Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc -Hồng Kông: Hố sâu khó lấp

Trung Quốc -Hồng Kông: Hố sâu khó lấp PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Thứ Bảy, 30 Tháng 6 Năm 2012 16:22

Hồng Kông biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và tình trạng thiếu tự do tại Hoa Lục

 

Dân Hồng Kông biểu tình chống chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo, 30/06/2012
REUTERS

 

Đến Hồng Kông dự lễ kỷ niệm 15 năm ngày nhượng địa Anh trở về đất mẹ, lãnh đạo Trung Quốc biến thành mục tiêu chế giễu của dân địa phương.

Kỷ niệm quê hương thống nhất hay ghi dấu ngày thuộc địa trở về đất mẹ phải là một ngày lễ hội tưng bừng. Thế nhưng, từ những ngày qua, bán đảo Hồng Kông, một trong những trung tâm tài chính quốc tế, biến thành pháo đài như đang có chiến tranh.

An ninh được tăng cường cao độ để bảo vệ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sang thăm Hồng Kông dự lễ kỷ niệm ngày Anh Quốc trao trả nhượng địa cách nay đúng 15 năm, ngày 01/07/1997 và chào mừng chính quyền thứ tư của đặc khu hành chính.

Một sự kiện nổi bật được AFP ghi nhận là kể từ hôm qua, khi lãnh đạo Trung Quốc đến Hồng Kông thì trên mạng internet tràn ngập những thông điệp chống đối : Hồ Cẩm Đào hãy ra khỏi Hồng Kông.

 Ngay khi đến Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố là ông « hy vọng có thể thăm viếng nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều người hơn để tự cảm nhận được sự phát triển và thông hiểu đời sống và ước vọng của người dân ».

Lời tuyên bố này đã bị giới blogger Hồng kông phản ứng bằng giọng điệu chế giễu : Độc tài mà biết gì và có bao giờ quan tâm đến dân.

Có lẽ phía chính quyền cũng dự đoán được tâm tình dân chúng địa phương, cho nên một hàng rào an ninh dầy đặc được bố trí bên ngoài khách sạn 5 sao, nơi phái đoàn Trung Quốc trú ngụ và hội trường nơi tân lãnh đạo đặc khu hành chính Lương Chấn Anh tuyên thệ nhậm chức.

Cảnh sát trấn đóng mọi ngã tư và ngõ ra vào các tòa cao ốc. Những rào cản bằng kim loại cao hơn hai thước được dựng lên để chận biểu tình, không cho tiếng reo hò phản đối vang đến tai lãnh đạo Trung Quốc.

Một blogger thắc mắc : Kỷ niệm ngày lấy lại chủ quyền hay thao dượt chiến tranh ?

Trên mạng xã hội, người thì chỉ trích : « Trung tâm tài chính biến thành đô thị rào cản », người khác thì liên kết hàng rào an ninh này với « vạn lý trường thành và bức tường Berlin », kẻ thì mong mỏi bức tường chia cắt tồn tại mãi mãi.

Kỷ niệm ngày Hồng Kông trở lại chủ quyền Trung Quốc cũng là dịp để thấy lòng dân địa phương như thế nào sau 15 năm sống trong mô hình « một quốc gia, hai chế độ ».

Bảy triệu dân Hồng Kông vẫn được Bắc Kinh tôn trọng quyền bán tự trị với luật pháp riêng và hệ thống tài chính riêng theo thỏa thuận ký kết với Luân Đôn.

Nhưng 15 năm trôi qua, chế độ Trung Quốc không thu phục được nhân tâm Hồng Kông , trái lại, mỗi ngày có thêm người dân Hoa Lục di cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp sang bán đảo này.

Theo giới phân tích, tình trạng thiếu dân chủ trong chế độ Trung Quốc, mối lo ngại bị mất các quyền tự do, những giá trị thiêng liêng được quy định trong bản Hiến pháp hiện hành tại Hồng kông, là nguyên nhân sâu xa khiến cho người dân địa phương xem lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm chứ không phải là anh em.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trở lại Hồng Kông lần này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thấy Hồng Kông biến đổi rất nhiều so với lần ông viếng thăm 5 năm về trước.

Giới nhân quyền và các tổ chức chính trị đối lập tin rằng họ sẽ huy động ít nhất 50 000 người xuống đường vào ngày mai.

Theo Asia News, một sự kiện vừa xảy ra tại Trung Quốc đã châm ngọn lửa bất bình tại Hồng Kông, nơi là đất dung thân của nhiều sinh viên trong phong trào Thiên An Môn 1989 bị truy nã, đàn áp . Đó là vụ công an Trung Quốc thông báo ông Lý Vượng Dương, một trong những lãnh đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh đã « tự tử » trong bệnh viện ở Thiệu Dương ngày 06/06/2012.

 Gia đình nạn nhân và cộng đồng mạng tại Trung Quốc và Hồng Kông nghi ngờ công an giết người rồi chạy tội. Phó chủ tịch Liên minh Dân Tiến Hồng Kông, bà Lý Huệ Quỳnh, cho biết sẽ trực tiếp chuyển lời phản đối của người dân khi gặp ông Hồ Cẩm Đào.

Chờ xem sau lời tuyên bố này, nữ nghị sĩ họ Lý thân Bắc Kinh có được gặp chủ tịch Trung Quốc vào ngày lễ 01/07 hay không và nếu có thì phản ứng của ông Hồ như thế nào ?