Tại G20, IMF được quốc tế đóng góp nhiều hơn dự kiến |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Ba, 19 Tháng 6 Năm 2012 14:44 |
Sự cam kết của cộng đồng quốc tế và của G20 nhằm tiến hành những biện pháp cần thiết để ổn định nền tài chính thế giới
Tổng thống Mêhicô đón tiếp Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế , bà Christine Lagarde (trái) đến dự Thượng đỉnh G20 tại Los Cabos ngày 18/6/2012.
Nhân hội nghị thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, Mehico, khoảng 40 nước hôm qua 18/06/2012 đã hứa đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tiền lên đến 456 tỉ đô la, làm tăng gần như gấp đôi khả năng cho vay của định chế quốc tế này. Được xem như bức tường vững chải nhất chống lại sự lây lan của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã thắng lớn trong hội nghị G20 lần này. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF phấn khởi cho biết, số tiền được hứa hẹn trên đây « làm tăng gần gấp đôi khả năng cho vay ». Bà nhấn mạnh, các nước lớn cũng như nhỏ đã đáp ứng lời kêu gọi hành động của IMF, và chúc mừng sự đóng góp cho chủ nghĩa đa phương. Các nước khu vực đồng euro và 23 quốc gia thành viên khác đã cho biết sẽ đóng góp những số tiền cụ thể. Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ đến 43 tỉ đô la, Nga 10 tỉ đô la, còn nước chủ nhà Mehico trước đây đứng ngoài, nay cũng tham gia. Nhưng chủ yếu vẫn là các nước khu vực đồng euro - kể cả những nước đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha hay Chypre - đã khởi động phong trào từ tháng 12 năm ngoái khi cam kết đóng góp 150 tỉ euro. Ngược lại Hoa Kỳ, cổ đông lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì vẫn không hứa hẹn gì. Theo dự thảo tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị hôm nay mà AFP có được, các nước G20 nhấn mạnh : « Số tiền này sẽ được dành cho tổng thể các thành viên IMF chứ không riêng cho một khu vực nào. Nỗ lực này cho thấy sự cam kết của cộng đồng quốc tế và của G20 nhằm tiến hành những biện pháp cần thiết để ổn định nền tài chính thế giới ». Trong số 456 tỉ đô la trên, IMF có thể cho các quốc gia thành viên vay thêm 380 tỉ, số còn lại làm quỹ dự phòng. Tuy nhiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế không nhận được toàn bộ số tiền hỗ trợ này ngay lập tức. Tại một số nước, cần phải được Quốc hội thông qua. Các nước khác như khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thì ra điều kiện là IMF cần phải tiến hành các cải cách đã được thỏa thuận năm 2010, tăng thêm quyền bỏ phiếu cho các quốc gia mới trỗi dậy. Tuy nhiên tiến trình này phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn nên đã bị chậm trễ. Số tiền hỗ trợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế nếu được sử dụng, thì các quốc gia thành viên cũng sẽ nhận được tiền lãi. Tuy nhiên việc cho IMF vay không phải nhằm kiếm lời mà mang tính chính trị : lãi suất hiện dao động ở mức 0,12%. |