Home Tin Tức Thời Sự Câu chuyện tị nạn của một giáo dân Cồn Dầu

Câu chuyện tị nạn của một giáo dân Cồn Dầu PDF Print E-mail
Tác Giả: NgocLan@nguoi-viet.com   
Chúa Nhật, 24 Tháng 6 Năm 2012 16:11

Nguyễn Thị Như Huỳnh, một giáo dân Cồn Dầu đến Mỹ vào giữa Tháng Sáu 

 

 LOS ANGELES (NV) - Chưa từng bước chân ra khỏi vùng đất Cồn Dầu, chưa bao giờ có trong đầu ý định trở thành người tị nạn. Vậy mà chỉ trong khoảnh khắc, cuộc đời cô gái 19 tuổi bước sang một trang mới, lạ lẫm.

 

Nguyễn Thị Như Huỳnh: “Chưa bao giờ nghĩ là em sẽ đi xa như thế này và cũng chưa bao giờ có một ý định là trở thành một người tị nạn nữa.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

 

Cô gái đó là Nguyễn Thị Như Huỳnh, một giáo dân Cồn Dầu đến Mỹ vào giữa Tháng Sáu, theo qui chế tị nạn chính trị, sau khi chạy trốn khỏi Ðà Nẵng, qua Lào, sang Thái Lan trước khi đặt chân đến Hoa Kỳ.

Chuyến đi không dự tính trong cuộc đời của Như Huỳnh, được cô kể lại, ngay những giờ phút đầu tiên đến mảnh đất tự do.

 Bước ngoặt

 “Không bao giờ em nghĩ là mình đi hết, tại vì là hồi nhỏ giờ cũng chưa bao giờ bước ra khỏi đất Cồn Dầu, chỉ là đi học qua bên phố, chiều về nhà thôi. Chưa bao giờ nghĩ là em sẽ đi xa như thế này và cũng chưa bao giờ có một ý định là trở thành một người tị nạn nữa.” Vừa đưa tay lau nước mắt, Như Huỳnh vừa nói.

Cuộc đời cô sinh viên nhỏ nhắn này thay đổi đột ngột chỉ trong một buổi sáng đầu Tháng Năm, 2010, tại tang lễ cụ bà Maria Ðặng Thị Tân.

Theo lời kể của Như Huỳnh, khi có người trong giáo xứ qua đời, ai cũng đi dự đám tang, mà Như Huỳnh là thành viên ca đoàn của giáo xứ Cồn Dầu, nên “ngày hôm đó, em đứng gần quan tài của cụ Tân”.

Khi đám tang biến thành cuộc xô xát giữa người dân và lực lượng công an, Như Huỳnh đã “bị hai cảnh sát cơ động dùng ba-ton đánh vào vai, đá vào hông và tiếp tục xách nách quăng xuống đường”.

Cùng lúc ấy, cô gái 19 tuổi này nhìn thấy mẹ mình bị đẩy lên một chiếc xe khác và “bị đánh rất dã man”.

Giữa tiếng la hét, tiếng súng nổ, tiếng khóc ré của người lớn và trẻ con, Như Huỳnh vùng chạy thoát khỏi tay những người cảnh sát đang nắm giữ mình.

Và cô bắt đầu chạy.

“Em cứ cắm đầu chạy miết, chạy miết. Vừa chạy vừa khóc, và chạy xuống ruộng núp gần 2 tiếng. Em không còn biết gì hết. Người em run lên. Ðầy sự hoảng sợ.”

Không dám về nhà, Như Huỳnh chạy lên nhà anh rể ở Ðà Nẵng. Từ đây, cô nhận được điện thoại của cha, “Mẹ bị bắt rồi. Con không được về nhà, phải tìm cách trốn khỏi Ðà Nẵng.”

Sáng sớm hôm sau, với “hộ chiếu do bố gửi lên và gần 1 triệu đồng tiền Việt do anh rể đưa cho, em tự đón xe qua Vientiane”.

 Chạy trốn

 Từ một cô gái mỗi ngày sống trong sự chăm sóc của gia đình, đến trường cùng bạn bè, trong một chốc, Như Huỳnh bị biến thành “kẻ có tội,” buộc phải thoát khỏi gia đình cha mẹ, bước vào cuộc sống không biết trước ngày mai.

“Em đi qua Lào mà không hề biết tiếng gì hết, chỉ biết là có nhiều người Cồn Dầu sang Lào làm ăn. Ngồi trên xe chỉ khóc và khóc. Ðóng dấu hộ chiếu gì thì mấy người phụ xe làm giùm hết.” Như Huỳnh nhớ lại.

Từ lời chỉ dẫn của những người trên xe, cô tìm đến quán cà phê của một phụ nữ Việt Nam sang Lào làm ăn sinh sống từ mấy mươi năm trước, để tìm sự giúp đỡ. “Thật là mừng và may mắn khi sang đó, em gặp thêm một số người từ Cồn Dầu cũng chạy sang.”

Có điều, chỉ sau một đêm ở Lào, Như Huỳnh “nghe tin từ Việt Nam là công an sẽ tiếp tục truy bắt qua Lào nên tất cả nhóm gồm 12 người lại bắt đầu chạy sang Thái Lan bằng xe bus”.

Từ ngày đó, Như Huỳnh sống triền miền trong nỗi sợ hãi, âu lo ở Thái Lan suốt “hai năm một tháng” trước khi tới Mỹ định cư theo qui chế tị nạn chính trị.

