Home Tin Tức Thời Sự Cấm vận dầu Iran có hiệu lực từ 1/7/2012

Cấm vận dầu Iran có hiệu lực từ 1/7/2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Chúa Nhật, 01 Tháng 7 Năm 2012 22:09

Bất chấp cấm vận, Châu Âu vẫn nhập dầu của Iran

 

Dàn khai thác dầu Soroush tại vịnh Persic, cách Teheran 1.250 km về phía nam, 25/06/2005
REUTERS/Raheb Homavandi

Kể từ hôm nay, 01/07/2012, Liên Hiệp Châu Âu không những cấm hoàn toàn việc mua dầu hỏa Iran mà còn cấm cả việc chuyên chở dầu hỏa Iran, không được các nhà bảo hiểm Châu Âu bảo đảm nữa. Phải nói là 90% bảo hiểm việc chuyên chở dầu hỏa bằng con đường hàng hải được các công ty Châu Âu đảm trách.

Song song với cấm vận của Châu Âu, Hoa Kỳ hiện cũng đã thuyết phục được các khách hàng của Iran, đặc biệt là các nước Châu Á, giảm lượng dầu mua của Téhéran.

Hoa Kỳ đã giải thích là muốn tránh cho họ các biện pháp trừng phạt tài chính, thương mại của Washington nhắm vào các tập đoàn làm việc với Iran.

Ba nước Châu Á - Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản - đã thông báo ý định giảm từ 10% đến 20% dầu mua của Iran vào năm 2012. Vào năm ngoái 2011, 3 quốc gia mua tổng cộng hơn 800.000 thùng mỗi ngày.

Téhéran hôm nay đã lên tiếng giảm nhẹ tác động trừng phạt của Phương Tây trên đất nước họ, cho là sự kiện đó « không có hệ quả gì » trên nền kinh tế Iran.

 Bộ trưởng dầu hoả Iran Rostam Ghassemi, cho là việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kể từ hôm nay vô hiệu « vì chính phủ đã lấy những quyết định cần thiết để đối phó. Iran đã có những ‘khách hàng mới’ ».

Vả lại, theo ông Ghassemi, bất chấp cấm vận, Châu Âu vẫn nhập dầu của Iran, từ 200.000 đến 300.000 thùng mỗi ngày. Cuối năm 2011, lượng dầu nhập Châu Âu là 600.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, các biện phạt trừng phạt, thông báo vào tháng giêng, đã làm cho lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm đi 30% từ đầu năm đến nay. Vào tháng 5, Iran xuất 1,5 triệu thùng/ngày so với hơn 2,1 triệu vào cuối năm 2011.

Tình hình đó đã khiến Iran phải giảm sản xuất : 3,13 triệu thùng/ngày vào tháng 5 thay vì 3,5 triệu vào cuối năm 2011, theo số liệu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu hỏa OPEP.

Vấn đề bảo hiểm chuyên chở gây khó khăn không ít. Những khách hàng còn nhập dầu Iran đang phải đau đầu. Như Hàn Quốc, đã thông báo vào tuần này tạm ngưng mua dầu vì không tìm được giải pháp cho vấn đề bảo hiểm các tàu chở dầu khiến Iran rất bực tức.

Về phía Châu Âu, ngoại trưởng Anh William Hague hôm nay cho là cấm vận có hiệu lực, chứng tỏ quyết tâm của Châu Âu gia tăng sức ép ngoại giao lên chính quyền Iran trong hồ sơ hạt nhân.

 Ông Hague thúc giục Téhéran hợp tác : Iran theo ông “đứng trước một sự lựa chọn : hoặc tiếp tục (...) chịu trừng phạt nặng nề và ngày càng bị cô lập” hoặc “bắt đầu hợp tác nghiêm chỉnh bằng cách thảo luận về các biện pháp sẵn sàng đưa ra về chương trình hạt nhân.”

Ngoại trưởng Anh cảnh báo là nếu Iran không thay đổi thái độ, thì sức ép trên đất nước này “chỉ có thể gia tăng mà thôi”.