Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-06-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Bảy, 30 Tháng 6 Năm 2012 16:13 |
Hôn nhân đồng tính đang khuấy động xã hội Pháp
Tuần hành Gay Pride tại Paris, Pháp, ngày 30/06/2012 Hôn nhân đồng tính là đề tài được các báo Pháp tập trung khai thác, trong bối cảnh hôm nay, ngày 30/6/2012, diễn ra cuộc tuần hành lớn của giới đồng tính tại Paris để kêu gọi chính phủ đẩy nhanh lịch trình thông qua bộ luật có liên quan. Liberation, thiên tả, có bài chạy tựa : « Gay Pride : ông Hollande bị kẹt trong hồ sơ đồng tính ». Tờ báo cho biết, theo dự kiến của Liên hội Gay, Lesbian, người lưỡng tính và người chuyển đối giới tính (LGBT), hôm nay sẽ có khoảng 500 000 người ủng hộ hôn nhân đồng tính xuống đường diễu hành ở Paris. Mục đích là nhắc tổng thống François Hollande thực hiện lời hứa thông qua luật hôn nhân đồng tính khi tranh cử, thúc chính phủ đẩy nhanh lịch trình thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính, để tạo tiền đề tiến đến luật về quyền nhận con nuôi của các cặp đồng tính. Những người ủng hộ cho rằng thời cơ đã đến, vì ông Hollande là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Pháp có quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính. Hơn nữa, khi tranh cử, ông đã hứa tiến hành thúc đẩy thông qua một bộ luật chính thức. Trong khi đó, chính phủ Pháp từ chối cho thông qua luật sớm, mà sẽ làm như đã hứa là vào đầu năm tới. Bàn về chủ đề này, Le Figaro, thiên hữu, có bài « Hôn nhân đồng tính sẽ làm đảo lộn quan hệ huyết thống ». Để đi đến tận cùng sự việc, tờ báo đăng những ý kiến trái chiều. Trong quan hệ huyết thống ở cặp hôn nhân dị tính, khi đứa con được sinh ra, thì người chồng tự nhiên trở thành « cha ». Thế nhưng, nếu trong một gia đình đồng tính, ai sẽ là « cha » của đứa bé, như vậy « quyền mặc nhiên làm cha theo quan hệ huyết thống » phải đổi thành « quyền làm người thân chung chung », từ đó các từ « cha », « mẹ » sẽ biến mất trên văn bản hành chính. Một vấn đề khác là khi điều kiện nhận con nuôi dễ dàng, nhất là với cặp đồng tính, thì vấn đề huyết thống sẽ bị xem nhẹ, chức năng « gia đình là tế bào cấu thành xã hội » sẽ bị phai nhạt, từ đó người ta chỉ còn quan tâm đầu tư cho đứa trẻ về vật chất. Trên phương diện này, có nên chấp nhận cho một đứa bé được quyền có nhiều cha mẹ nuôi chính thức hay không ? Đây cũng là một vấn đề đau đầu của chính phủ. Một vấn đề nữa là liệu các cặp đồng tính nữ sẽ được luật pháp chấp nhận cho mang thai nhân tạo hay không ? Khi tranh cử, ông Hollande đã tuyên bố ủng hộ. Thế nhưng, nếu cho phép các cặp nữ có con theo kiểu đó, thì các cặp nam sẽ đòi hỏi bình đẳng bằng cách muốn thuê người mang thai hộ, trong khi đó luật ở Pháp hiện hành cấm việc này. Tờ báo dẫn lại lời của một cựu bộ trưởng Pháp cho rằng, hôn nhân đồng tính sẽ làm đảo lộn tất cả các xã hội truyền thống vốn được duy trì và tồn tại dựa trên sự khác biệt giới tính. Người này nhắc nhở, không nên đi ngược lại quy luật tạo hóa, không nên chỉ vì thỏa lòng muốn có con của người lớn mà gây ảnh hưởng đến quyền được có cả cha lẫn mẹ theo huyết thống của trẻ em. Mổ xẻ chủ đề trên, Le Monde đăng bài : « Hôn nhân, nhận con nuôi, quan hệ huyết thống và sự sốt ruột của những người đồng tính ». Tờ báo nhận định, dù thăm dò cho thấy đa phần người Pháp ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhưng các cải cách cần phải được bàn thảo nhiều. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia về gia đình : « Luật pháp của chúng ta dựa trên sự tồn tại của hai mối quan hệ huyết thống là cha và mẹ. Nay bảo rằng không còn khái niệm cha mẹ nữa, mà là người thân nói chung, thì tất cả sẽ đảo lộn ». Như vậy, theo Le Monde, các hiệp hội đồng tính sẽ khó khăn lắm để đạt được mong ước. Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên : Nhiều người vẫn mong có ngày thống nhất Đến với quan hệ hai miền Triều Tiên, Libération có bài : « Các cô gái Bắc Triều Tiên, những nữ hoàng mới của khán giả truyền hình Hàn Quốc ». Tờ báo cho biết, từ sáu tháng nay, kênh truyền hình Channel A của Hàn Quốc bắt đầu phát một chương trình gây ấn tượng, trong đó những người Bắc Triều Tiên di cư xuống miền Nam kể chuyện đời thường khi họ còn sống ở miền Bắc trước ống kính truyền hình. Những câu chuyện được kể không hề có mục đích chính trị, mà để giúp khán giả hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người miền Bắc, cũng như việc cho biết rằng ở miền Bắc cũng có phẩu thuật thẩm mỹ, hay là chuyện trong các cửa hàng quần áo không có phòng thử đồ…Nói chung là những chuyện đời thường, góp phần giúp người miền Nam vượt qua những định kiến đối với người miền Bắc, để biết rằng người hai miền vẫn có những điểm chung. Về việc chương trình ưu tiên chọn những thiếu nữ trẻ đẹp của miền Bắc, người quản lý chương trình giải thích, đó là để xóa bỏ định kiến cho rằng người miền Bắc luôn « ốm yếu và xấu xí ». Tờ báo thuật lại, trong chương trình, qua những câu chuyện đời thường, khán giả nếm trải đủ loại cảm xúc, từ cười vui đến xót xa rơi lệ. Trong tiếng vỗ tay cỗ vũ, có khi một cô bé miền Bắc tham gia chương trình đứng hát một bài hát chống miền Nam hay là biểu diễn một khúc quân hành mà cô được học từ nhỏ khi còn sống ở Bắc Triều Tiên. Như vậy, chương trình giúp cho người hai miền, nhất là thế hệ trẻ xích lại gần nhau hơn, cũng như lời của một sinh viên Hàn Quốc được Libération dẫn lại : « Tôi ủng hộ chương trình này bởi nó góp phần chuẩn bị cho quá trình thống nhất ». Thế cục châu Âu đã thay đổi Hôm qua, 29/06/2012, trước sự nhượng bộ của Đức, lãnh đạo các thành viên khu vực đồng euro đã bất ngờ đạt được đồng thuận trong việc hỗ trợ Ý và Tây Ban Nha, đồng thời đưa ra một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trị giá 120 tỷ euro. Nhận định về sự kiện này, Le Figaro có bài : « Một Thượng đỉnh làm thay đổi thế cục châu Âu ». Tờ báo nhấn mạnh, Thượng đỉnh châu Âu lần này cho thấy một xu thế mới : Xu thế các Thượng đỉnh châu Âu ngày càng khó dự đoán, với những thay đổi liên minh hết sức bất ngờ. Từ lâu vốn bị kiềm chế dưới cặp đôi Merkel-Sarkozy, lần này đột nhiên các nước Nam Âu cất cao giọng nói. Ý và Tây Ban Nha được nhiều lợi ích trong các thỏa thuận vừa rồi. Còn đối với tổng thống Pháp Francois Hollande, Le Figaro cho rằng, đây là thành công đầu tiên của ông trên trường chính trị châu Âu. Đối với Đức, bà Merkel trong thế chẳng đặng đừng, phải dịu giọng. Dù trong nước, Quốc hội Đức đã thông qua những thỏa thuận hôm qua, nhưng vấn đề này làm chia rẽ sâu sắc chính giới Đức. Có người còn cho rằng, thỏa thuận Bruxelles lần này là « một thỏa hiệp tồi tệ, bất lợi cho người dân đóng thuế tại Đức ». Nhật báo Libération dành trang nhất đăng hình theo kiểu công bố kết quả bóng đá, trong bối cảnh cúp bóng đá châu Âu 2012 đang diễn ra, với hai bức hình lớn, một của tổng thống Pháp Francois Hollande, một của thủ tướng Đức Angela Merkel và dòng chữ: « Hollande 1-Merkel 0 ». Tức là, ông Hollande đã cùng hai nguyên thủ Ý và Tây Ban Nha giành chiến thắng trước bà Merkel, và với ông Hollande, đây là lần đầu tiên kể từ khi ông đắc cử tổng thống Pháp. Khủng hoảng châu Âu là thủ phạm chính gây trì trệ kinh tế thế giới Cũng liên quan đến khủng hoảng nợ công tại châu Âu, Le Monde có bài nhìn nhận : « Khủng hoảng khu vực đồng euro góp phần gây mất cân đối cho kinh tế thế giới ». Tờ báo cho biết, từ nhiều tuần nay, Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ đã lên tiếng cho rằng, khủng hoảng nợ công tại châu Âu là thủ phạm chính gây trì trệ cho kinh tế thế giới. Cáo