Thỏa hiệp biên giới với Việt Nam, Cambodia nhường 2 làng để giữ 2 làng khác |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 19 Tháng 6 Năm 2012 15:19 |
Việc cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước sẽ hoàn tất trước cuối năm 2012 PHNOM PENH (NV) - Trong thỏa hiệp với Việt Nam về vấn đề biên giới lãnh thổ, Cambodia sẽ mất hai làng về cho Việt Nam để giữa lại hai làng khác. Ðiều này đang gây bực tức cho nhiều người xứ Chùa Tháp, đặc biệt những tổ chức chính trị chống lại phe cầm quyền của của Thủ Tướng Hun Sen.
Cột mốc 171 đánh dấu biên giới Việt Nam và Campuchia tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, đối diện tỉnh Kampong Cham của Cam Bốt. (Hình: Web Biên Phòng VN)
Bản tin trên tờ Phnom Penh Post hôm Thứ Hai 18 tháng 6, 2012 cho hay năm ngoái, chính phủ Nam Vang loan báo sẽ xúc tiến nhanh các thỏa thuận về cắm một biên giới với Việt Nam và Lào từng được ký bản hiệp định biên giới lãnh thổ từ năm 1985. Hiệp định này đạt được 6 năm sau khi quân đội Việt Nam đã đánh bại được quân Khmer Ðỏ, giúp nhân dân Cambodia thoát nạn diệt chủng. Tờ báo trên thuật theo lời của Va Kimhong, một bộ trưởng trong chính phủ Nam Vang nói rằng để giữ được hai làng Thlok Trach và Anlung Chrey thuộc huyện Ponhea Krek tỉnh Pampong Cham đối diện tỉnh Tây Ninh, chính phủ của họ phải thỏa hiệp. Ðây là một phần của tiến trình cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước. “Ðể giữ lại được hai làng (nói trên) chúng tôi buộc phải tìm bất cứ nơi nào trong tỉnh để trao cho phía Việt Nam.” Ông Kimhong nói trên tờ Phnom Penh Post. “Ðó là điều chúng tôi gọi là thỏa hiệp” (compromise). Ông này không xác định khu đất nào hay làng nào sẽ được giao cho Việt Nam để giữ lại phần lãnh thổ với hai làng Thlok Trach và Anlung Chrey. Ðược biết làng Anlung Chrey là quê quán của Chủ Tịch Quốc Hội Heng Samrin. Sean Penh Se, chủ tịch liên minh các tổ chức phi chính phủ về vấn đề biên giới lãnh thổ nói từ Pháp rằng bất cứ sự trao đổi nào cũng không chấp nhận được nếu không có sự thảo luận với các người dân bị mất đất trong cái thỏa thuận đó. Ông này nói rằng những phần đất đó “không thuộc tài sản của ông Va Kimhong và ông Hun Sen”. Ðảng đối lập Sam Rainsy thường dùng chiêu bài biên giới lãnh thổ với Việt Nam trong các cuộc vận động tranh cử. Lãnh tụ của đảng này hiện đang lưu vong tại Pháp từng bị kết án tù khiếm diện hơn chục năm sau khi đã nhổ cột mốc biên giới Việt Nam-Cam Bốt và phổ biến một bản đồ khác trên mạng bản đồ google nói Việt Nam xâm lấn lãnh thổ. Sau khi ký với Việt Nam hiệp định biên giới năm 1985, Cambodia và Việt Nam lại ký thêm một “Hiệp định bổ sung” năm 2005, điều chỉnh lại những điều không được rõ ràng của bản hiệp định 1985. Hiệp định bổ túc này nói các việc cắm mốc phân định biên giới giữa hai nước sẽ hoàn tất trước cuối năm 2012. Ðầu tháng 7 năm 2011, Thượng Viện Cambodia đã thông qua bản hiệp định biên giới với Việt Nam sau khi được hạ viên thông qua ít ngày trước đó. Tuy nhiên, cho đến tháng 4 năm 2012, mới chỉ có khoảng 72 mốc biên giới trên chiều dài khoảng 200km được cắm giữa hai nước trên tổng chiều dài biên giới trên đất liền 1,137km. Tổng số mốc dự trù phải cắm là 322. Hiệp định biên giới giữa Việt Nam và Cambodia đã dựa vào bản đồ tỉ lệ 1/100,000 do sở địa chính Ðông Dương vẽ và thông dụng trước năm 1954 hoặc gần với năm 1954 nhất. Dù vậy, các đảng phái đối lập (Funcinpec, Sam Rainsy) thường xuyên chống đối hiệp định biên giới với Việt Nam của chính phủ Hun Sen. Năm 1996, Quốc Vương Sihanouk từng cáo buộc Việt Nam lấn biên giới thêm từ 300m đến 400m ở khu vực tỉnh Svay Rieng (đối diện với Long An và Tây Ninh). Tháng 4 năm này, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phải cầm đầu một phái đoàn sang Nam Vang thảo luận biên giới lãnh thổ với 2 đồng thủ tướng Ranariddh và Hun Sen. Ông Kiệt đề nghị lập một cơ quan chính thức để giải quyết nhưng bị Cam Bốt bác bỏ. Trước các áp lực của các phe đối lập, chính quyền Thủ Tướng Hun Sen đã ký với Việt Nam bản hiệp định bổ túc năm 2005 nhưng những sự chống đối vẫn không giảm. Báo Phnom Penh Post thuật lời hai cư dân Ros Va, 71 tuổi, và Chum Chin, 71 tuổi, của làng Po Preuk sát với hai làng được nêu trong vấn đề phân định biên giới nói rằng những nơi này tuy nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Cambodia nhưng đã bị lực lượng CSVN dùng làm nơi ẩn nấp thời chiến tranh trước 1975. (T.N.)
|