Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Tư, 27 Tháng 6 Năm 2012 11:35

Miến Điện : Một chính sách mở cửa do chính quyền định đoạt


 

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và Tổng thống Pháp François Hollande trong vườn hoa điện Elysée ngày 26/06/2012.
REUTERS/Bertrand Langlois/Pool

 

Thông tín viên nhật báo La Croix tại Bangkok trong bài viết mang tựa đề “Một chính sách mở cửa do chính quyền tự định đoạt” đã nhận xét, bà Aung San Suu Kyi duy trì một quan hệ tin cậy với chính phủ. Tuy nhiên tiếng nói của các phe đối lập đòi dân chủ vẫn chưa được gắn kết với các cải cách đang được tiến hành tại Miến Điện.

Bài báo viết, bà Aung San Suu Kyi có thể chu du châu Âu một cách thoải mái, vì người cựu tù bị quản thúc biết rằng có thể trở về Răngun để theo đuổi cuộc đấu tranh vì dân chủ. Được bầu làm dân biểu vào tháng Tư, tháng sau đó bà đã được cấp hộ chiếu, và nay bà tỏ ra tin cậy ở chính phủ. Bộ máy dân sự không còn tìm cách cản bước bà nữa.

Đất nước bà đã đổi thay từ khi tập đoàn quân sự tự giải thể tháng 3/2011. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống chủ trương cải cách Thein Sein, tân chính phủ đã trả tự do cho hàng trăm tù chính trị.

Hiện còn từ 300 đến 470 tù nhân lương tâm, và một bộ trưởng đã hứa sẽ thả tất cả vào tháng tới. Đối lập đã bước chân vào Quốc hội. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ chiếm được 43 ghế, đạt tỉ lệ 7% tại nghị viện.

Kiểm soát của công an đã được nới lỏng, nay thì các công dân có quyền đình công và biểu tình.

 Hồi cuối tháng Năm, họ đã xuống đường tại các thành phố lớn để phản đối tình trạng cúp điện liên miên làm cản trở phát triển kinh tế. Cuộc biểu tình lớn nhất tập trung gần ba ngàn người. Cảnh sát cuối cùng đã phải giải tán bằng ma-trắc và bắt một số nhà đối lập, nhưng kể ra chưa có cuộc biểu tình nào tầm cỡ như thế, từ sau cuộc nổi dậy của các nhà sư tháng 9/2007.

“Chỉ trong hơn một năm, Miến Điện đã trở thành một đất nước mới”. Aung Naing Do, một nhà hoạt động trong phong trào dân chủ năm 1988 đã vui mừng nhận xét. Rời Miến Điện cách đây hơn 20 năm, từ hai tháng qua ông đã dám thường xuyên trở về nước, và không còn coi mình là một người tị nạn.

 “Tổng thống Thein Sein đã đạt được những gì mà lâu nay chưa có ai làm được tại Miến Điện, từ khi chế độ độc tài nắm quyền vào năm 1962”.

Nhưng cái bóng của phe quân đội vẫn còn đó, và bà Aung San Suu Kyi tỏ ra cảnh giác với lực lượng có đến nửa triệu quân, đã điều khiển đất nước từ gần nửa thế kỷ qua. Bà cảnh báo những ai quá nhiệt thành với “Mùa xuân Miến Điện” là không nên lạc quan quá sớm.

Báo chí được tự do hơn, nhưng luôn bị giám sát. Chính quyền hứa hẹn bãi bỏ kiểm duyệt trong những tuần tới, nhưng theo Maung Maung Myint, chủ tịch Burma Media Association, thì “Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm duyệt bằng cách sử dụng hệ thống tư pháp”. Bằng chứng là tuần báo The Voice đang bị truy tố vì đã đưa một báo cáo kiểm toán cho thấy nạn tham nhũng ở một bộ, và tổng biên tập tờ báo này có nguy cơ lãnh hai năm tù.

 Ông Myint kể ra những chủ đề cấm kỵ đối với báo chí Miến Điện: “xung đột giữa quân đội và các nhóm thiểu số nổi dậy, vấn đề trẻ em đi lính, tình trạng sức khỏe các thành viên chính phủ, và tất cả các thông tin liên quan đến nhà cựu độc tài Than Shwe, cũng như ngân sách quốc phòng”.

