Home Tin Tức Thời Sự Đảng cầm quyền Nhật Bản có nguy cơ bị tan rã

Đảng cầm quyền Nhật Bản có nguy cơ bị tan rã PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Ba, 26 Tháng 6 Năm 2012 15:50

 Sau khi Hạ viện hôm nay 26/06/2012 thông qua một đạo luật tăng gấp đôi thuế đánh vào người tiêu thụ

 

 

 Kinh tế Nhật Bản / REUTERS/Issei Kato

 

Đảng Dân chủ Nhật (PDJ) đang cầm quyền do đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda làm chủ tịch có nguy cơ bị tan rã, sau khi Hạ viện hôm nay 26/06/2012 thông qua một đạo luật tăng gấp đôi thuế đánh vào người tiêu thụ.

 Đây là chủ trương tâm đắc của chính phủ, nhưng bị một nhóm ngay trong nội bộ đảng Dân chủ chống đối.

Sau nhiều tháng thương lượng với các đảng đối lập là đảng Dân chủ Tự do (PLD, cánh hữu) và New Komeito (cánh trung) về việc cải cách thuế khóa và hệ thống phúc lợi xã hội, hôm nay Hạ viện Nhật đã thông qua đạo luật này với 363 phiếu thuận và 96 phiếu chống, trong đó có đến 57 phiếu chống của các dân biểu đảng Dân chủ (cánh trung tả).

Đạo luật đưa ra lộ trình tăng thuế trị giá gia tăng (VAT) lên 10% trong vòng ba năm, tức là gấp đôi so với hiện nay, chia làm hai giai đoạn. Mục đích là nhằm tái cân bằng phần nào nguồn thu của chính phủ, lâu nay hơn phân nửa là nhờ phát hành trái phiếu, làm tăng tỉ lệ nợ công của Nhật vốn đã rất cao.

Thủ tướng Yoshihiko Noda hôm qua đã gắng sức thuyết phục các thành viên của đảng mình, ba lần khẩn thiết đề nghị « tận đáy lòng ». Nhưng ông Noda phải đối mặt với sự chống đối dữ dội trong nội bộ đảng, do ông Ichiro Ozawa, một đảng viên lão thành rất thế lực giật dây.

Ông Ozawa, 70 tuổi, vốn là người đã tổ chức thành công thắng lợi lịch sử của đảng Dân chủ tháng 8/2009. Ông được mệnh danh là « tướng quân trong bóng tối » hay « kẻ hủy diệt », do xu hướng sử dụng các mánh khóe trong hậu trường, và thành lập rồi lại giải tán các đảng chính trị.

Trong số những người cùng bỏ phiếu chống với ông Ichiro Ozawa còn có cựu Thủ tướng và là người sáng lập ra đảng Dân chủ, ông Yukio Hatoyama. Ông Hatoyama biện minh thái độ của mình là « Luật này không có trong chương trình hành động đã đưa đảng Dân chủ lên nắm quyền », và nói thêm là tuy chống đối đạo luật nhưng ông không có ý định rời khỏi đảng.

Còn ông Ozawa cho rằng, việc tăng loại thuế gián thu này hiện nay không mang lại lợi ích kinh tế, bên cạnh đó, còn là sự bội ước so với những hứa hẹn của đảng Dân chủ trước đây. Theo ông thì trước hết chính phủ cần giảm chi tiêu và khắc phục nạn quan liêu, thay vì bắt các công dân phải trả giá.

Ông Ichiro Ozawa đe dọa sẽ rời khỏi đảng Dân chủ, kéo theo một số dân biểu trung thành với ông để thành lập đảng mới. Nếu điều này xảy ra, thì đảng Dân chủ có nguy cơ bị mất đa số ở Hạ viện, và Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ phải đương đầu với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến việc phải bầu lại Quốc hội trước thời hạn dự kiến là giữa năm 2013.

 Đây là điều mà đảng Dân chủ Tự do (PLD) đang mong muốn. Vốn liên tục cầm quyền từ hơn nửa thế kỷ qua, PLD ba năm qua đành chấp nhận vị trí đảng đối lập thiểu số.

Tuy nhiên vẫn chưa thể biết được số lượng dân biểu sẽ tách ra theo ông Ozawa, điều này còn tùy thái độ của đảng cầm quyền và các biện pháp trừng phạt dành cho những dân biểu ly khai. Dự luật tăng thuế còn phải được trình lên Thượng viện vào giữa tháng Tám, tuy đa phần chỉ là hình thức.

Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã hoan nghênh một quyết định « mang tính tích cực về tín dụng » sau « nhiều năm khất nợ », và cảnh báo là sẽ xem xét lại chỉ số tín nhiệm của Nhật Bản, nếu dự luật tăng gấp đôi thuế trị giá gia tăng bị bác bỏ.