Home Tin Tức Thời Sự Nhà buôn Việt “khoái” thương nhân Trung Quốc

Nhà buôn Việt “khoái” thương nhân Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 20 Tháng 6 Năm 2012 13:45

 Thương nhân Trung Quốc  tạo sự tin cậy và liên lạc chặt chẽ với tiểu thương Việt ở chợ

HÀ NỘI (NV) - Trả lời dư luận vì sao hàng Trung Quốc xuất hiện tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Cao Cấp xác nhận rằng các chủ chợ Việt Nam “khoái” thương nhân Trung Quốc hơn thương nhân “nhà”.

 

Nông sản Trung Quốc đầy dẫy các chợ quê Việt Nam. (Hình: Internet)

 

Báo Pháp Luật Sài Gòn dẫn tuyên bố của bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Cao Cấp hôm 17 tháng 6 cho biết, không chỉ “khoái” mà tiểu thương Việt Nam còn “cám ơn” các nhà sản xuất Trung Quốc.

Một tiểu thương bán hàng ở chợ Ðồng Xuân, Hà Nội tâm sự: “Tôi ngồi bán ở chợ suốt 40 năm nay không thấy nhà sản xuất Việt Nam nào đến chợ kiếm tôi để nhờ bán hàng. Ngược lại, tôi không biết đường nào để kiếm họ. Trong khi đó, chỉ cần một cú điện thoại và không đầy 15 phút sau, thương lái Trung Quốc lập tức giao hàng đến tận chợ cho chúng tôi.”

Cũng theo bà Kim Hạnh, các thương lái Trung Quốc làm trung gian giữa nhà sản xuất nước họ và các tiểu thương các chợ Việt Nam rất chặt chẽ và tận tụy. Họ không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào và hầu như chở hàng đến “gối đầu,” để đó, cả tháng sau mới đến nhận tiền.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết đã gặp hầu hết tiểu thương chợ Ðồng Xuân và được họ xác nhận rằng “sự giàu có của tiểu thương Việt hiện nay là nhờ bán hàng hóa Trung Quốc”.

Vẫn theo bà Kim Hạnh, một trong những bí quyết thành công của thương nhân Trung Quốc ở thị trường Việt Nam hiện nay là tạo sự tin cậy và liên lạc chặt chẽ với tiểu thương ở chợ. Tính cách này hoàn toàn trái ngược thái độ xa cách, thậm chí là “làm khó dễ” của thương nhân Việt Nam đối với giới tiểu thương Việt tại thị trường nội địa.

Bà Vũ Kim Hạnh còn chỉ trích “tư duy lối mòn” của các nhà sản xuất và giới buôn sỉ Việt Nam khi quan niệm rằng tiểu thương Việt “muốn có hàng bán thì phải đích thân đi tìm mua.” Trong khi đó, theo bà Kim Hạnh, thương nhân Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã hình thành một “nếp kinh doanh” cho tiểu thương Việt Nam là “ngồi tại chỗ gọi hàng cho nhanh”.

Không những vậy, một số nhà sản xuất tận Trung Quốc còn “lục lạo” khắp các chợ lớn nhỏ, chi tiền trang trí, trưng bày hàng hóa của mình tại các sạp chợ ở Việt Nam. Vì vậy mà không ít tiểu thương ở Việt Nam hiện nay không ngại bày tỏ sự “cảm kích” thương nhân và nhà sản xuất người Trung Quốc.

Nhận định của bà chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Hàng Việt Nam Cao Cấp đã trả lời thay sự băn khoăn của dư luận về tình trạng bày bán hàng Trung Quốc tràn lan, từ quần áo, vải vóc, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em đến thực phẩm các loại... Không chỉ vậy, tiểu thương Việt Nam còn nhập cảng cả hàng lậu từ Trung Quốc, hoặc dùng hàng hóa nội địa lột bỏ nhãn hiệu Việt Nam để gắn “mác” Trung Quốc.

Bằng một chính sách khôn ngoan lâu đời, có lẽ không bao lâu nữa thì thị trường Việt Nam trở thành “sân sau” của nhà sản xuất Trung Quốc.