Con gái Tô Huy Rứa 'thôi chức' chủ tịch Vinaconex |
Tác Giả: Nguoi Viet |
Thứ Sáu, 22 Tháng 6 Năm 2012 18:22 |
Cô Tô Linh Hương được bầu làm chủ tịch HÐQT Vinaconex-PVC mới ngày 14 tháng 4, 2012
HÀ NỘI (NV) - Con gái ông Tô Huy Rứa, cô Tô Linh Hương, 24 tuổi, được bầu làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị (HÐQT) một công ty quốc doanh lớn vừa “thôi chức” chỉ sau một thời gian ngắn ngủi. Ông Tô Huy Rứa hiện là ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương, một nhân vật nhiều quyền lực trong guồng máy chính trị của đảng cộng sản Việt Nam.
Bản tin của trang mạng chuyên về chứng khoán VietStock có một bản tin ngắn nói, “Ngày 22 tháng 6, 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được Công văn số 551/VN-P.V.C/CBTT về việc công bố thông tin thay đổi nhân sự Hội Ðồng Quản Trị của Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng Vinaconex-P.V.C. Theo đó, bà Tô Linh Hương thôi giữ chức vụ chủ tịch và thành viên Hội Ðồng Quản Trị PVV từ ngày 21 tháng 6, 2012.” PVV là ký hiệu giao dịch của công ty Vinaconex-PVC trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ðồng thời, bản tin này còn cho biết, “Thay vào đó, ông Bùi Anh Ninh - Phó Tổng Giám đốc được bổ nhiệm làm thành viên Hội Ðồng Quản Trị PVV nhiệm kỳ 2012-2017 kể từ ngày 22 tháng 6, 2012.” Cô Tô Linh Hương được bầu làm chủ tịch HÐQT Vinaconex-PVC mới ngày 14 tháng 4, 2012. Ít ngày sau trên trang thông tin điện tử của công ty thấy phổ biến một số hình ảnh một cô gái trẻ, trắng trẻo, ăn mặc rất thời thượng với áo đầm đỏ, váy đỏ, giày cao gót đỏ đi thị sát một công trình xây dựng đang dở dang ở Hà Nội. Hình ảnh và tin tức về cô gái này lập tức loan truyền nhanh chóng trên mạng về sự tiến thân nhanh như tên bắn của một “hạt giống đỏ.” Ðiều làm cho thiên hạ chú ý nhiều về sự tiến thân của cô gái này, một phần vì cô là con gái một kẻ nhiều thế lực trong Bộ Chính Trị CSVN. Thứ hai, cô còn quá trẻ để cầm đầu một đại công ty có tới 2,000 nhân viên, công nhân. Thứ ba, cô không phải kỹ sư xây dựng, không phải kiến trúc sư, cũng không tốt nghiệp về quản trị xí nghiệp. Nói tóm, cô chẳng biết gì về ngành xây dựng và kinh doanh xây dựng nhưng lại được bầu cầm đầu một đại công ty hoàn toàn xa lạ với kiến thức nhỏ bé của cô. Tô Linh Hương tốt nghiệp “Học viện Báo chí Tuyên truyền” năm 2009 và trong bản tiểu sử của cô phổ biến chi tiết, “Tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường đạt loại khá với đề tài: ‘Thông tin đối ngoại trong đấu tranh diễn biến hòa bình ở Việt Nam hiện nay.’” Các lời bình luận trên mạng đều tin rằng cô được đặt vào cái ghế chủ tịch HÐQT một công ty lớn có thương vụ hàng ngàn tỉ đồng chỉ nhờ cái thế của ông bố, gọi cô là một trong những “hạt giống đỏ” được cài cắm vào hệ thống kinh tài của chế độ. Nó chẳng khác gì những trường hợp khác như Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết (hai con trai của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng), Nông Quốc Tuấn (con trai của nguyên Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh), Nguyễn Xuân Anh (con trai của nguyên ủy viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Chi), v.v... được cài cắm dễ dàng vào những vị trí tốt trong đảng hay nhà nước. Trái với bản tin loan báo cô Tô Linh Hương được bầu làm chủ tịch HÐQT, hiện chưa thấy trang mạng của Vinaconex-PVC đưa tin gì về chuyện cô này “thôi” cái ghế liên quan tới những số tiền thương vụ rất lớn. Vì áp lực công việc, vì không thấy thích hợp hay vì thấy công ty đang lỗ, khó lòng biết rõ điều này. Chỉ thấy mới ngày 1 tháng 6, 2012, báo Dân Trí loan tin, “Kết thúc quý I, Vinaconex-PVC lỗ 9.9 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán nhà và xây lắp giảm hơn 62% so cùng kỳ xuống còn 36 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay cao gấp 2.8 lần cùng kỳ, từ 5.1 tỷ đồng lên 14.3 tỷ đồng. Chi phí quản lý tăng gần 30% lên 4.1 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, Vinaconex-PVC đã phải nhận lợi nhuận âm trong quý đầu tiên. Cùng kỳ năm trước, công ty có lãi gần 1.6 tỷ đồng.”
Nữ chủ tịch HÐQT Vinaconex-PVC Tô Linh Hương
Khoản lỗ vốn này xảy ra ngay trước khi cô Hương ngồi vào ghế chủ tịch HÐQT. Có vẻ thấy tương lai đen tối của công ty dưới sự lèo lái của một cô gái 24 tuổi, Dân Trí nói “hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn khỏi Vinaconex-PVC.” Theo nguồn tin này, qua sự thông báo của Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội. “CTCP Ðầu tư và Phát triển Hòa Bình đã đăng ký bán toàn bộ 3.64 triệu cổ phiếu PVV của CTCP Ðầu tư và Xây dựng Vinaconex. Trước đó, CTCP Chứng khoán MB (MBS) cũng đã thông báo bán ra 3.06 triệu cổ phiếu PVV, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 1.3 triệu đơn vị, chiếm 4.33% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của PVV. Ngày thay đổi sở hữu từ 7/5. Trước giao dịch, MBS sở hữu 4.36 triệu cổ phiếu PVV, chiếm 14.53% vốn điều lệ. Theo thông báo, giao dịch nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ với khách hàng quy định trong hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán và cơ cấu danh mục đầu tư. Ngoài ra, trong tháng 5, ngân hàng TMCP Ðại Dương (Oceanbank) cũng đã đăng ký thoái toàn bộ cổ phần mà ngân hàng này đang nắm giữ. Theo đó, Oceanbank sở hữu 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 16.67% vốn điều lệ. Mục đích thực hiện giao dịch của Oceanbank là nhằm ủy thác danh mục đầu tư.” Chỉ ba cổ đông lớn bỏ chạy, vốn điều lệ của Vinaconex-PVC đã mất hơn một phần ba. Trên trang mạng của Vinaconex-PVC, có một bài viết tựa đề “Thư của chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng Vinaconex-PVC” không đề ngày tháng, nên không biết có phải là của cô Tô Linh Hương viết hay không, nhưng có đoạn viết rằng: “Với bộ máy tinh gọn, có tính chuyên nghiệp cao Vinaconex-PVC đang tăng cường hơn nữa năng lực quản lý theo hướng hiện đại, tài chính công khai minh bạch; hướng tới thị trường quốc tế với sự hội nhập sâu rộng.” (TN)
|