến cáo thủ tướng Đức nên cẩn trọng trong lời lẽ, không nên đưa ra các nhận định có tính chất quá đơn giản.

Một cố vấn của tổng thống Pháp thì cho rằng, « giữa hai nước Đức và Pháp không có mâu thuẫn, nhưng có một mâu thuẫn chung liên quan đến tình hình kinh tế và chính trị của Châu Âu và tầm quan trọng của các vấn đề sẽ được quyết định trong những ngày sắp tới ».

Giải thích lý do trực tiếp của phản ứng dữ dội của thủ tướng Đức, Libération nhắc đến cuộc gặp của tổng thống Pháp với lãnh đạo đối lập Đức tại Elysée hôm thứ Tư (13/06) và cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp – Ý ngày thứ Năm (14/06).

Tuy nhiên, Libération nhận định, thái độ của chính phủ Đức sắp tới có thể sẽ dịu xuống, thậm chí sẽ thay đổi, vì Đức không muốn bị cô lập ở Châu Âu, bên cạnh đó, đảng cầm quyền của bà Merkel cũng cần đến ủng hộ của đối lập Đức để thông qua Hiệp ước cân bằng ngân sách Châu Âu, trước cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu ở Bruxelles 29/06.

Cũng theo bình luận của thông tín viên Libération từ Bruxelles, mối căng thẳng Đức – Pháp bắt rễ trong hai quan điểm khác nhau về con đường xây dựng một thể chế Liên bang Châu Âu về mặt chính trị.

Trong khi Đức muốn có một sự thống nhất về chính trị, trước khi có một sự đoàn kết về tài chính, thì quan điểm của Pháp là cần xây dựng dần dần sự thống nhất của Châu Âu về chính trị, cùng với việc tăng cường các tương trợ tài chính giữa các nước thành viên.

Bầu cử vòng hai Quốc hội Pháp : chặng cuối của một cuộc tranh cử dài

Một hôm trước ngày bầu cử Quốc hội vòng hai, báo chí Pháp đưa ra những nhắn nhủ cuối cùng cho trận đấu quyết định. Le Monde cuối tuần, dựa trên các kết quả của vòng 1, ghi nhận chiến thắng của đảng Xã hội như một điều chắc chắn :

« Tiến đến một đa số cánh tả mạnh hơn cả năm 1997 ». Điều tra của Ipsos cho Le Monde dự kiến cánh tả sẽ chiếm được từ 324 đến 364 ghế.

Trong khi đó, tờ Le Figaro khẳng định « Cánh hữu muốn ngăn cản đảng Xã hội nắm trong tay toàn bộ quyền lực », với bài xã luận như một lời kêu gọi : « Phải đi bỏ phiếu ngày mai ».

 Theo tờ báo, khả năng lật ngược thế cờ là có thể, bởi tại khoảng 50 đơn vị bầu cử, khoảng cách ứng cử viên tả/hữu thấp hơn 2%, bên cạnh đó, gần 20 triệu cử tri Pháp đã không đi bỏ phiếu vòng một.

 Xã luận Le Figaro phân tích, nếu cánh tả chiếm được 378 ghế trong Quốc hội, thì cộng với số thượng nghị sĩ, cánh tả sẽ có được 3/5 đại biểu cần thiết để thay đổi Hiến pháp.

Tờ báo thiên tả Libération chạy hàng tít « Vòng cuối đã tới », với nhận định : « Ngày chủ nhật này, các cử tri Pháp sẽ kết thúc một năm tranh cử với cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai. Đảng Xã hội đang trên đường giành được đa số tuyệt đối ».

Điểm bắt mắt trên trang nhất của tờ báo là tấm mầu nền, trải dài từ màu đỏ trên đầu trang, đến màu hồng, màu xanh, màu vàng, màu xanh da trời và xanh nước biển. Mỗi mầu sắc tượng trưng cho một đảng phái chính trị Pháp.

