Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuấn Thảo   
Thứ Năm, 28 Tháng 6 Năm 2012 12:53

Khi dân châu Á trở thành nô lệ thời đại

 

 

Biểu tình phản đối các hành vi bạc đãi phụ nữ Indonesia (Reuters)

 

Kể từ đầu năm 2012, Ả Rập Xê Út chuyển sang tuyển dụng phụ nữ giúp việc nhà tại Việt Nam và Cam Bốt. Sở dĩ chính quyền Riyad buộc phải làm như vậy là vì hai nước Indonesia và Philippines đã tạm ngưng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út.

Báo La Croix đăng bài phóng sự về trường hợp thương tâm của những phụ nữ châu Á tại các nước vùng Vịnh Ba Tư.

Theo thống kê chính thức, hiện có khoảng 2 triệu người giúp việc nhà đang đi làm tại Ả Rập Xê Út. Trong số này có đến 60% là phụ nữ Indonesia (1,2 triệu), 35% là dân Philippines, 5% còn lại đến từ các nước châu Á khác.

 Các nước vùng Vịnh thiên về việc nhập khẩu lao động từ Indonesia, vì đây là quốc gia hồi giáo đông dân nhất địa cầu.

Hầu hết các công ty tuyển người lao động đều cho rằng điều kiện làm việc tại Ả Rập Xê Út là khá lý tưởng : công việc không quá đỗi nặng nhọc, tiền lương lại khá hậu hĩnh so với mức sống trung bình ở Indonesia. Nhưng thực tế không phải là như vậy, theo báo La Croix mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ Indonesia buộc phải hồi hương, họ ngưng hợp đồng làm việc vì không còn chịu đựng nổi.

Theo cô Anis Hidayah, tư vấn pháp lý thuộc hiệp hội Migrant Care, chuyên bảo vệ quyền lợi của dân lao động ở nước ngoài, thì trong số các phụ nữ buộc phải hồi hương, hầu hết cho biết là họ thường xuyên bị hành hạ đánh đập, thậm chí có nhiều trường hợp bị cưỡng hiếp.

 Tại Ả Rập Xê Út, hiện có khoảng 1700 kiều dân Indonesia bị bỏ tù, trong đó có 25 trường hợp phụ nữ chờ án tử hình do đã phạm tội giết người, cho dù có sự can thiệp của luật sư, nhưng quyền tự vệ chính đáng của họ không được công nhận.

Vào tháng 6 năm 2011, tòa án Ả Rập Xê Út ra lệnh hành quyết một người giúp việc nhà Indonesia. Cô gái này bị chặt đầu do đã dám đâm chết ông chủ nhà.

 Trường hợp này, theo tổ chức Migrant Care, không phải là lẻ loi. Cách đây hai năm, một thiếu nữ 15 tuổi tên là Ernawati, được đưa sang làm việc tại Riyad. Do cô gái chưa đủ 18 tuổi, cho nên công ty tuyển nhân công đã làm giấy khai sinh giả mạo. Sau sáu tháng làm việc, cô gái ngỏ lời kêu cứu với gia đình : mỗi ngày cô phải làm việc 18 tiếng mà không hề được trả lương, mỗi lần làm phật ý bà chủ là cô lại bị đánh.

Gia đình của cô Ernawati đệ đơn lên bộ Ngoại giao cầu xin sứ quán Indonesia tại Riyad can thiệp, nhưng rồi cũng hoài công.

 Hai tháng sau đó, gia đình của Ernawati nhận được một cú điện thoại của bệnh viện thành phố Riyad, cho biết là cô gái đã qua đời sau khi bị đánh trọng thương. Theo hiệp hội Migrant Care, trong vụ này, cả công ty tuyển người lao động lẫn ông chủ nhà đều không bị trừng phạt hay bị kết án.

Xuất ngoại tưởng chừng phát tài, nào ngờ nô lệ thời đại

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, tình trạng lạm dụng, ngược đãi hay bóc lột sức lao động là chuyện thường xẩy ra tại Ả Rập Xê Út.

 Đàn ông châu Á sang Riyad thường làm công nhân xây dựng, tài xế vận tải, hay phu khuân vác. Còn phụ nữ châu Á đa số thường phụ giúp việc nhà, chỉ có một số ít mới đơn thuần trông nom trẻ nhỏ.