 Lo âu và sợ hãi

 Hơn hai năm sống ở Thái Lan với tám lần phải chuyển chỗ ở, có một lần phải chuyển ngay trong đêm để tránh sự theo dõi của công an, có lần phải trốn trên mái nhà, có lần bị công an chặn ngay trên đường đi phỏng vấn, và cuộc phỏng vấn dài 3 tiếng rưỡi “không khác gì hỏi cung”... là những điều không thể nào quên đối với Như Huỳnh.

Bằng giọng nói đặc trưng quê mình, Như Huỳnh kể về kỷ niệm “nhớ nhất và sợ nhất”.

“Lúc ở Thái Lan hơn một tháng, chưa biết tiếng, chỉ biết hỏi giá tiền thôi. Khi đó khoảng 5 giờ chiều, mười mấy người tụi em đang ngồi trong căn phòng rộng 5m2, chưa chuẩn bị nấu ăn thì nghe công an đi tuần.

Vợ chồng chủ nhà người Thái tốt bụng, dù không biết tiếng Việt, họ cũng chạy lên ra dấu cho biết công an tới bắt. Phải leo lên mái nhà trốn.

Một cô trong nhóm sợ run đến xỉu luôn. Trốn gần 2 tiếng. Sợ lắm. Khi đó công an vô bắt được một số người da đen, còn nhóm Việt Nam do chủ nhà cho lên trốn trên kia nên thoát.”

Như Huỳnh chia sẻ, “Ngày nào cũng sống trong hồi hộp, âu lo, và sợ hãi. Những lúc bình yên nhất là mình được các phái đoàn đến thăm vì cảm giác như có ai đó bảo vệ và che chở cho mình.”

“Hầu như ngày nào em cũng khóc, nhưng khóc nhiều nhất là ngày mẹ được ra khỏi tù. Khóc vì hạnh phúc.” Như Huỳnh rưng rưng nước mắt kể.

Ði gặp phái đoàn Hoa Kỳ để phỏng vấn cũng là một kỷ niệm không quên với cô gái này.

Là người trẻ nhất, và lẻ loi nhất trong số những người từ Cồn Dầu chạy trốn, Như Huỳnh được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc sắp xếp cho đi phỏng vấn trước.

“Ngày em đi phỏng vấn là ngày không chỉ em mà tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đợi, bởi nếu em đậu thì hy vọng của mọi người sẽ được tăng thêm.” Như Huỳnh kể.

Thế nhưng, sau cuộc phỏng vấn kéo dài gần 3 tiếng rưỡi, “không khác gì màn hỏi cung,” tức là cũng bị nạt nộ, bị hỏi phủ đầu “tại sao nói dối...” xoay quanh chuyện mẹ Như Huỳnh bị bắt, bị tra tấn như thế nào, cô có tận mắt chứng kiến không... Như Huỳnh đã bị từ chối thẳng thừng qui chế tị nạn vì “họ không tin được chuyện đó là sự thật”.

Cô nhớ lại, “Em không chỉ buồn, và khóc cho mình, mà còn mang nặng nề tâm trạng làm mọi người mất đi niềm hy vọng nữa.”

 Sự can thiệp của BPSOS

 Cuối năm 2011, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, nơi giúp đỡ hồ sơ pháp lý cho những giáo dân Cồn Dầu đang tị nạn, bay sang Thái Lan. “Nhân dịp này, tôi cũng đi vận động mở lại hồ sơ cho Như Huỳnh để cô được phỏng vấn và được chấp thuận đi định cư tại Mỹ.” Tiến Sĩ Thắng cho biết.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng nói thêm về cách thức người tị nạn được phỏng vấn đến Hoa Kỳ, “Một khi vào phỏng vấn với phái đoàn Hoa Kỳ do sự giới thiệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc mà họ được chấp nhận thì sau khi các thủ tục bảo trợ, khám sức khỏe xong xuôi, bộ phận IOM sẽ thông báo cho biết ngày giờ chuyến bay.

Lúc đó người tị nạn bên Thái Lan mới được giao cho Sở Di Trú Thái Lan và họ phải vào trong tù một tuần, đóng tiền phạt mỗi người $200, vì họ nhập cảnh bất hợp pháp. Rồi sau đó mới được cảnh sát Thái hộ tống ra phi trường.”

Tuy nhiên, Như Huỳnh không phải “đi tù một tuần” bởi vì “cô ấy một thân một mình mà còn quá trẻ nên cao ủy đặc miễn cho điều đó và điều đình để cô ấy phải đóng tiền thế chân $500 để không bị đi tù.” Giám đốc điều hành BPSOS giải thích.

“Mẹ ơi, con đến nơi rồi, mẹ có mừng không?”

Như Huỳnh nghẹn ngào hỏi mẹ qua điện thoại, ngay khi vừa đến Los Angeles, trong lúc chờ chuyến bay chuyển tiếp đến một tiểu bang khác.

“Em không thể nào ngờ có ngày em lại đi xa như thế này. Những gì đã mất, em sẽ tìm lại được ở đất nước tự do này.

Ước mơ lớn nhất của em hiện giờ chỉ là mong đến ngày đoàn tụ được với bố mẹ em vì lúc bỏ chạy, em còn chưa kịp ôm lấy bố lấy mẹ được một cái nào.” Cô nói trong nước mắt lẫn nụ cười.

Nguyễn Thị Như Huỳnh, giờ đây 21 tuổi, giáo dân Cồn Dầu thứ năm đến Hoa Kỳ, đang bắt đầu cuộc đời mới của mình tại tiểu bang Tennessee, khép lại những nỗi sợ hãi của những ngày tháng qua.

Liên lạc tác giả: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it