buộc này dựa trên những điểm sau đây : Thứ nhất, các nước nói trên đều có xuất khẩu sang thị trường châu Âu với lượng hàng khá lớn. Châu Âu lâm khủng hoảng, dĩ nhiên gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của những nước này. Thứ hai, do mức cầu tại châu Âu giảm, nên giá nguyên liệu cũng giảm theo, gây ảnh hưởng đến các nước mới trỗi dậy. Thế nhưng, tờ báo nhấn mạnh, hệ quả nặng nề nhất của khủng hoảng châu Âu chính là tạo ra tâm lý bất an về tài chính. Các ngân hàng châu Âu, do khó khăn, đã thu các cổ phần về nước của mình, khiến nhiều khu vực trên thế giới bị lâm cảnh thiếu vốn. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 1931, hành động tương tự của các ngân hàng Mỹ sau cuộc khủng hoảng 1929 đã kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng ở Áo và Đức. Cuối cùng, chính tâm lý lo sợ đã gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình, và làm mất tinh thần giới đầu tư. Theo ước tính của một chuyên gia kinh tế Mỹ, nếu kinh tế khu vực đồng euro bị sụt giảm từ 2 đến 3% mỗi năm, thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ là số không, Trung Quốc sẽ là 7%, của các nước mới phát triển khác ở châu Á và ở châu Mỹ La Tinh cũng chỉ dao động từ 0% đến 0,4%. Algéri : Hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng Đến với cuộc chiến Algéri hồi những năm 50 của thế kỷ trước, nhật báo Công Giáo La Croix có bài cảnh báo : « Bom mìn chiến tranh vẫn còn gây chết người ». Trong cuộc chiến Algeri, để cản đường tiếp tế từ các nước láng giềng cho quân cách mạng, quân đội Pháp đã cho xây dựng phòng tuyến Challe-Morice dài đến hơn 11 000 km. Đồng thời, Pháp cài đặt khoảng 11 triệu quả mìn. Sau chiến tranh, vào những năm 1970, các dây kẽm gai quanh khu vực nguy hiểm đã bị tháo xuống, nhiều khu có mìn không còn có thể được nhận ra. Vì thế, người dân, nhất là thế hệ trẻ, ngày càng mất cảnh giác. Theo ước tính, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã gây thương tích cho hơn 35 000 người. Ngay sau khi giành độc lập, quân đội Algéri đã cho tiến hành rà phá bom mìn. Thế nhưng, năm 1988 công việc này đã dừng lại, và mãi đến năm 2004 mới tái khởi động khi thông qua Công ước Ottawa. Trên tổng số 11 triệu quả mìn mà quân Pháp sử dụng, có hơn 600 000 quả đã được vô hiệu hóa thành công, còn sót lại đâu đó khoảng 3 triệu quả. Algeri dự tính sẽ hoàn tất việc rà phá bom mìn vào năm nay, nhưng rốt cuộc, đã phải yêu cầu có thêm thời hạn 5 năm bởi những năm gần đây, có đến 1 200 quả mìn được phát hiện ở những nơi cách xa khu vực được cảnh báo. Mãi đến năm 2007, Pháp mới cung cấp bản đồ chi tiết về các vùng cài mìn, thế nhưng phát hiện trên cho thấy, nếu chỉ dựa trên bản đồ do Pháp cung cấp là chưa đủ. Nông nghiệp sạch: Người mua giữ vai trò quyết định Trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, La Croix có bài cảnh báo : « Hai mặt của ngành thương mại thực phẩm ». Qua các thước phim tài liệu, người xem sẽ nhận ra được tầm quan trọng thật sự to lớn của việc họ chọn lựa mua hàng. Nói cách khác, chính việc người tiêu thụ thực phẩm chọn mua sản phẩm nào sẽ quyết định cách thức tương ứng để tạo ra sản phẩm đó. Ví vụ, việc người mua thích gạo trắng tinh, trong khi loại gạo này đã được tẩy sạch bằng máy, những chất được tẩy đi để cho hạt gạo trắng lại là những chất có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đối với đường cát cũng vậy, việc chọn lựa mua đường còn màu và đường tẩy trắng tinh sẽ có những ảnh hưởng tương ứng đối với người sản xuất và môi trường. Theo Lecomte, việc thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng, nhất là nhu cầu xa xỉ của người phương Tây, đòi hỏi phải có những cách thức chế biến hóa học đắt đỏ, kéo theo việc các nhà sản xuất nhỏ lẻ bị loại khỏi thị trường thế giới. |