Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 19 Tháng 6 Năm 2012 14:17

Ai Cập : Quân đội bị chỉ trích cố bám víu quyền lực

 

Trước giờ mở cửa phòng phiếu hôm 16/06/ 2012 tại thủ đô Cairo.
REUTERS/Ahmed Jadallah

 

Kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập sẽ được công bố vào thứ năm (21/6/2012), nhưng theo kế quả sơ bộ, ứng viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thắng cử với 51,5% phiếu bầu trong khi đó ứng viên thuộc chế độ cũ Mohammed Morsi giành được 48,5% số phiếu.

Thế nhưng, nhìn vào tình hình hiện tại ở Ai Cập, tổng thống vừa đắc cử có thể chỉ có danh, bởi thực quyền đang nằm trong tay quân đội.

Đi sâu phân tích chủ đề này, nhật báo Libération có bài chạy tựa : « Tại Ai Cập, phải chăng vị tổng thống đắc cử sẽ không là gì cả ? ».

Theo tờ báo, thế là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại của Ai Cập đã diễn ra một cuộc bầu cử tổng thống « tự do và trung thực », cũng lần đầu tiên nước này có một vị tổng thống không phải người thuộc quân đội.

Thế nhưng, không hề có cảnh dân chúng rầm rộ xuống đường ăn mừng chiến thắng, giao thông tại quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo, biểu tượng của cuộc cách mạng vừa qua, cũng không hề bị rối loạn. Tại sao ? Tờ báo đi vào tìm hiểu nguyên nhân.

Sau hơn 80 năm đứng bên lề quyền lực tại Ai Cập, tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đã thật sự bước ra đón ánh thái dương khi mà lần đầu tiên người của họ được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, đa số người dân không bị cuộc bầu cư thu hút. Thống kê chính thức cho thấy, ở vòng hai bầu cử, chỉ có 35% cử tri đi bầu.

Tỷ lệ tham gia quá thấp trong cuộc bầu cử được xem là lần đầu tiên tự do này, theo tờ báo, trước tiên là do có nhiều người cảm thấy chán nản với cuộc bầu cử, bởi ở vòng hai, hai ứng viên một là thủ tướng dưới chế độ cũ, một là thành viên phong trào Hồi giáo cực đoan.

 « Nhiều nhà cách mạng » đã kêu gọi tẩy chay hoặc bỏ phiếu trắng.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến việc nghị viện Ai Cập bị giải thể.

 Số là trước khi diễn ra vòng hai bầu cử tổng thống vài ngày, Tòa án Bảo hiến Ai Cập đã ra phán quyết giải tán lưỡng viện Quốc hội. Lưỡng viện này vừa được bầu vào cuối năm ngoái với gần 70% đại biểu thuộc phe Hồi Giáo cực đoan.

Trong khi chờ đợi bầu cử mới, quyền lập pháp tạm giao về cho Hội đồng quân đội tối cao (CSFA).

CSFA cũng đã nắm quyền hành pháp từ khi tổng thống Hosni Moubarak từ chức hồi tháng 2/2011. Rất có khả năng, Hội đồng quân sự này sẽ chỉ định những thành viên của quốc hội mới, và quốc hội mới sẽ soạn thảo hiến pháp mới.

CSFA cũng đã cho sửa Tuyên bố lập hiến ngày 30/3/2011 theo hướng này, trong khi không quên nêu rõ và tăng cường đặc quyền mới của phe quân đội.

Các động thái này bị cho là một kiểu « đảo chính », khiến nhiều người lo ngại việc tân tổng thống sẽ bị hạn chế quyền lực. Nó cũng sẽ đẩy đất nước đi từ bế tắc chính trị này đến ngõ cục chính trị khác.

Một chuyên gia chính trị còn nói rõ, Tòa án bảo hiến và CSFA đã nhìn thấy trước là ứng viên Morsi sẽ thắng và lo ngại khi ấy phe Hồi giáo cực đoan sẽ nắm cả quyền lập pháp và hành pháp, bởi thế họ mới ra tay trước, tòa án giải tán lưỡng viện rồi sau đó quân đội tiếp quản quyền lập pháp và để soạn thảo hiến pháp mới theo ý họ.

