Home Tin Tức Thời Sự Cướp máy bay bất thành ở Tân Cương

Cướp máy bay bất thành ở Tân Cương PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 29 Tháng 6 Năm 2012 16:52

 Sáu người đàn ông đã tìm cách ập vào buồng lái của một phi cơ hành khách sau khi cất cánh

 

Các nhân viên an ninh trong vụ cướp máy bay bất thành ở Tân Cương

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói sáu người Uighur bị bắt sau một vụ cướp máy bay không thành xảy ra tại Tân Cương.

Báo chí Trung Quốc đưa tin trong vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu ở Hotan, thuộc khu tự trị đông người Uigur theo Hồi giáo, sáu người đàn ông bản địa đã tìm cách ập vào buồng lái của một phi cơ hành khách sau khi cất cánh.
Nhưng họ bị hành khách và tổ lái khống chế, sau đó chiếc máy bay đã nhanh chóng hạ cánh trở lại xuống Hotan.

Theo phóng viên Martin Patience của BBC từ Bắc Kinh, ngay từ đầu truyền thông Trung Quốc đã nói sáu người bị bắt thuộc sắc tộc Uighur (Duy Ngô Nhĩ).

Tân Cương, khu vực có đông người Uighur, đã từng là nơi xảy ra các cuộc biến động mang tính xung đột sắc tộc với người Hán.

Người Uighur cáo buộc Bắc Kinh trấn áp họ và đè nén truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ điều này và thường cho rằng các nhóm “phân liệt chủ nghĩa” đang “kích động bạo lực”.

'Điểm nóng bạo động'

Những năm gần đây, khu tự trị Tân Cương tiếp tục là một điểm nóng ở Trung Quốc với nhiều diễn biến bạo động.

Trong một diễn biến được truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi cuối tháng Hai, 12 người đã chết trong các cuộc bạo động gần thành phố tây bắc Kashgar của khu tự trị này Tân Cương hôm thứ Ba ngày 28/2.

Tân Hoa Xã cho hay những người tham gia bạo loạn đã giết chết 10 người, trong khi cảnh sát đã bắn chết hai người.

 

Cảnh sát Trung Quốc vây chiếc máy bay sau khi xảy ra vụ 'không tặc'

 

An ninh luôn được thắt chặt ở khu vực này kể từ khi bạo lực nổ ra vào năm 2009 ở thủ phủ Urumqi giữa những người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo vốn là nhóm sắc tộc đông đảo nhất ở đây và những người Hán di cư đến.

Các cuộc bạo động hồi năm đó đã làm cho 200 người chết và phần đông trong số đó là người Hán, theo các quan chức Trung Quốc.

Gần phân nửa dân số Tân Cương là người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo có ngôn ngữ riêng và có mối liên hệ về chủng tộc và văn hóa với khu vực Trung Á.

Nhiều người địa phương than phiền rằng làn sóng di cư lớn của dân lao động người Hán từ phía đông đã làm họ mất việc làm và xói mòn văn hóa của họ.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Tân Cương nơi giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt vốn rất thiết yếu đối với nền kinh tế đang bùng nổ của nước này.

Những cáo buộc của người Duy Ngô Nhĩ rằng họ bị phân biệt đối xử và bị gạt ra lề là nguyên nhân của tình cảm chống người Hán và ly khai ở Tân Cương kể từ những năm 1990.

Bạo loạn tiếp tục bùng phát vào tháng 7 năm 2011 làm cho 32 người chết.

Tháng 12 cùng năm đã chứng kiến một vụ bắt cóc mà kết quả là bảy kẻ bắn cóc – mà truyền thông Trung Quốc mô tả là thuộc một nhóm khủng bố – đã bị giết chết.

Trung Quốc cho rằng họ đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố có tổ chức từ những người Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương.

 Tuy nhiên những nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ cho rằng người dân của họ đang phẫn nộ với cách cai trị mạnh tay ở khu vực.