Hồi giáo cực đoan phá hủy 7 lăng mộ thánh nhân đạo Hồi tại Mali |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Ba, 03 Tháng 7 Năm 2012 15:06 |
Ansar Dine muốn áp đặt charia - luật Hồi giáo lên khắp lãnh thổ Mali
Thánh đường Sidi Yahia, Mali, nơi bị quân Hồi giáo cực đoan tấn công.
Theo AFP, hôm qua 02/07, lực lượng thánh chiến Hồi giáo thuộc tổ chức Ansar Dine tiếp tục phá hủy các cơ sở đạo Hồi tại vùng miền bắc Mali, ngay sau khi UNESCO xếp hạng « di sản thế giới bị đe dọa » đối với nhiều di tích. Ansar Dine còn gài mìn xung quanh thành phố Gao để đề phóng các tấn công của quân nổi dậy Touareg (MNLA) và lực lượng quân đội Tây Phi. Hôm qua, tại thành phố Tombouctou, một trong ba thành phố chính của miền bắc Mali, sau khi tàn phá 7 lăng mộ thánh nhân đạo Hồi trên tổng số 16 lăng, lực lượng Ansar Dine – thân cận với Aqmi (tức Al-Qaida của vùng Bắc Phi theo đạo Hồi) – tiếp tục phá tan cửa vào của Sidi Yahia, một trong ba thánh đường lớn nhất thành phố này. Quân Ansar Dine bắt đầu phá hủy 3 lăng mộ đầu tiên vào ngày 30/06, sau khi người cuối cùng của lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc Touareg rút khỏi thành phố ngày 29/06. Ngày hôm nay, thứ ba 03/07, quân Hồi giáo cực đoan đã ngừng phá hủy các lăng mộ và thánh đường. Các thành viên nhóm Ansar Dine cũng yêu cầu các thương nhân không tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, trước các cuộc tấn công có thể xảy ra của quân Touareg và quân đội Tây Phi. Một thành viên gia đình giáo sĩ nói, đã hỏi chuyện các binh sĩ lực lượng Hồi giáo cực đoan, và được biết sở dĩ họ làm như vậy là để chứng minh một niềm tin lâu đời của các cư dân ở đây là không đúng. Theo đức tin truyền thống ở địa phương, nếu có người mở cánh cửa vừa bị phá, thì đó sẽ là ngày tận thế của nhân loại. Còn theo ông Ahmedou Ould-Abdallah, người Mauritania, giám đốc Trung tâm chiến lược và an ninh vùng Sahel và Sahara, hành động của Ansar Dine nhằm 3 mục tiêu : làm cho dân chúng sợ hãi ra đi, gây tiếng vang trên truyền thông để tuyển mộ các tân binh và kích động tinh thần của các chiến binh Hồi giáo. Theo AFP, hành động phá phách này của lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine được coi là nhằm « trả đũa » quyết định của Unesco, ngày 28/06, đưa các di sản ở Tombouctou, được mệnh danh là « thành phố của 333 vị thánh » vào danh sách « di sản thế giới bị đe dọa ». Ba thánh đường lớn nhất của Tombouctou, trong đó có thánh đường Sidi Yahia có cửa vừa bị phá, nằm trong danh sách bảo vệ của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ. Ba thánh đường của thành phố Tombouctou được coi là những viên ngọc của nền kiến trúc khu vực. Hiệp hội các lãnh đạo tôn giáo Mali, trong một thông điệp ngày chủ nhật 01/07, đã lên án « tội ác ở Tombouctou » và khẳng định, « chính nhà tiên tri Mahomet đã từng tới thăm các lăng mộ này. Đây là một hành động cuồng tín ». Thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế Fatou Bensouda nói, hành động của Ansar Dine có thể coi như là một « tội ác chiến tranh ». Hoa Kỳ, Nga, Tổ chức hợp tác Hồi giáo gồm 57 quốc gia, Khối Pháp ngữ… cũng đồng loạt lên án hành động này. Vụ Hồi giáo cực đoan phá hủy các di tích tôn giáo ở Mali nhắc lại việc quân Taliban và Al-Qaida phá hủy các bức tượng Phật ở Bamyan, Afghanistan năm 2001. Xin nhắc lại là, lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine, cùng Mujao (Phong trào vì sự Thống nhất và Thánh chiến Tây Phi) đã lợi dụng cú đảo chính quân sự tại Bamako ngày 22/03/2012 để xâm chiếm miền bắc Mali, đẩy bật lực lượng ly khai Touareg, nổi lên từ trước cuộc đảo chính. Ansar Dine muốn áp đặt charia - luật Hồi giáo lên khắp lãnh thổ Mali. Hiện tại, Hội đồng Bảo an LHQ đang xem xét một dự thảo cho phép triển khai quân đội Châu Phi tại Mali để lập lại hòa bình. Cedeao – Cộng đồng Kinh tế Tây Phi - đang chuẩn bị từ nhiều tuần nay, gửi một lực lượng khoảng 3.300 binh sĩ tới Mali. Tuy nhiên, Cedeo phải đợi Hội đồng Bảo an bật đèn xanh. |