Như vậy, đáng lẽ cuộc bầu cử tổng thống sẽ chấm dứt cuộc tranh giành giữa phong trào Huynh đệ Hồi giáo và quân đội Ai Cập, thế mà ngược lại nó lại khiến tình hình thêm căng thẳng.

 Libération kết luận : chiến thắng của ông Morsi mang dư vị thất bại, cuộc cách mạng mà những người xuống đường hô hào từ năm ngoái dường như đang có nguy cơ sụp đổ hơn bao giờ hết.

Nga dùng chiêu bài ủng hộ dòng Hồi giáo Chiite ở Trung Đông

Nhìn về Trung Đông, nhật báo Le Monde nhận định, Nga đang ra dùng chiêu bài ủng hộ dòng Hồi Giáo chiite tại khu vực này.

 Bài viết mang dòng tít : « Nga cố tạo thế là nhân tố quan trọng tất yếu trong hồ sơ Iran và Syria ». Ngày hôm qua, tại Maxcơva, đàm phán giữa các cường quốc và Iran về hồ sơ hạt nhân của nước này đã diễn ra.

Trước khi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, Mêhicô, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng gặp đồng nhiệm Nga Vladmir Putin để thảo luận về các hồ sơ quốc tế quan trọng và tế nhị trong đó có hồ sơ hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng tại Syria, vào thời điểm sự ủng hộ của Matxcơva đối với tổng thống Bachar Al Assad tại Syria được coi là một trắc nghiệm đối với quan hệ Nga-Mỹ.

Trong vùng Trung Đông đầy căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Chiite và Sunnite, nhất là ở Syria, Nga dường như đã quyết định ngã về phe Chiite, nhánh Hồi giáo chiếm đa số tại Iran và là nhánh đang nắm quyền tại Syria.

Nên nhớ rằng, chính quyền Assad là đồng minh của Iran, bởi thế, Nga ủng hộ Assad không chỉ là vì lập trường phản đối sự can thiệp của nước ngoài, mà đó cũng là cách để Nga tạo thế mạnh trong quan hệ với Iran.

Theo Le Monde, Nga thật sự không muốn Iran quá mạnh về hạt nhân quân sự, nhưng lại có chung nổi lo về sự hiện diện của Mỹ ở Vùng Vịnh và ở sườn Nam của Liên Xô cũ.

Sự ủng hộ của Nga đối với dòng Chiite đến mức mà nhiều nước phương Tây đã lên tiếng cảnh báo, một nhà ngoại giao Châu Âu bức xúc : « Có phải Nga muốn phương Tây thật sự ngã về phía người Ả Rập dòng Sunnite và Ả Rập Xê Út hay không ? ».

Gần kề ngày đàm phán tại Maxcơva về hồ sơ hạt nhân Iran, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đến Tehéran và đã tuyên bố rằng giữa hai bên có nhiều đồng thuận về vấn đề Syria.

Le Monde nhận định, là nước chủ nhà của phiên đàm phán, bởi vậy Nga sợ đàm phán sẽ thất bại giống như hồi tháng 5 ở Bagdad.

 Do đó, mọi động thái trên của Nga nhằm ý muốn Iran sẽ cam kết tạm dừng các hoạt động làm giàu uranium ở mức 20%, ngưỡng đe dọa cho các nước láng giềng khiến Israel không ngừng đe dọa dùng không quân tấn công Iran.

Le Monde đánh giá, trên hai hồ sơ Iran và Syria, Nga có vẻ ra sức cản trở sự can thiệp quân sự nước ngoài bằng cách biến Nga thành « một nhân tố giải quyết tất yếu », tức là nếu không can thiệp quân sự thì phải nhờ đến sự ra mặt của Nga. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn còn nghi ngại về khả năng Nga có thể có khả năng giải quyết hai hồ sơ này.

Bầu cử tại Pháp và Hy Lạp làm thay đổi thế cục Châu Âu

Bầu cử quốc hội tại Pháp hôm Chủ nhật vừa qua vẫn tiếp tục là chủ đề trọng tâm của báo chí Pháp hôm nay với nhiều bài phân tích sâu sắc về tình thế mới của Pháp khi toàn bộ quyền lực đều thuộc về cánh Tả, và tình thế Châu Âu khi Pháp có tân tổng thống và khi nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung cỏ vẻ đã không còn.