Vấn đề ở đây là, ngoài các chi phí dịch vụ, các ông bà chủ còn phải chi thêm gần hai ngàn đô la tiền vé máy bay và thủ tục giấy tờ khi tuyển người giúp việc. Trong số này, có không ít trường hợp các ông bà chủ tự cho mình cái quyền không trả lương, và nhất là đa số không tôn trọng các điều kiện ghi trên hợp đồng, từ thời hạn cho đến giờ giấc làm việc.

Ngoài ra, còn phải kể đến trách nhiệm của các nhà chức trách. Theo báo La Croix, chính quyền Jakarta đã không bảo vệ được các kiều dân của mình.

Ngành xuất khẩu lao động đem về cho Jakarta 7 tỷ rưỡi đô la hàng năm, nhưng các cơ quan trực thuộc sứ quán hay toà lãnh sự của Indonesia ở nước ngoài lại thiếu nhân sự và phương tiện tái chính để hỗ trợ pháp lý cho kiều dân của mình. Nhưng nghiêm trọng hơn nữa, là Jakarta không kiểm soát chặt chẽ các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu. Các công ty này chẳng những làm giấy tờ giả mạo, mà còn dùng nhiều cách để luồn lách lệnh tạm ngưng xuất khẩu lao động của chính quyền.

Theo tổ chức Migrant Care, một trong những hình thức thông dụng nhất là làm visa nhập cảnh để đến một quốc gia thứ ba, rồi sau đó mới chuyển tới Ả Rập vùng Vịnh. Ngoài ra còn có việc mua vé bay thẳng tới Ả Rập Xê Út nhưng với lý do là đi hành hương tại Mecca, điều mà Jakarta khó thể kiểm soát mà không đi ngược lại với nguyên tắc của những người hồi giáo sùng đạo.

Sau khi Indonesia ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út vào năm 2008, nay lại đến phiên Philippines.

 Hầu hết các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều nhắc nhở người lao động nên đề phòng cảnh giác trước những lời hứa hẹn của các công ty tuyển nhân công. Người đi làm việc ở nước ngoài tưởng chừng dễ phát tài, nào ngờ họ có nguy cơ trở thành nô lệ thời đại.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Trong lãnh vực kinh tế, tờ báo Les Echos cho biết là Liên hiệp châu Âu cùng với Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, kiện Trung Quốc về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nguyên liệu thiết yếu dùng để chế biến sản phẩm công nghệ cao cấp mà cho tới giờ này, Bắc Kinh gần như độc quyền khai thác.

Hầu hết các sản phẩm công nghệ tân tiến đều có sử dụng đến đất hiếm. Nguyên liệu này được sử dụng trong việc chế tạo tivi màn ảnh phẳng, bộ cứng của máy vi tính, các dụng cụ y khoa như máy nội soi, bình điện xe hơi, các loại pin mặt trời dùng để sản xuất năng lượng sạch và gần gũi hơn nữa thì có thiết bị của điện thọai thông minh.

Báo Les Echos trích dẫn ông Ron Kirk, đại diện của bộ Thương mại Hoa Kỳ, nhận xét rằng : đất hiếm là một hợp chất, bao gồm những thành phần không thể thiếu trong ngành công nghệ.

 Việc mua đất hiếm là chuyện sống còn đối với các công ty Mỹ. Trung Quốc đã từng cam kết điều này cách đây hơn 10 năm khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Qua biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm cũng như một số sản phẩm quặng mỏ khác, Trung Quốc đã vi phạm các cam kết của mình. Điều đó chẳng những gây thiệt thòi cho các công ty cần mua đất hiếm, mà còn ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu trên thế giới nói chung.

Đơn kiện Trung Quốc đã được giao cho Cơ quan giải quyết bất đồng, gọi tắt là ORD.

Cơ quan này có thời hạn 6 tháng, muộn nhất là 9 tháng để tìm cách giải tỏa những mối bất đồng giữa hai bên.

Việc Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản cùng phối hợp với nhau, giúp cho đơn kiện Trung Quốc thêm trọng lượng. Tuy nhiên, theo báo Les Echos, các bên đều hy vọng tìm cách dàn xếp ổn thỏa nội trong vòng một năm, thay vì cứ để cho tranh chấp kiện tụng kéo dài.

