Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc và tham vọng chinh phục không gian

Trung Quốc và tham vọng chinh phục không gian PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Chúa Nhật, 17 Tháng 6 Năm 2012 18:15

Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn khắc phục chậm trễ kỹ thuật

 

Hỏa tiễn Trường Chinh II-F đưa phi thuyền Thần Châu 9 lên không gian tại trung tâm không gian ở Cam Túc ngày 16/06/2012.
REUTERS/Jason Lee

Khi lao vào chương trình thiết lập trạm không gian , Trung Quốc vừa chấp nhận những thách thức về khoa học kỹ thuật để đuổi kịp Nga, Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bên cạnh nhu cầu tuyên truyền quốc nội, Bắc Kinh còn có tham vọng một ngày kia làm bá chủ không gian.

Theo AFP, để có thể tìm hiểu bước “nhảy vọt” khoa học không gian Trung Quốc, cần phải nhìn lại chương trình phi thuyền Thần Châu, trong vòng 13 năm, từ 1999 đến nay.

 Lúc đầu Trung Quốc đưa lên không gian những sinh vật nhỏ. chỉ 4 năm sau, 2003, là đưa một người bay vòng quanh quỹ đạo trái đất và hôm qua 16/06/2012 đã có thể phóng ba phi hành gia lên không gian, trong đó có một phụ nữ, thao tác lắp ráp vào cấu trúc đầu tiên của trạm không gian tương lai, dự trù vào năm 2020.

Chuyên gia không gian Úc Morris Jones lưu ý phi vụ Thần Châu số 9 là phi vụ nhiều tham vọng nhất của Trung Quốc từ trước đến nay. Một phi vụ vừa dài vừa phức tạp hơn trước. Điều này cho thấy mục tiêu “nghiêm túc” trong tương lai xa của Trung Quốc trong lãnh vực không gian.

Cuộc “cách mạng văn hóa” trong thập niên 1960 và những quyết định trong thập niên 1980, chú tâm vào vệ tinh, đã làm cho chương trình không gian của Trung Quốc bị chậm trễ. Theo chuyên gia Morris Jones, thì phải mất ít nhất 10 năm nữa Trung Quốc mới có thể đuổi kịp trình độ của Nga , Mỹ hôm nay.

Trung Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn khắc phục chậm trễ kỹ thuật , phải thao tác thực hiện những thí nghiệm mà Nga, Mỹ đã tiến hành trong thập niên 1960.

Đối với giáo sư René Oosterlinck thuộc Cơ quan không gian châu Âu ESA thì những “phi vụ có người lái là nhằm mục đích phô trương uy thế và tuyên truyền với dân chúng Trung Hoa” vì nhu cầu vệ tinh mới thật sự là có giá trị chiến lược quân sự.

Do không được mời tham gia chương trình trạm không gian quốc tế ISS, Trung Quốc cần phải chứng minh là họ thừa sức làm một mình. Sự kiên đưa một phụ nữ lên không gian cũng là hình thức chứng tỏ phi thuyền không gian của Trung Quốc có những trang thiết bị phức tạp, ví dụ như hệ thống vệ sinh thích hợp cho cả nam lẫn nữ.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không phải chỉ giới hạn vào việc chạy đua với Nga, Mỹ hay tuyên truyền cho chế độ.

Bắc Kinh khẳng định tham vọng lớn trong các lãnh vực phóng phi thuyền, phóng vệ tinh, thám hiểm vũ trụ và hướng dẫn hành trình bằng vệ tinh định vị.

Hệ thống hành trình qua vệ tinh “Bắc Đẩu” sẽ giúp Trung Quốc một ngày không xa qua mặt hệ thống GPS của Mỹ.

Ngay từ năm nay, Trung Quốc sẽ đưa thêm vệ tinh vào quỹ đạo để “bao bọc” ca châu Á và toàn trái đất vào năm 2020, với hình ảnh có độ phân giải cao sẽ phục vụ cho nhu cầu quân sự mà từ trước đến nay, gắn chặt với cuộc “vạn lý trường chinh” tiến lên không gian.

Trung Quốc cũng đang lao vào chương trình lên cung trăng với giấc mơ đưa người Á châu đầu tiên thăm viếng Hằng Nga.