Nhật báo Le Monde chạy tít lớn trên dành trang nhất : « Toàn bộ quyền lực dành cho ông Hollande ».

Tờ báo đăng kết quả bầu cử quốc hội, và dành đến 15 trang cho chủ đề này, chưa kể một bài xã luận chạy trên trang nhất.

Libération đăng trên trang nhất ảnh tân tổng thống Pháp Hollande hai tay vung nắm đấm trong trang phục siêu nhân đang bay lên với dòng tựa :

 « Cánh Tả có thể hạ được khủng hoảng không? » . Tờ báo dành 9 trang phân tích với một bài xã luận.

Nhật báo Cộng sản L’Humanité dành trang nhất cho hình ảnh một chồng hồ sơ cao ngất ngưởng phản ánh những khó khăn mà nước Pháp đang gặp phải, từ việc làm, y tế, chế độ hưu bổng…vời dòng tít lớn :

« Trước mong mỏi của quần chúng, đây là giờ khắc chọn lựa và quyết định ». 

Tờ báo Công giáo La Croix cũng chọn trang nhất cho chủ đề này, nhưng tập trung nhìn rộng ra Châu Âu với hàng tít lớn : « Châu Âu trong ván bài mới ». 

Sau đây là một số bài bình luận đáng chú ý nhất.

Trong bài xã luận mang tên « Một trách nhiệm lịch sử đối với Châu Âu », Le Monde cho rằng, ông Francois Hollande cần cố gắng tranh thủ lợi thế hiện tại để làm tròn sứ mệnh với Châu Âu.

Lợi thế nào ? Đó là việc ông Hollande được bầu làm tổng thống, đảng Xã hội của ông và cánh Tả nói chung đang thống trị mọi diễn đàn chính trị của Pháp từ các hội đồng địa phương, thượng viện rồi hạ viện.

Thế là, so với các đồng sự khác ở Châu Âu, tổng thống Hollande sẽ có nhiều thuận lợi nhất để thực hiện chính sách nội trị và ngoại giao của mình.

Đối với Liên Hiệp Châu Âu và với khối đồng tiền chung euro, nhiệm vụ chính của ông Hollande đó là : Đưa Châu Âu ra khỏi khủng hoảng và cứu đồng tiền chung Châu Âu. Đây là nhiệm vụ mang tính lịch sử đối với tân tổng thống Hollande.

Đức Pháp bất đồng về giải pháp « Liên bang Châu Âu »

Chia sẻ quan điểm này của Le Monde, nhật báo Liberation có bài phân tích chạy tựa : « Châu Âu : Hollande đang là gạch nối ».

Tờ báo cho rằng, tổng thống Hollande sẽ đi vào lịch sử với tư cách là một vị tổng thổng cứu hay nhấn chìm đồng tiền chung euro, bởi hiện tại là giai đoạn quyết định sự sống còn của đồng tiền này.

Để hoàn thành sứ mệnh đó, ông Hollande đã buộc phải chấp nhận giải pháp mà người Pháp nói chung và người thuộc đảng Xã hội nói riêng lâu nay vẫn nghi ngại.

Thế là ông Hollande trong thể chẳng đặng đừng để chọn giải pháp này : Xúc tiến cái tinh thần « Liên bang Châu Âu ».

Theo tờ báo, đối với các thị trường, không có giải pháp nào hơn là giải pháp « Liên bang », tức phải hội nhập kinh tế sâu và rộng hơn bao giờ hết, làm sao cho khu vực eurozone cũng giống như Liên bang Đức hay là thể chế liên bang như ở Hoa Kỳ.

 Thế nhưng, muốn hội nhập sâu về tiền tệ, tức vào đồng tiền chung euro, thì sẽ kéo theo hội nhập sâu về chính trị. Nói cách khác là quyền lực cấp Châu Âu sẽ được mở rộng, còn quyền tự quyết của các nước sẽ bị hạn chế.

Về vấn đền này, trong nước ông Hollande có thể thuận lợi, bởi toàn bộ đại quyền đều nằm trong tay cánh Tả, nhưng trong khu vực, nhất là với Đức, ông không khỏi gặp khó khăn.

