Home Tin Tức Thời Sự Cả ngàn công ty ngoại quốc ở Việt Nam ‘bỏ trốn’

Cả ngàn công ty ngoại quốc ở Việt Nam ‘bỏ trốn’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Bảy, 30 Tháng 6 Năm 2012 17:04

Hơn 26,000 doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản

HÀ NỘI (NV) - Báo điện tử Diễn Ðàn Kinh Tế (VEF) loan tin hôm Thứ Sáu 29 tháng 6, 2012 là hiện có gần 1,000 doanh nghiệp đầu tư ngoại quốc (FDI) đã “bỏ trốn” trong khi hơn 26,000 doanh nghiệp trong nước đã giải thể hoặc phá sản.

 

Một tấm băng rôn quảng cáo bán quần áo giảm giá “cực sốc” nhưng vẫn ế. (Hình: VietNamNet)

 

Nguồn tin căn cứ vào các con số do Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Công Thương đưa ra trong cuộc họp báo cho thấy hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam có những lỗ hổng rất quái đản.

“Theo Tổng Cục Thống Kê, nếu tồn tại về mặt pháp lý, cả nước có tới 541,103 doanh nghiệp nhưng nếu loại trừ số doanh nghiệp ‘ma’, chỉ còn có 448,393 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế chỉ có 375,732 doanh nghiệp, chiếm 83.7% số doanh nghiệp”, theo bản tin VEF.

Phân tích ra, nếu kể về mặt “tồn tại pháp lý” so với doanh nghiệp “có thật” thì có tới 92,710 công ty ma tại Việt Nam. Tuy vậy, nếu đối chiếu với con số “đang hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế” thì có tới 165,371 doanh nghiệp chỉ có cái tên trong bảng phong thần của cơ quan quản lý kinh tế nhà nước.

Tổng Cục Thống Kê dựa vào báo cáo của Tổng Cục Thuế nói trong số gần 93,000 doanh nghiệp “không thể xác minh” thì “có tới 60,454 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích”.

Cơ quan vừa nói đưa ra giải thích “đây thực chất là các doanh nghiệp hoạt động trá hình, doanh nghiệp ma, thành lập để buôn bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, không thực hiện nghĩa vụ thuế và không có địa chỉ rõ ràng. Ngoài ra, nguyên nhân khác được tính đến là do các doanh nghiệp đã giải thể trong im lặng, không làm thủ tục ‘khai tử’ khi không hoạt động thực sự”, VEF tường thuật.

Phần lớn những xí nghiệp ma này khai địa chỉ ở Sài Gòn và Hà Nội.

Theo bản báo cáo của Tổng Cục Thống Kê, “Hiện có tới 983 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) không thể xác minh, trong đó, Sài Gòn có 760 doanh nghiệp và Hà Nội có 161 doanh nghiệp FDI.”

Lý do được giải thích là “các nhà đầu tư FDI làm thủ tục xin cấp phép dự án đầu tư, nhưng khi triển khai dự án, đã không xin được đất hoặc có nhiều nguyên nhân khác nên chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Các cán bộ điều tra của tổng cục thống kê xuống làm việc, thường lần theo địa chỉ trong giấy chứng nhận đậu tư nhưng thực tế không tìm thấy doanh nghiệp nào tồn tại trên địa bàn.”

Tổng Cục Thống Kê đưa ra kết luận “tình trạng doanh nghiệp không xác minh được, chờ giải thể lớn, chiếm tới 22.9% tổng số doanh nghiệp được thành lập đã cho thấy, tính hiệu quả thấp của thể chế đối với cộng đồng doanh nghiệp”.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, một cách chính thức, đã có 26,324 doanh nghiệp giải thể hay ngừng hoạt động, tăng 5.4% so với thời gian này năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam ngày càng đình đốn.

Hà Nội đối phó bằng cách hạ lãi suất ngân hàng nhưng tin cho hay phần lớn các xí nghiệp tại Việt Nam không vay được nợ mới để sản xuất hay kinh doanh vì những gì có thể cầm thế để vay thì đã sử dụng rồi. Trong khi đó, những xí nghiệp lớn quốc doanh trong các ngành như thép, xi măng thì tồn kho những số lượng lớn không bán nổi.

Trong một bản tin khác mô tả tình trạng kinh tế rất khó khăn ở Việt Nam hiện nay, VEF viết về tình hình tiêu dùng hàng hóa ở Hà Nội “Thông thường, giảm giá khuyến mãi hàng thời trang chỉ diễn ra vào đầu hoặc cuối mùa. Có một nghịch lý là, năm nay, tuy đã giữa Mùa Hè - thời điểm hút khách và tiêu thụ hàng thời trang mạnh nhất - thì các cửa hàng, shop thời trang lại gối đầu nhau khuyến mãi, giảm giá.

Hết giảm giá 10% rồi đến 30-50%, thậm chí có cửa hàng còn giảm giá đến 70% để câu khách.

 Dạo quanh các khu phố tập trung nhiều cửa hàng, shop thời trang như: Cầu Giấy, Ðội Cấn, Hàng Bông, Kim Mã... ngập tràn các biển quảng cáo thời trang giảm giá sốc cho nhiều sản phẩm đến tất cả các sản phẩm bày bán tại cửa hàng.” (T.N.)