Tuần rồi Tổng thống Thein Sein đã công bố một kế hoạch cải cách kinh tế mới, với mục đích nhân ba tổng sản phẩm nội địa hiện nay vào năm 2016. Ông loan báo chính phủ sẽ tư nhân hóa một số lãnh vực kinh tế hiện nay do nhà nước kiểm soát 100%.

Maung Maung Myint nhìn nhận chế độ Miến Điện hiện nay không còn độc tài nữa, nhưng tiếc là “chính quyền định đoạt các tiến trình cải cách mà không hề tham khảo phe đối lập dân chủ”.

Bà Aung San Suu Kyi và ông Thein Sein đã gặp gỡ trực tiếp hai lần, nhưng với tư cách cá nhân. Bà nói rằng một cuộc đối thoại về chính trị thực sự vẫn chưa bắt đầu, và bà chưa hài lòng với nhịp độ cải cách hiện nay. Ở cấp địa phương, các viên chức thường làm ngược lại chỉ thị của chính quyền trung ương, và ở nông thôn, dấu ấn cải cách gần như không thấy.

Toe Kyaw Hlaing, một cựu tù chính trị nhìn nhận: “Đây mới là khởi đầu của chuyển đổi chính trị, chúng tôi hiểu rằng còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên những gì nhà nước tiến hành là không được minh bạch”. Theo ông, cả Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, các thành viên phong trào sinh viên 1988 lẫn các lãnh tụ thiểu số đều không được mời tham gia suy nghĩ về tương lai Miến Điện.

Bên cạnh đó, tuy chỉ là thiểu số nhưng giáo hội Thiên Chúa giáo cũng phàn nàn là không được lắng nghe.

Giáo hội đã gửi thư cho chính quyền, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề xung đột chủng tộc, nhưng Đức giám mục Charles Bo cho biết đến nay chính phủ vẫn chưa thấy trả lời. Tổng giám mục địa phận Răngun đã quen với việc chưa bao giờ nhận được hồi âm chính thức của chính quyền, ngài nói: “Chính phủ luôn tỏ ra lạnh nhạt với chúng tôi”.

Paris trải thảm đỏ đón bà Aung San Suu Kyi

Chuyến viếng thăm nước Pháp ba ngày của lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được hầu hết các báo Pháp chú ý hôm nay, bên cạnh các vấn đề nội bộ nước Pháp như các thay đổi trong ngành cảnh sát, nhân sự tại Quốc hội…

Riêng nhật báo công giáo La Croix dành hẳn hai trang báo cho giải Nobel hòa bình, mà tờ báo gọi là « Aung San Suu Kyi, còn hơn cả một biểu tượng ở Paris ».

La Croix cho biết, bị quản thúc tại gia trong hơn hai mươi năm, bà Aung San Suu Kyi thường nghe đài RFI và tự học tiếng Pháp qua các băng cassette, nên trong chuyến đi Paris này bà sẽ có dịp thử nghiệm trình độ về ngôn ngữ của Molière.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro nói thêm, khi bà xuất hiện tại điện Elysée cùng với Tổng thống Pháp François Hollande, các nhà báo đã đồng loạt vỗ tay, một điều hiếm thấy trong các cuộc họp báo.

Lần đầu tiên đến châu Âu kể từ năm 1988 đến nay, Paris đã trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện như một nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên bà Aung San Suu Kyi đã từ chối từ « thần tượng » mà báo chí dành cho. Bà nói : « Các thần tượng chẳng làm gì nhiều, còn tôi lúc nào cũng làm việc ».

Một chi tiết khác được Le Figaro đưa ra, đó là bà có nguy cơ bị …trục xuất ra khỏi căn nhà cũ kỹ tại khu vực bắc Răngun, vì anh trai bà đang sống ở Mỹ đã khởi kiện đòi quyền sở hữu phân nửa căn nhà, với sự ủng hộ ngầm của chính quyền Miến Điện.

Hôm thứ Hai 25/6, một tòa án hành chính đã cho rằng ông Aung San U, kỹ sư vi tính đã nhập tịch Mỹ, cũng phải được hưởng thừa kế, trong khi luật Miến Điện không cho người ngoại quốc sở hữu địa ốc. Bà Aung San Suu Kyi sẽ phải kháng án. Vụ này cho thấy sự bất hòa giữa những người thừa kế trong dòng họ Aung San, người hùng đã giành độc lập cho Miến Điện.