Diện tích của mỗi màu tương đương với số lượng đại biểu quốc hội có được theo dự kiến. Màu hồng tượng trưng cho đảng Xã hội chiếm đa số, màu đỏ - mặt trận cánh tả, mầu xanh, đồng minh đảng Xanh… Đây là ba nhóm đảng phái tạo thành liên minh cảnh tả, được dự báo sẽ chiến thắng.

Tờ báo nhắc đến hai khả năng, tổng thống Pháp sẽ giành được một đa số tuyệt đối, hoặc một đa số tương đối, nghĩa là một đa số trong đó đảng Xã hội cần phải liên minh với một hoặc hai nhóm đảng cánh tả. Dù là có được đa số nào tại Pháp, thì ông François Hollande cũng sẽ phải tiếp tục một cuộc chiến mới, ngay từ thứ hai tuần tới, để giành được một đa số khác tại chính trường Châu Âu, đang trong hồi loạn động.

 Đây là một con đường đầy chông gai, như chúng ta thấy với phản ứng của thủ tướng Đức hôm qua, và thậm chí có thể rất chông gai với kết quả bầu cử Hy Lạp ngày mai. Những ngày cuối tháng này sẽ cho thấy : Liệu tân tổng thống Pháp, với sự lão luyện chính trị không thể phủ nhận được của ông tại Pháp, có thể tạo được ảnh hưởng tại chính trường Châu Âu hay không ?

Liệu ông François Hollande sẽ là « một chàng David nhỏ bé nhưng dũng mãnh và khôn ngoan của Châu Âu hay chỉ là một gã khổng lồ Goliath hung hăng và ngờ nghệch của nước Pháp ? ».

Bảo vệ Himalaya trước nạn khách leo núi đổ dồn về Everest

Về môi trường thế giới, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Du lịch leo núi, mối nguy lớn đối với Everest » do đặc phái viên gửi về từ New Delhi.

 Kể từ năm 1953, khi một người New Zealand leo lên đến đỉnh Everest, cùng với một người dẫn đường địa phương, thì mái nhà của thế giới đã trở thành nơi thu hút rất đông khách leo núi. Theo một thống kê, cho đến nay, có tổng cộng 10.000 người đã leo đến đỉnh núi cao nhất thế giới, riêng năm ngoái là 300 người.

Hoạt động du lịch mạo hiểm tưởng như là vô can này được giới bảo vệ sinh thái báo động là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường Himalaya. Một chuyên gia của tổ chức Niti Foundation, có trụ sở tại Katmandou (Nepan), khẳng định « không thể để Everest trở thành một công viên giải trí ».

 Tuy nhiên, leo núi đã đem lại cho Nepal, một quốc gia nghèo khó, 9 triệu euro/năm. Bên cạnh đó, công viên quốc gia Sagarmatha thu hút đến 30.000 khách năm ngoái. Do đó, trước mắt, có lẽ khó lòng ngăn được việc ngày càng có nhiều khách leo núi, mà chỉ có thể tìm cách bảo vệ môi trường tốt hơn.

Trước kia, việc leo lên Everest chỉ dành cho các vận động viên gạo cội, nhưng giờ đây cả những người nghiệp dư cũng thử sức. Bởi vì, thực ra, ngọn núi cao gần 9.000 mét này không còn là nơi khó leo nhất, vì có nhiều thang kim loại để vượt qua các hẻm đá, hay những sợi dây bảo vệ cố định suốt dọc đường đi.

 Khách leo núi để lại, trên đường lên mái nhà thế giới, rất nhiều rác thải. Riêng trong một đợt làm sạch môi trường năm ngoái, tổ chức Eco Himal đã thu được 8 tấn rác.

 Giám đốc tổ chức này cho biết, họ phải tiến hành một kế hoạch quản lý rác thải ở trên núi cao, với các sọt rác dọc đường đi và các nhà vệ sinh tại những nơi cắm trại. Bên cạnh đó, một bộ quy tắc ứng xử đang được xây dựng để lưu ý du khách bảo vệ môi trường Evrest.