Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, Sài Gòn |
Tác Giả: Người Việt | ||||
Chúa Nhật, 01 Tháng 7 Năm 2012 08:39 | ||||
“Không 1 'chữ vàng', không 1 'cái tốt' với kẻ ăn cướp.” Công an chặn bắt SÀI GÒN & HÀ NỘI (NV) -Một cuộc biểu tình được kêu gọi ở Sài Gòn và Hà Nội để “ủng hộ Luật Biển Ðảo Việt Nam” và “phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa” đã gặp phải sức cản trở mạnh mẽ của công an và an ninh Việt Nam, nhưng vẫn diễn ra ở cả hai chỗ.
Trước ngày dự trù biểu tình, một loạt những người đã từng đi biểu tình chống Trung Quốc, và cũng từng bị công an làm khó dễ trước đây, được trao giấy mời lên gặp công an hoặc viên chức khác ở cấp phường, khu phố - mặc dù 1 tháng 7 là ngày Chủ Nhật. Ngăn chặn Blogger Huỳnh Thục Vy chẳng hạn, đã cùng gia đình bị phạt hành chính “vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin” rồi bị phạt 270 triệu đồng, tức là tới $13,000. Cô từ Tam Kỳ vào Sài Gòn, bị đưa giấy mời lên gặp công an phường Tân Quy, Q. 7, đúng 8 giờ sáng Chủ Nhật để “bổ túc hồ sơ tạm trú.” Rất nhiều lý do lạ, được đưa ra để làm cớ mời người ta lên gặp. Họa sĩ Lê Quý Anh Hào nhận được giấy mời lên gặp chủ tịch Phường Thanh Xuân, Q. 12, lúc 7 giờ sáng Chủ Nhật để “giải quyết vấn đề khai thông cống rãnh chống ngập úng.” Không chỉ gọi lên phường để cầm chân người biểu tình, chính quyền còn trực tiếp ngăn chặn. Nhiều blogger loan tin có công an chìm đứng canh trước cửa. Có người ở trong hẻm chỉ một lối ra thì công an đứng sẵn ngay đầu hẻm. Người sống trong hẻm có hai lối ra thì có công an canh ở hai phía. Hai vợ chồng blogger Uyên Vũ và Trăng Ðêm ra khỏi nhà bị an ninh bao vây ép xe ngoài đường. Blogger Ðốp Ni Cô Teen mới ra cổng bị tới 10 người, vừa sắc phục vừa thường phục, vây lại không cho đi, và nói cô bị cấm ra khỏi nhà. Hỏi vì lý do gì, cô được trả lời, “Lý do thì chị biết rồi. Thôi nhẹ nhàng với nhau đi, tui khỏi mệt, chị cũng khỏi mệt.” Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm chỉ vì biểu tình chống Trung Quốc, đi xe lửa vào và bị chặn lại ở Nhà Ga Sài Gòn. Bà sau đó bị ép lên xe của công an áp tải về lại Vũng Tàu. Chung quanh Thanh Minh Thiền Viện và chùa Giác Hoa ở Sài Gòn, hàng chục công an mật vụ phong tỏa, ngăn chặn để đức Tăng Thống Thích Quảng Ðộ không tham gia biểu tình được. Hôm Thứ Năm, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã công bố thông cáo báo chí “kêu gọi toàn dân xuống đường.” Ở Hà Nội, trời mưa to như bão khiến cuộc biểu tình bị hoãn lại. Có tin ông Nguyễn Chí Ðức, người một lần bị công an đạp vào mặt khi biểu tình chống Trung Quốc, bị công an ép đi uống cà phê với họ. Mưa to cũng khiến người dân Văn Giang, nạn nhân của vụ cưỡng chế đất để xây khu nhà cao cấp, không lên tham gia biểu tình được như đã hẹn. Tuy vậy, lực lượng công an an ninh vẫn không chủ quan. Ở vườn hoa Lenin gần Tòa Ðại Sứ Trung Quốc “có khoảng 5 xe tải mui kín chuyên chở cảnh sát cơ động,” theo trang mạng Ba Sàm cho biết. Biểu tình Tới khi tạnh mưa, tại Hà Nội nhiều người ra tham gia, theo Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết trên blog. Trong số người tới được, có cụ bà Lê Hiền Ðức, người nổi tiếng chống tham nhũng. Số người biểu tình ở Hà Nội ước lượng khoảng 1000 người. Ông Tạ Trí Hải, người nhạc sĩ violin từng kéo đàn trong cuộc biểu tình năm ngoái, cũng có mặt trong cuộc biểu tình này, ôm theo đàn gói trong bao ny lông vì trời mưa.
Tại Sài Gòn, tình hình căng thẳng hơn. Ngay trong công viên trước cửa dinh Ðộc Lập, một nhóm hơn 10 bạn trẻ bị bắt lên xe một cách thô bạo, trong đó có blogger Huỳnh Thục Vy đã ra chỗ biểu tình bất kể giấy mời của công an. Châu Văn Thi chưa ra tới chỗ biểu tình đã bị bắt và bị mang về trụ sở công an phường Cầu Kho, Q.1. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm người tới được khu công viên này. Họ tụ tập bất kể tiếng còi inh ỏi và bắt đầu tiến về hướng Hồ Con Rùa để đi tiếp tới tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc, nay đã dọn về đường Hai Bà Trưng ở vị trí tòa Ðại Sứ Ðài Loan cũ. Trong số người biểu tình tại Sài Gòn có André Menras, một người Pháp phản chiến từng được Hồ Chí Minh đặt tên là Hồ Cương Quyết. Ông Menras cầm tấm bảng ghi hai thứ tiếng Anh và Việt. Câu tiếng Việt ghi “Không 1 'chữ vàng', không 1 'cái tốt' với kẻ ăn cướp.” Tuy nhiên, tới gần tòa tổng lãnh sự thì đoàn bị tiểu tình bị chặn lại. Một lực lượng công an khổng lồ với đầy đủ đạo cụ đứng canh trước tòa tổng lãnh sự không cho tới gần. Tại đây, lại thêm một số người bị lùa lên xe công an, chở đi đâu không rõ. Ðoàn biểu tình bị chặn, quay đầu tuần hành ngược về phía sau nhà thờ Ðức Bà. Cả hai cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn đều có mục đích vừa chống Trung Quốc lập thành phố Tam Sa bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vừa ủng hộ Luật Biển Việt Nam mới được Quốc Hội thông qua hôm 21 tháng 6, trong đó khẳng định hai quần đảo đó là của Việt Nam. |