Le Figaro cho biết, vào mùa hè 1988, người dân Miến Điện trông đợi ông Aung San U, người con trai cả của ông Aung San, sẽ trở thành lãnh tụ phong trào dân chủ. Nhưng ông này không có cả bản lĩnh chính trị lẫn sự thu hút, và lại tỏ thái độ nhập nhằng.

Người ta cho rằng ông Aung San U đã bị chính quyền giật dây, xúi giục ông đi kiện bà Aung San Suu Kyi từ năm 2000. Đổi lại ông được dành cho một số ưu đãi, trong đó có việc xây một ngôi nhà đẹp ở cạnh đền Pagan.

Chế độ Putin sẽ sụp đổ

Nhìn sang nước Nga, giám đốc nghiên cứu của Heritage Foundation khi trả lời phỏng vấn thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Washington đã khẳng định : « Chế độ ông Putin sẽ sụp đổ ».

Ông Ariel Cohen nhận xét, chính quyền Putin đã xử sự với phong trào phản kháng như thời Sa hoàng trước đây: không tiến hành đối thoại, không tôn trọng đối lập, không thay đổi các đạo luật mang tính trấn áp nhất. Theo nhà nghiên cứu này, thì tuy hiện nay còn đứng được, nhưng rồi chế độ Putin sẽ bất thần sụp đổ như vào năm 1990.

Có hai điều kiện để dẫn đến sự sụp đổ chế độ: trước hết là giá dầu giảm mạnh khiến chính phủ không còn duy trì được phúc lợi xã hội cho người dân, và tiếp đó là một cuộc chiến như tại Trung Á chẳng hạn, buộc Nga phải can thiệp và suy yếu đi.

Tòa tháp cao nhất thế giới “Made in China” giá rẻ?

Liên quan đến Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro cho biết một tập đoàn xây dựng địa phương đang mơ xây một tòa tháp cao nhất thế giới với giá rẻ vô địch.

Tập đoàn Trung Quốc Broad Group đưa ra dự án xây dựng tòa nhà Sky City One cao nhất thế giới với 838 m, so với tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai chỉ cao 828 m. Không chỉ về độ cao, mà tập đoàn này còn có tham vọng lập thêm hai kỷ lục nữa. Đó là thời gian xây dựng tòa tháp 220 tầng này chỉ có vỏn vẹn ba tháng, trong khi tòa nhà Burj Khalifa mất năm năm. Về chi phí, chỉ tốn có 600 triệu đô la, so với tòa nhà chọc trời ở Dubai tiêu tốn đến 1,5 tỉ đô la.

Bí mật của Broad Group: đó là sử dụng các vật liệu tiền chế. Đến 90% chi tiết của tòa nhà sẽ được sản xuất sẵn ở nhà máy, và sau đó lắp ráp như trong trò chơi Lego, như vậy tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.

Tuy nhiên nhiều người tỏ ra nghi ngờ, vì tập đoàn xây dựng này cho đến nay chỉ mới xây một khách sạn 30 tầng theo kỹ thuật trên, và chính quyền địa phương vẫn chưa cấp phép xây dựng.

Loài rùa khổng lồ cùng tuyệt diệt với “Georges cô đơn”

Trên lãnh vực sinh học, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Georges đã chết, và giống loài cũng chết theo », nói về cái chết của chú rùa đực duy nhất trên thế giới thuộc loài Geochelone abingdoni, đã qua đời hôm Chủ nhật 24/6 tại quần đảo Galapagos, khiến cho loài này bị tuyệt chủng.

Chú rùa khổng lồ này nặng 90 kg, tuổi tác được ước tính từ 80 đến 100 tuổi, mệnh danh là Georges cô đơn, được phát hiện vào năm 1971.

Người ta nhiều lần cho chú bắt cặp với các cô rùa cái khổng lồ khác để hy vọng có người nối dõi. Đến năm 2008, hai cô rùa sinh ra 13 cái trứng, nhưng khi mang đi ấp mới biết không có trứng nào được thụ tinh. Và như vậy giống loài của Georges cô đơn cũng bị tuyệt diệt.