Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam : Tâm lý giấu bệnh cản trở việc chống bệnh lao

Việt Nam : Tâm lý giấu bệnh cản trở việc chống bệnh lao PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Hai, 25 Tháng 6 Năm 2012 16:44

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người bị bệnh lao thuộc loại cao nhất châu Á.

  

Tem "chống lao" do bưu điện Việt Nam phát hành ngày 24/03/2012./ DR

 

Trong một bài viết về hợp tác Úc – Việt trong lãnh vực chống bệnh lao phổi, nhật báo Anh The Guardian ngày 21/05/2012 đã nêu bật một sự kiện : Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người bị bệnh lao thuộc loại cao nhất châu Á.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người Việt Nam bị lao vẫn không xuống từ thập niên 1990, trong lúc số trường hợp bị lao trên toàn thế giới lại sụt giảm từ năm 2006 đến nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ « phổ biến » (prevalence) của bệnh lao tại Việt Nam là 334 cho mỗi 100.000 người. Mức này như vậy cao hơn 2% so với bình quân cho toàn vùng Đông Nam Á, và cao hơn gần gấp đôi tỷ lệ của Trung Quốc.

 Theo báo chí trong nước, Việt Nam hiện xếp thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết là mỗi năm Việt Nam có thêm 180.000 người mắc bệnh lao, và trung bình cứ 20 phút lại có 1 người chết vì bệnh này.

Vấn đề nhức nhối là tỷ lệ phát hiện bệnh chỉ đạt 54%, có nghĩa là còn gần phân nửa người bị bệnh nhưng không được phát hiện, trong lúc ngày nay, lao không còn là một bệnh nan y, mà hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Cần chủ động dò tìm người bị bệnh

Theo ông Greg Fox, một nhà nghiên cứu Úc tại Viện Centenary tại Sydney đã sang Việt Nam làm việc, Việt Nam cần phải kết hợp điều trị tốt với việc chủ động xét nghiệm để phát hiện bệnh lao nơi những giới có nguy cơ cao để giảm tỷ lệ người bệnh.

Theo báo The Guardian, từ năm 2010, các nhà nghiên cứu Úc đã xem xét khoảng 15.000 thành viên gia đình những người bị bệnh lao trong tám tỉnh của Việt Nam. Kết quả cho thấy là thân nhân những người bị lao là giới có tỷ lệ nhiễm cao hơn từ 2 đến 3 lần so với dân số Việt Nam nói chung.

Chuyên gia Fox khuyến cáo là nên mở rộng thành phần xét nghiệm qua các giới khác cũng thuộc diện dễ bị lao : Những người bị nhiễm HIV/AIDS chẳng hạn, hay tù nhân trong các trại giam ở Việt Nam.

Theo ông, các tỉnh phía nam Việt Nam là nơi có tỷ lệ bị lao cao nhất, chủ yếu trong số những người nghèo nhất.

Về các nguyên nhân khiến cho bệnh lao hoành hành, giới quan sát thường nói đến tình trạng Việt Nam còn thiếu cán bộ và cơ sở y tế khám nghiệm và chữa trị căn bệnh này, đặc biệt tại những nơi được cho là có nhiều điều kiện sinh bệnh như môi trường sống bị ô nhiễm, dân trí không cao.

Theo ông Greg Fox, còn phải kể đến tình trạng kỳ thị xã hội khiến cho những bị bệnh lao che giấu bệnh tình.

Theo báo chí Việt Nam, có khoảng 7% người bị nhiễm bệnh lao trên toàn quốc không chịu đến bệnh viện để điều trị.

 Nhiều bệnh nhân khác thì lơ là các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như sử dụng chén bát chung khi ăn, thay vì dùng đồ cá nhân của mình.

Chìa khóa chống lao : xóa bỏ thành kiến và mặc cảm tồn tại trong xã hội

Đối với giới chuyên gia y tế, chìa khóa để đẩy lùi bệnh lao tại Việt Nam là đẩy mạnh vấn đề giáo dục cộng đồng, xóa bỏ thành kiến và mặc cảm tồn tại trong xă hội về bệnh lao.

Trên báo Điện tử chính phủ Việt Nam vào trung tuần tháng 05/2012, ông Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương công nhận là tại Việt Nam hiện nay "mọi người vẫn nặng nề là lao khó chữa, dễ lây, người bị bệnh lao thì giấu bệnh không dám đi chữa, chữa không đến nơi đến chốn(...), bệnh lao... lẩn khuất ở mọi nơi, lặng lẽ lây lan giữa người này với người khác".

Trong phần trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên tại Sydney cũng nêu bật yếu tố tâm lý nơi người Việt Nam, dù bị bệnh lao, nhưng lại sợ dư luận xã hội dị nghị nên tìm cách che giấu bệnh tình và trốn tránh, không điều trị.

Ngoài ra, còn có tình trạng chữa trị giữa chừng, không hết liệu trình và điều trị sai, làm cho tình trạng kháng thuốc trở nên dễ dàng và nghiêm trọng.

 Lao rất dễ kháng thuốc, một khi đã kháng thì bệnh sẽ nguy hiểm và khi lây sang người khác cũng nguy hiểm vì khó điều trị.