Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 01 Tháng 7 Năm 2012 22:21

Miến Điện sắp chấm dứt kiểm duyệt báo chí

Người Philippines và Liên minh Tự do cho Miến Điện biểu tình trước sứ quán Miến Điện tại Manilla, 19/06/2012.
REUTERS/Romeo Ranoco

 

Vào tháng Bảy này, quốc hội Miến Điện dự kiến thông qua một đạo luật báo chí mới theo hướng giảm dần chế độ kiểm duyệt. Giám đốc Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí của chính quyền Miến Điện – cơ quan kiểm duyệt tối cao – đã chính thức xác nhận sự cáo chung của chế độ kiểm duyệt báo chí ngay trong tháng Sáu này.

Trong bối cảnh đó, Tờ The Nation tại Băngkok chú ý đến tập đoàn báo chí Eleven Media tại Miến Điện, cơ quan truyền thông tiên phong trong đấu tranh đòi tự do báo chí. Courrier International dẫn lại bài viết với hàng tựa : « Quyền tự do thông qua báo chí ».

Người sáng lập và đương kim chủ tịch của Eleven Media là ông Than Htut Aung.

Năm 1988, ông được nhận vào một trường Đại học tại Anh, nhưng chính phủ quân phiệt lúc bấy giờ không cấp passeport cho ông. Thế là ông lao vào kinh doanh ở tuổi 25. Việc buôn bán không suôn sẻ, ông bèn mở một tờ báo tuần mang tên First Eleven Sport Journal vào năm 2000.

Tờ báo mang tên thể thao, nhưng thực chất đã thông qua các tin tức thể thao để lồng vào các nhận định về thực trạng chính trị của Miến Điện. Vì thế, tuần san thể thao nhanh chóng thu hút độc giả quan tâm chính trị trong đất nước quân phiệt lúc bấy giờ.

Tại Miến Điện, các tờ nhật báo đều là báo nhà nước, còn báo tư nhân chỉ là tuần san.

Ông Htut Aung đã lách luật bằng cách thành lập thêm hai tuần san khác mang tên Premier Eleven Sport Journal và Weekly Eleven News Journal vào năm 2003 và 2005.

Sau năm 2005, quyền kiểm duyệt được chuyển từ Bộ Nội vụ sang Bộ Thông tin, và từ đó sự kiểm duyệt đở khắc khe hơn. Năm 2008, ông lại cho ra đời tạp chí Biweekly Eleven News Journal.

Tuyên truyền chống Trung Quốc

Sau cuộc bầu cử gây tranh cải Năm 2010, Eleven Media đã khéo léo đăng tải thông tin cổ vũ đối thoại giữa chính phủ Thein Sein và phe đối lập cùng với cộng đồng quốc tế.

Năm 2011, tập đoàn này lao vào một mặt trận mới: tuyên truyền phản đối dự án đập thủy điện Myistone, một dự án được cho có hại cho môi trường nhưng lại có lợi cho phía nhà đầu tư Trung Quốc.

Năm nay, nhân kỷ niệm 11 năm ngày ra đời Eleven Media, ông Than Htut Aung đã không ngại trực ngôn với chính phủ thông qua một loạt bài viết trong đó có đoạn: “Hồi thế kỷ 19, hai siêu cường lớn nhất là Anh và Pháp đã xâm lược Ấn Độ và Miến Điện.

 Thế kỷ 20 thì Hoa Kỳ xâm chiếm Việt Nam, Triều Tiên. Còn thế kỷ 21 này là đến lượt Trung Quốc tấn công. Chúng ta không thể nào để đất nước chúng ta rơi vào tay họ”.

Đối với tiến trình cải cách chính trị đang diễn ra tại Miến Điện, ông chủ tập đoàn Eleven Media tỏ ra nhiều hy vọng.

 Ông cho rằng nó chắn chắn hơn các nước của mùa xuân Ả Rập khác. Thế nhưng, không phải vì thế mà con đường phía trước hết chông gai. Dự luật báo chí được soạn thảo và sắp được mang ra trình quốc hội còn mang nhiều dấu vết xưa cũ, tức còn nhiều qui định khắc khe, bó buộc tự do báo chí và thiếu tính minh bạch.