 Thủ tướng Đức Merkel thì muốn các nước hội nhập chính trị trước khi hội nhập tài chính, trong khi đó tổng thống Pháp Hollande thì muốn hai quá trình diễn ra cùng lúc.

Vấn đề bất đồng này lại mang tính cốt tử bởi được giúp đỡ tiền bạc thì nước nào không thích, còn bắt hạn chế quyền tự quyết quốc gia thì lại không dể chút nào.

Một loạt câu hỏi được đặc ra, cần lời giài đáp để cho hai quá trình hội nhập có thể diễn ra : Ai sẽ kiểm soát quá trình hội nhập ?

 Nếu thành lập quỹ chung cho cả khối, ai sẽ là người giữ hòm chìa khóa ?

 Nước nào sẽ muốn giữ quyền tự quyết quốc gia lâu nhất có thể ? …Và câu trả lời có thể được tìm thấy trong hội nghị thượng đỉnh Châu Âu ngày 28 và 29 tới đây.

Những thách thức đang đợi chờ Châu Âu

Cũng nhìn về tương lai Châu Âu sau bầu cử quốc hội tại Pháp và Hy Lạp, La Croix có bài : « Những thách thức đang chực chờ Châu Âu ».

 Tờ báo nêu ra một số thách thức trọng điểm, trong đó có mấy vấn đề sau đây.
Liên quan đến Hy Lạp, tờ báo đặt câu hỏi : Liệu Hy Lạp đã tránh được kịch bản xấu nhất ?*

Kết quả bầu cử quốc hội hôm chủ nhật rồi tại Hy Lạp với phần thắng thuộc về cánh Hữu, cho thấy nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung đã bị đẩy lùi. Trước khi bầu cử, Châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế FMI đã đe dọa là sẽ cắt hỗ trợ tài chính nếu cánh Tả thắng cử, mà cánh Tả Hy Lạp thì muốn tách nước này khỏi đồng euro.

Nếu hỗ trợ tài chính bị cắt thì Hy Lạp sẽ nguy, vì không có sự hổ trợ của quốc tế, chính quyền nước này không biết lấy gì mà chi tiêu trong tháng Bảy tới, và lấy gì mà trả nợ nước ngoài vào ngày 20/8 với 7,7 tỷ euro.

Sức ép nước ngoài buộc Hy Lạp phải nhanh chóng thành lập chính phủ liên hiệp để đàm phán về việc giảm bớt những điều kiện áp đặt của Châu Âu.

 Thế nhưng, phát ngôn nhân chính phủ Đức đã lên tiếng cho rằng : « Không phải là lúc xem xét cắt giảm».

Một chuyên gia nhận định, với chính phủ mới, để có thể nhanh chóng đạt mục tiêu ngân sách, Hy Lạp có thể trở lại những giải pháp tạm thời như cắt giảm tiền lương chẳng hạn, nhưng giải pháp này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.

Tóm lại, dù giải pháp nào đi nữa, thì trong ngắn hạn, Hy Lạp vẫn không thể nào thoát khỏi nợ nần được.

Ảnh hưởng của cuộc bầu cử Hy Lạp đến Liên Hiệp Châu Âu

Dù dân Hy Lạp đã chọn cảnh Hữu trong cuộc bầu cử để thể hiện mong muốn ở lại khu vực đồng euro, nhưng tương lai của đất nước họ vẫn còn là vấn đề tranh luận trong khối EU.

Thứ sáu này, tại Roma, nguyên thủ các nước Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha sẽ bàn về những điều kiện giảm bớt sức ép, sau đó vấn đề sẽ được bàn thảo ở hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28 và 29 tới ở Bruxelles-Bỉ.

Một dân biểu Châu Âu cho rằng, bầu cử quốc hội vừa rồi ở Hy Lạp dù không dẫn đến đổ vở, những vấn đề Hy Lạp vẫn còn nguyên.

Thêm vào đó có chuyên gia còn nhận định, thủ tương Đức Merkel, người theo đuổi biện pháp khắc khổ cho các nước khủng hoảng, sẽ có thể dựa vào kết quả bầu cử ở Hy Lạp để nói rằng, chính sách khắc khổ không phải luôn gây mất lòng dân.