 Trong lãnh vực khai thác đất hiếm, Trung Quốc hiện có khoảng 35% trữ lượng và chiếm đến 97 % sản lượng của toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là phe kiện chưa chắc gì đã có lợi thế, vì Bắc Kinh gần như nắm lấy độc quyền khai thác, và như vậy Trung Quốc có thể dựa vào đó để bắt bí Nhật Bản cũng như các nước Âu Mỹ.

Tinh thần đoàn kết trên mặt trận Euro ? 

Về thời sự châu Âu, các báo ra ngày đều quan tâm đến chuyến đi Paris của thủ tướng Đức Angela Merkel một ngày trước thượng đỉnh Bruxelles.

Mục tiêu của Berlin là hội ý với Paris trước khi hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra trong hai ngày, hôm nay và ngày mai, tại Bruxelles. Về điểm này, báo La Croix tỏ ra hoài nghi, chạy hàng tựa đậm trên trang nhất dưới dạng câu hỏi : Giải quyết khủng hoảng vùng euro … nhưng bằng cách nào đây ?

Báo Le Monde trong bài xã luận thì đánh giá rằng : Paris có một trách nhiệm rất lớn, khi phải thuyết phục Berlin cùng chịu gánh vác các món nợ của khối Châu Âu.

Báo Libération trung thành với cách đặt tựa hơi mỉa mai châm biếm, chạy hàng tít đậm trên trang nhất :

Châu Âu, phải chăng đã quá muộn ?

Hai chữ ‘‘quá muộn’’ ở đây được lặp đi lặp lại nhiều lần trong 6 thứ tiếng khác nhau. Libération thường chơi chữ và hay dùng cách so sánh ví von.

 Theo đó mối bất đồng giữa Paris và Berlin sâu rộng đến nỗi, thủ tướng Đức đến Pháp lần này với tâm trạng của một người gỡ mìn, đặt chân lên một vùng đất có cài đầy cạm bẫy. Trong tuần qua, bốn nước Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã đồng ý trên một kế hoạch khẩn cấp 130 tỷ euro để kích thích tăng trưởng.

Nhưng kế hoạch này không che giấu được những bất đồng nghiêm trọng về các biện pháp giải quyết khùng hoảng. Cho tới giây phút này, thủ tướng Đức vẫn nhất quyết chống lại ý định thành lập công trái chung Châu Âu, cũng như trợ giúp thêm để giúp các nước đang gặp khó khăn thanh toán các món nợ.

Đức vẫn đòi tăng cường các biện pháp kiểm soát tài chính ở các nước vùng đồng euro. Ngược lại, Paris thì kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên châu Âu với nhau, cùng san sẻ và cùng gách vác các món nợ quan niệm.

Tựa lớn của báo le Figaro có thê tóm tắt được tình hình : Châu Âu, khi đoàn kết chính trị biến thành một chiến trường.

Đã hết rồi Những đêm không ngủ tại Seattle

Về văn hóa, các báo đều nhắc đến ngày qua đời của nữ đạo diễn người Mỹ Nora Ephron.

Bà từ trần hôm thứ ba (26/06/2012) tại New York, hưởng thọ 71 tuổi.

Được mệnh danh là bà hoàng của những bộ phim tình cảm lãng mạn, đạo diễn Nora Ephron còn nổi tiếng là một nhà viết kịch bản tài tình.

 Nhờ bà, mà nữ diễn viên Meg Ryan trở thành thần tượng điện ảnh nhờ các bộ phim như When Harry met Sally (Khi chàng Harry gặp nàng Sally) hay là (Đêm Seattle mất ngủ) Sleepless in Seattle.

Trước khi vào làng điện ảnh, Nora Ephron hành nghề phóng viên, làm việc cho New York Post, Esquire và New York Times.

Kịch bản đầu tiên mà bà đã tham gia soạn thảo là bộ phim All the President’s Men với hai nam tài tử Dustin Hoffman và Robert Redford trong vai chính.

Bộ phim này dựa vào câu chuyện có thật của vụ tai tiếng Watergate.

Sở dĩ Nora viết kịch bản phim này hay đến như vậy vì vào thời đó bà là vợ của phóng viên Carl Bernstein, làm việc cho tờ Washington Post. Ông là một trong những người đã phanh phui ra vụ tai tiếng Watergate, khiến cho tổng thống Mỹ Nixon phải từ chức ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.