 Ông Htut Aung hi vọng nhìn thấy báo chí Miến Điện được tự do như ở Thái Lan.

Hồi mới thành lập tạp chí đầu tiên, ê kíp của Eleven Media chỉ có 3 nhà báo.

Thế mà hiện tại, tập đoàn này có đến 4 tạp chí với 120 phóng viên. Ông Htut Aung hy vọng các nhà báo của ông và người dân tham gia cổ phần của tập đoàn. Ông cũng thông báo sẽ đưa Eleven Media lên sàn chứng khoáng vào năm 2016.

Giải thích cho động thái này, người sáng lập Eleven Media nói: “Mục đích không chỉ vì tiền. Không phải mình tôi làm chủ tập đoàn này, mà nó thuộc về toàn thể nhân dân Miến Điện, họ còn phải vượt qua nhiều khó khăn để giành được tự do và dân chủ”.

An toàn hạt nhân Nhật Bản còn nhiều vấn đề tồn tại

Trở lại việc chính phủ Nhật Bản cho tái vận hành hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Ohi tỉnh Fukui vừa qua, nhật báo Tokyo Shimbun tại Tokyo cho biết, quyết định được đưa ra bất chấp những hạn chế về an ninh hạt nhân.

 Courrier International trích lại bài viết này với dòng tựa: “Hạt nhân được áp đặt trở lại”.

Tờ báo nhắc lại, từ sau thảm họa Fukushima năm ngoái, Nhật Bản bắt đầu tìm cho mình hướng đi mới, tính mạng con người được ưu tiên hàng đầu, các khu vực có liên quan được xem xét qui hoạch lại để đối phó tốt hơn với thiên tai.

Tờ báo cho rằng, quyết định tái vận hành hai lò hạt nhân trong giờ phút này là một sai lầm của chính phủ. Sai lầm trước tiên là vì một nước Nhật mới mà mọi người đang tìm cách xây dựng vẫn chưa hình thành, thảm họa Fukushima vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo, chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm chính thức, chưa ai thật tình nhận lỗi.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bao gồm thủ tướng cùng hai vị bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp.

Theo tờ báo, như vậy, quyết định mang tính chính trị nhiều hơn, tức thiếu cơ sở khoa học. Bàn về cơ sở khoa học, tờ báo cho biết, quyết định dựa trên các kết luận an toàn của Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản, một cơ quan trực thuộc Bộ Kinh tế, thế thì làm sao người dân có thể hoàn toàn tin tưởng được.

Quyết định cũng dựa trên dự báo thiếu điện vào mùa hè của Công ty Kansai Electric Power (Kepto). Điều đáng chú ý đây là công ty quản lý điện lực của vùng Tây Nam Nhật Bản và là chủ sở hữu của nhà máy điện hạt nhân Ohi.

Tờ báo kêu gọi, Nhật Bản cần phải thoát khỏi tình trạng lệ thuộc thái quá vào điện hạt nhân.

Theo tờ báo, sự thịnh vượng kinh tế không phải dựa vào sản xuất điện hạt nhân, mà phải lấy sự bền vững làm ưu tiên, một cường quốc công nghệ như Nhật Bản phải biết đi đầu trong ngành năng lượng xanh.

Cuối cùng tờ báo nhấn mạnh, một cuộc sống đặt nền tảng trên tiền bạc không phải là một cuộc sống bền vững, mỗi người Nhật cần ý thức được tính cần thiết của việc thay đổi mô hình lệ thuộc thái quá vào điện hạt nhân như hiện nay.

Phải hiểu rõ thảm họa Fukushima và biết nghiêm túc rút ra những bài học xương máu để xây dựng một nước Nhật mới bền vững.

Mùa xuân Ả Rập có “bị đánh cắp”?

Là nước đi đầu trong làn sóng Mùa xuân Ả Rập vừa qua, Tunisia đã trở nên thế nào sau khi lật đổ tổng thống được cho là độc tài Ben Ali?

 Tạp chí Le Nouvel Obervateur góp phần giải đáp câu hỏi này qua bài viết: “Tunisia: thách thức của người Hồi giáo cực đoan Salafi”.

Phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi mang tư tưởng bảo thủ, muốn áp đặt kinh Coran trong hiến pháp, muốn trở về với những nguyên tắc cổ xưa nhất của Hồi Giáo, có thái độ thù nghịch đối với đạo Thiên Chúa và Phương Tây. Người thuộc nhánh này đang không ngừng gây khó khăn cho chính phủ lâm thời Tunisia.

Sự việc trở nên ồn ào kể từ cuộc triễn lãm bị phe Hồi giáo cực đoan cho là “làm phương hại đến các giá trị tôn giáo” hồi giữa tháng Sáu này.

 Tranh ảnh của triển lãm bị đốt, chính phủ phải can thiệp bằng cách phạt cả nhà tổ chức lẫn người gây rối. Chủ tịch đảng Hội nghị Cộng hòa (cánh Tả theo chủ nghĩa dân tộc) bị phe Salafi đe dọa chặt đầu do ông đã đứng về phía những người tổ chức triển lãm.

Thủ tướng lâm thời Caid Essebsi cũng bị phe Salafi kêu án tử vì đã bảo vệ cho chủ tịch kênh truyền hình Nesma, kênh đã phát hồi tháng 10 năm ngoái một bộ phim bị cho là xúc phạm tôn giáo.

Tờ báo dẫn lại ý kiến của nhiều người Salafi cho rằng, những kẻ phỉ bán tôn giáo phải bị tiêu diệt.

Đảng cầm quyền Ennahda là đảng Hồi giáo cực đoan, nhưng cũng bị phe cực đoan hơn chỉ trích là nhượng bộ trước sức ép của phương Tây nên chưa đưa được luật Charia vào hiến Pháp.

 Họ nói, đa phần người Tunisia theo luật Charia, đó là ý nguyện của dân, nếu bảo là dân chủ thì nhà nước phải tôn trọng ý nguyện này. Thậm chí họ còn cho rằng, người Hồi giáo Tunisia có truyền thống và luật lệ của họ, họ còn muốn xã hội Tunisia nghiêm túc tuân thủ luật mang khăn trùm Hồi giáo đối với phụ nữ.

Chính phủ lâm thời thuộc đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda đã phải dùng đến quân đội để kiểm soát tình hình.

Trong các cuộc biểu tình lên án cuộc triển lãm nêu trên, chính phủ đã cho bắt đến 200 người Salafi. Le Nouvel Observateur dẫn lại lời của quan chức Hồi giáo cực đoan tại Tunisia cho rằng, chính phủ của đảng Ennahda không nên đối đầu với những người Salafi, vì những người này là “nền tảng, là cách tay vũ trang” của Ennahda. Thậm chí người này còn đe dọa sẽ có thêm một cuộc cách mạng nữa nếu chính phủ tiếp tục “nhẹ tay với những kẻ bán bổ tôn giáo và mạnh tay với những tín đồ ngoan đạo”.

Tổng thống Tunisia lên án phe Hồi giáo cực đoan Salafi

Cũng bàn về tình hình Tunisia, tạp chí L’Express đăng bài phỏng vấn đương kim tổng thống Tunisia ông Moncef Marzouki, một nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền theo đường lối thế tục, vừa được quốc hội bầu làm tổng thống tháng 12 năm ngoái.

Trong bối cảnh đất nước bất ổn vì tôn giáo lẫn chính trị, người Hồi giáo Salafi muốn bảo vệ đến cùng các giá trị Hồi giáo xưa cũ, đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền thì muốn thiết lập một đạo luật trừng phạt các hành vi bị cho là làm tổn hại các giá trị tôn giáo thiêng liêng, tổng thống Marzouki tuyên bố rằng:

 Xã hội Tunisia không chấp nhận những người Hồi giáo cực đoan quá khích như Salafi.

Theo ông, Ennahda trước đây tưởng rằng là đại diện duy nhất của dòng tư tưởng Salafi, thế mà rốt cuộc họ cũng như những người bảo vệ dân chủ thế tục, chợt phát hiện ra có một dòng tư tưởng vô cùng cực đoan khác.

