Home Tin Tức Thời Sự Con gái Thủ Tướng Dũng 'thôi chức' đại diện ngân hàng Bản Việt

Con gái Thủ Tướng Dũng 'thôi chức' đại diện ngân hàng Bản Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 29 Tháng 6 Năm 2012 12:33

Bà Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980 và là con gái duy nhất của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

SÀI GÒN (NV) - Con gái Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng, vừa thôi không làm đại diện pháp luật cho ngân hàng Bản Việt, nhưng vẫn giữ chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của ngân hàng này.

 

Bà Nguyễn Thanh Phượng. (Hình: Vneconomy)

Tin về bà Phượng xuất hiện trên một bản bố cáo của ngân hàng Bản Việt đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng trong hai ngày 27 và 28 tháng 6.

Theo bản bố cáo, người thay bà Nguyễn Thanh Phượng trong vai trò đại diện pháp luật là Tổng Giám Ðốc Ðỗ Duy Hưng.

Tin tức về việc thay đổi chức vụ của con cái các nhân vật chóp bu trong guồng máy chính trị tại Việt Nam vốn gây nhiều đồn đoán trong dư luận.

Trong tháng này, ít nhất có hai vụ tương tự như vậy.

Vụ thứ nhất là ông Nông Quốc Tuấn, 49 tuổi, con trai lớn của cựu Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh mất chức bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, trở về vị trí cũ là phó chủ nhiệm Ủy Ban Dân Tộc và Miền Núi trực thuộc chính phủ.

Vụ thứ hai, cô Tô Linh Hương, 24 tuổi, con gái ông Tô Huy Rứa (ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương) “thôi chức” chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty Vinaconex, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi.

Trở lại vai trò của bà Nguyễn Thanh Phượng, ngoài chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của ngân hàng Bản Việt, bà Phượng còn là lãnhh đạo ba công ty gồm kinh doanh vốn, chứng khoán và bất động sản đều mang tên Bản Việt.

Riêng Bản Việt là ngân hàng thương mại cổ phần (VietCapital Bank), được “nâng cấp” từ ngân hàng Gia Ðịnh. Ngân hàng này hiện có số vốn điều lệ là 3,000 tỷ đồng Việt Nam, tức khoảng 150 triệu đô la.

Bà Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980 và là con gái duy nhất của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Anh trai của bà Phượng là ông Nguyễn Thanh Nghị, thứ trưởng Bộ Xây Dựng và người em trai út là Nguyễn Minh Triết đang là cán bộ Ðoàn Thanh Niên.

Trong 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng được cho là người năng động nhất.

Trong công điện ngày 26 tháng 12, 2006, gởi cho Bộ Ngoại Giao ở Washington D.C., bị tiết lộ quan Wikileaks, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, ông Seth Winnick tỏ ra có cảm tình với Phượng.

Ông viết: “Phượng giống cha như đúc. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô tỏ ra cởi mở, tò mò, và chăm chú. Rõ ràng cô là một người có tài.”

Vẫn theo nhận xét của Tổng Lãnh Sự Seth Winnick thì con đường sự nghiệp thênh thang rộng mở của Phượng, và của anh em Phượng, hiển nhiên là được đưa đến từ thân thế của họ.

Ông viết tiếp: “Tuy thế, việc thăng tiến vượt trội của Phượng, và những cánh cửa rộng mở đón chào Phượng và anh em của cô,” là “bằng chứng cho thấy cách thức mà tầng lớp lãnh đạo (Việt Nam) bảo đảm cho con cái họ những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế.”

 

 

Bản bố cáo của Ngân Hàng Bản Việt về việc bà Nguyễn Thanh Phượng “thôi không làm đại diện pháp luật” cho ngân hàng này. (Hình: SGGP)

 

Công điện đơn cử một vài ví dụ, “Tháng 1 năm 2006, lúc mới hơn 25 tuổi, Phượng đã là giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị vốn đầu tư $112 triệu của các nhà đầu tư Thụy Sĩ.

Ðến tháng 11 cùng năm, Phượng lên làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Ðầu Tư Chứng Khoán Bản Việt-Viet Capital Fund Management Joint Stock Company, được viết ngắn gọn là Công Ty Quỹ Ðầu Tư Bản Việt hoặc VCFM với nhiều trăm tỉ đồng Việt Nam đến từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.”

Tại sao người ta có thể tin tưởng để giao một số vốn không lồ như thế cho một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm như Phượng?

Tổng Lãnh Sự Seth Winnick trả lời câu hỏi này thay cho lời kết của công điện:

 “Tất nhiên, về mặt chính trị, giao quỹ đầu tư cho cô con gái cưng của thủ tướng quản lý, là một điều khôn ngoan, nhất là khi quỹ này tập trung vào việc đầu tư trong những ngành mà nhà nước kiểm soát, như dầu khí, ngân hàng và công nghệ thông tin.” (KN)