G20 thúc giục châu Âu giải quyết nợ công và kích thích tăng trưởng |
Tác Giả: Thanh Hà |
Thứ Hai, 18 Tháng 6 Năm 2012 14:55 |
G20 tiếp tục gây sức ép với Bruxelles để giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu
Các bộ trưởng Tài chính G20 chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Mêhicô (Reuters)
Trong hai ngày 18 và 19/06/2012, lãnh đạo các nước G20 tiếp tục gây sức ép với Bruxelles để giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu. Trung Quốc kêu gọi châu Âu tìm biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính. Thủ tướng Úc Julia Gillard coi tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu. Lãnh đạo 20 nước công nghiệp phát triển và của các nền kinh tế đang trỗi dậy gọi tắt là nhóm G20 khai mạc thượng đỉnh tại Los Cabos – Mêhicô. Trên nguyên tắc các bên phải đưa ra một chương trình hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Khủng hoảng nợ công kéo dài tại một số nước thành viên khối euro sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận tại thượng đỉnh Mêhicô. Trước khi lên đường dự hội nghị, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố các thành viên G20 sẽ phải đề cập đến khủng hoảng nợ công châu Âu trong tinh thần « xây dựng và hợp tác ». Trung Quốc khuyến khích những nỗ lực của châu Âu để giải quyết khủng hoảng đã kéo dài. Về phần mình bộ trưởng Tài chính Nhật Bản kêu gọi « khu vực đồng euro, chủ yếu là nước Đức, nên nỗ lực hơn nữa để bảo đảm ổn định về kinh tế và tài chính cho châu Âu ». Úc, một thành viên của nhóm G20, trước khi lên đường đến Los Cabos, thủ tướng Julia Gillard khẳng định là « ngày càng có nhiều người ý thức được rằng, các biện pháp khắc khổ tuy cần thiết nhưng phải được đi kèm với những nỗ lực để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng cũng là một nhu cầu cấp bách ». Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra quan điểm tương tự. Tóm lại theo giới phân tích, mọi chú ý đang dồn về phía thủ tướng Đức : Berlin có chủ trương cứng rắn đòi các nước đang gặp khó khăn trong khối euro phải giải quyết thâm hụt ngân sách và nợ công để đổi lấy gói hỗ trợ tài chính của quốc tế. Thế nhưng, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi mục tiêu tăng trưởng phải được đi kèm với mục tiêu cắt giảm chi tiêu và giảm nợ công cuả các nước thành viên khối euro. |