 Ông cho rằng, phong trào quá khích này có hại cho hình ảnh của Tunuisia trong mắt bạn bè quốc tế, xã hội và chính quyền bao gồm tất cả các đảng phái, kể cả Ennahda, không chấp nhận phong trào này.

Có phải hiện tại Tunisia đang bị phân thành hai cực đối lập, một cực sùng đạo và bảo thủ, một cực theo xu hướng hiện đại và có lập trường gần với phương Tây?

Trả lời cho câu này, ông Marzouki phân tích, ngay trong lòng phe thế tục cũng bị chia làm hai dòng, một kiên quyết đối đầu với phe Hồi giáo cực đoan để tiến đến hiện đại và dân chủ, một tìm cách hợp tác với họ để cùng xây nền dân chủ.

Ông nhấn mạnh, chọn cách chia quyền lực với Ennahda là bởi vì phe ông thấy rằng cần ra sức tìm được sự đồng thuận với bộ phận bảo thủ nhất trong xã hội, cụ thể là: Phe thế tục ủng hộ quan điểm bảo vệ “bản sắc Hồi giáo Ả Rập” của phe bảo thủ, còn phe bảo thủ có thể ủng hộ phe thế tục để xây dựng các giá trị dân chủ và nhân quyền.

Thủ tướng Merkel: Được lòng dân Đức, phật ý người Châu Âu

“Super Merkel”, đó là tựa đề bài viết đăng trên tạp chí L’Express giải mã về người phụ nữ đặc biệt này.

Dư luận Pháp nhìn chung cho rằng, bà Merkel mất uy thế chính trị lẫn trong nước cũng như trên chính trường Châu Âu. Thế nhưng, L’Express cho rằng, kết luận như vậy là vội vã.

Trước tiên, tờ báo thừa nhận uy thế chính trị của bà trong nước đã sụt giảm. Đảng Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc (CDU) của bà liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử gần đây.

 Ngay ở nghị viện, đảng bà cũng không còn đa số. Còn trong lòng liên minh chính trị của bà, sự chia rẻ giữa các đảng thành viên cũng đã bắt đầu.

Tóm lại, tờ báo cho rằng, có vẻ rằng người phụ nữ đầy quyền lực ngày nào giờ đây đã trở thành “một con cọp giấy”.

Tuy nhiên, L’Express cho biết, người phụ nữ bị thế giới bên ngoài ghét bỏ lại được lòng tin yêu của đa số dân Đức.

Trong bối cảnh khủng hoảng khu vực đồng euro, có đến 62% người Đức ủng hộ lập trường khắc khổ của bà.

Một tay xã luận của một tờ tuần báo tại Đức nhận định: Ở nước ngoài, từ Hy Lạp đến Hoa Kỳ, bà Merkel bị cho là người tàn bạo, chứ còn trong nước, nhiều người Đức ủng hộ bà trong lập trường: Chung sức cứu lấy Châu Âu, nhưng không phải chỉ sử dụng tiền của một mình nước Đức.

 Nói cách khác, sự khe khắt của bà trong việc cứu các nước khủng hoảng đã tạo ra trong mắt người dân Đức hình ảnh “một người không chấp nhận sự dể dãi”.

Nước nào đông dân thứ ba thế giới?

Cuối cùng là một câu hỏi dí dỏm đăng trên tạp chí Le Monde: “Ai là nước đông dân thứ ba thế giới?”.

Tờ báo trả lời, đó chính là quốc gia mang tên Facebook.

Nếu dựa vào dân số, Mỹ là nước đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc với 1,3 tỷ người và Ấn Độ với 1,2 tỷ người.

 Thế nhưng, quốc gia mang tên Facebook, dù vừa mới ra đời hồi năm 2004, đã có đến 901 triệu dân.

Theo dự báo từ đây đến tháng 8, con số này sẽ đạt 1 tỷ. Theo điều tra mới nhất được thực hiện hồi năm 2010, dân số Mỹ có khoảng gần 310 triệu người.

Còn đối với trang tiểu blog Twitter, tờ báo cho biết còn lâu “nước này” mới có thể cạnh tranh được bởi hiện tại chỉ có khoảng 140 triệu thành viên.