Home Tin Tức Thời Sự Rodney King, người bị cảnh sát đánh dẫn tới bạo loạn, qua đời

Rodney King, người bị cảnh sát đánh dẫn tới bạo loạn, qua đời PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 18 Tháng 6 Năm 2012 15:03

Nhân vật then chốt trong vụ nổi loạn chủng tộc Los Angeles 1992

LOS ANGELES (AP) -Rodney King bị chết đuối trong hồ bơi ở nhà tại Los Angeles hôm Chủ Nhật.

 Năm 1991, tên tuổi Rodney King bùng lên khi người thanh niên da đen này bị cảnh sát Los Angeles đánh đập trong đêm.

Khi cảnh sát được tha bổng, một cuộc nổi loạn chủng tộc khổng lồ bùng lên ở Los Angeles kéo dài ba ngày hai đêm, dẫn đến cuộc cải tổ toàn bộ trong sở cảnh sát thành phố này.

 

Rodney King vào tháng 4 trong buổi ra mắt cuốn sách tự truyện 'The Riot Within: My Journey from Rebellion to Redemption'. Vụ cảnh sát đánh đập Rodney King năm 1991 rồi sau đó được thả bổng, dẫn tới cuộc nổi loạn chủng tộc thuộc hàng nặng nề nhất lịch sử. King qua đời hôm Chủ Nhật, thọ 47 tuổi. (Hình: Joe Klamar/AFP/GettyImages)

 

Sáng sớm, lúc 5:25 sáng, người vợ sắp cưới của King gọi cấp cứu 9-1-1 sau khi tìm thấy ông trong hồ bơi ở nhà tại Rialto, cảnh sát cho biết.

Khi cảnh sát tới nơi, họ vớt King lên từ phía nước sâu của hồ bơi. Khi thấy King không phản ứng gì, họ làm hô hấp nhân tạo cho tới khi nhân viên cứu cấp tới. Họ đưa ông vào bệnh viện, nơi người ta tuyên bố ông đã chết.

Cảnh sát nói King ở bên cạnh hồ bơi suốt sáng sớm và nói chuyện với người vợ sắp cưới ở trong nhà. Ðiều tra sơ khởi cho thấy King bị chết đuối và không có dấu tin tội phạm.

Cuộc nổi loạn ở Los Angeles năm 1992 diễn ra sau khi tòa tiểu bang tha bổng 4 người cảnh sát bị quay phim đánh đập Rodney King liên tục. Cuộc nổi loạn kéo dài 3 ngày 2 đêm, khiến 55 người chết, hơn 2,000 người bị thương, và nhiều vùng lớn ở Los Angeles bị đốt.

Giữa cơn loạn lạc, King lên truyền hình kêu gọi, “Can we all get along?” - tạm dịch, làm ơn sống tử tế với nhau.

Sự việc khởi đầu ngày 3 tháng 3, 1991. King, khi đó 25 tuổi, đã có tiền án cướp, đang được tạm tha thì bị cảnh sát hú còi về tội chạy quá tốc độ.

Do đang trong thời gian thử thách và cũng say rượu, King bỏ chạy. Cảnh sát rượt theo.

Khi bắt được King, cảnh sát đánh ông, đá, bắn súng điện, và dùng gậy đập hơn 50 lần.

Một người dân, George Holliday, đi ra coi và quay được video toàn bộ vụ đánh người rồi gởi cho truyền hình KTLA.

Bốn cảnh sát viên bị truy tố tội đánh người, nhưng tòa án, với một bồi thẩm đoàn không một ai da đen, tha bổng cả 4 người.

Ngay lập tức, bạo động bùng lên, khởi đầu từ vùng người gốc Phi Châu ở phía Nam trung tâm Los Angeles.

Cảnh sát bị bất ngờ, không phản ứng kịp với số người nổi loạn đông hơn và từ từ rút lui.

Khi cuộc bạo động lan tới khu phố Hàn Quốc Koreatown, giới chủ nhân mang súng ra đấu với người hôi của.

Trong cuộc bạo loạn đó, một tài xế xe tải tên Reginald Denny bị đám đông người da đen lôi ra khỏi xe và bị đánh tới gần chết.

Vụ đánh Denny được truyền hình quay được từ trên máy bay trực thăng. Bốn người khác, cũng da đen, thấy trên TV và chạy đến cứu Denny đưa đi bệnh viện.

Bốn cảnh sát viên sau đó bị chính quyền liên bang truy tố tội vi phạm dân quyền của Rodney King. Hai người, Stacey Koon và Laurence Powell, bị kết tội và bị tuyên án tù 2 năm.

King kiện thành phố, và được bồi thường $3.8 triệu.

Một trong những người trong bồi thẩm đoàn, Cynthia Kelley, sau này gặp King và trở thành người vợ sắp cưới của King. (H.N.V.)