Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc mua gạo Việt Nam, đòi trộn chung tốt với xấu

Trung Quốc mua gạo Việt Nam, đòi trộn chung tốt với xấu PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 21 Tháng 6 Năm 2012 17:12

Thương lái Trung Quốc tới tận các tỉnh trồng lúa để tìm mua gạo chất lượng cao, gạo thơm

 

 SÀI GÒN (NV) - Trung Quốc hiện đang là khách hàng mua gạo nhiều nhất của Việt Nam nhưng thương nhân nước này có những đòi hỏi kỳ lạ làm những người bán gạo ở Việt Nam âu lo.

VFA cho rằng, việc tiêu thụ lúa gạo nửa cuối năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo một bản tin của tờ Sài Gòn Tiếp Thị gần đây, chỉ kể trong 4 tháng đầu năm nay, thương nhân Trung Quốc đã ký rất nhiều hợp đồng mua gạo của Việt Nam lên đến 1.2 triệu tấn. Trong đó đã nhận 400,000 tấn và số lượng còn lại sẽ nhận trong những tháng cuối năm.

 

Ðây là số lượng gạo xuất cảng sang Trung Quốc tăng vọt so với các năm trước. Năm ngoái đã gọi là cao nhưng cũng chỉ được 250,000 tấn.

 

Theo một viên chức của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA), tức cơ quan thu gom và xuất cảng nông phẩm quốc doanh, vụ Ðông Xuân năm nay, thương lái Trung Quốc tới tận các tỉnh trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm mua gạo chất lượng cao, gạo thơm.

Cuộc họp báo này nêu ra điều “không hiểu được” của các khách hàng Trung Quốc khi thay đổi quyết định mua hay dừng không mua nữa rồi lại mua rất đột ngột. Có vẻ như họ muốn tìm cách hạ giá mua xuống mức thấp nhất.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) cho hay chủ trương này của họ áp dụng cho cả các hợp đồng lớn mua chính thức và cả những vụ mua nhỏ theo đường “tiểu ngạch.”

 

Gạo đang được chuyển xuống tàu xuất cảng. (Hình: SGTT)

 

Theo VFA, không những tìm cách dìm giá “việc mua bán gạo sang Trung Quốc còn có thêm trục trặc khác là khách hàng Trung Quốc sang yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng vào gạo thơm nhằm trục lợi.

 Theo tính toán thì với giá gạo trắng khoảng 8,000-8,500 đồng/kg, nếu trộn 50% vào với gạo thơm và bán dưới mác gạo thơm thì thương nhân Trung Quốc sẽ lợi 1/3 giá.”

Theo nguồn tin trên, “Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc làm trên của một số khách hàng Trung Quốc không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế của họ mà có thể còn nhằm hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc này có thể phá nát nền sản xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm của Việt Nam, đồng thời phá thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc.”

Vì vậy, tổ chức VFA coi đây là vấn đề “rất nghiêm trọng” nên đã lập tức khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho thương nhân Trung Quốc. VFA cũng buộc các thành viên của họ không được trộn các loại gạo có phẩm chất khác nhau, coi đây có thể là hành động phá hoại.

Cho đến cuối tháng 5, 2012, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất cảng 5 triệu tấn gạo trên tổng số dự trù xuất cảng cho cả năm khoảng 6.3 triệu tấn.

 Theo SGTT, đến cuối tháng này, Việt Nam sẽ giao thêm 750,000 tấn gạo, nâng tổng số xuất cảng của nửa đầu năm nay lên 3.3 triệu tấn, thấp hơn con số 3.8 triệu tấn của cùng thời gian này năm ngoái, và giá bán cũng thấp hơn $15 USD/tấn so với năm ngoái.

Ðã có nhiều bài viết mô tả tình trạng xuất cảng gạo của Việt Nam khó khăn hơn năm ngoái vì có sự cạnh tranh ráo riết của Ấn Ðộ trong khi nhu cầu mua gạo của nhiều nước trên thế giới vốn là khách hàng truyền thống của Việt Nam lại giảm.

Hai năm trở lại đây, thấy báo chí ở Việt Nam có nhiều bài viết về sự lũng đoạn thị trường nông sản của Việt Nam từ phía thương nhân Trung Quốc.

Cách đây một năm, tờ SGGT có bài viết mô tả thương nhân Trung Quốc săn lùng mua nhiều loại nông sản của Việt Nam, trả giá cao hơn bình thường, rồi buộc phải gắn nhãn mác Trung Quốc.

Nhiều đợt người Trung Quốc thu mua ồ ạt nông sản Việt Nam từ dưa hấu, vải thiều, long nhãn đã làm cho nông dân Việt Nam mất nghiệp vì thái độ tráo trở của các con buôn phương bắc.

Ngày 15 tháng 6, 2012, báo Công Thương, báo điện tử của Bộ Công Thương Việt Nam có bài viết “cảnh báo thủ đoạn thương nhân Trung Quốc hủy hợp đồng nhập khẩu gạo” của Việt Nam. Bài viết nêu ra nhiều rủi ro khi bán gạo theo các điều kiện của thương nhân Trung Quốc và yêu cầu các nhà xuất cảng của Việt Nam nên thận trọng. (TN)