Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 04 Tháng 7 Năm 2012 10:51

Nga muốn tìm lại tham vọng thời Hồng quân Liên Xô

Ngân sách mà ông Putin muốn dành cho chương trình hiện đại hóa quân đội Nga lên đến gần 600 tỷ euro (REUTERS)

 

Từ đây trong vòng 10 năm, quân đội Nga sẽ phải được trang bị 400 tên lửa đạn đạo, 8 chiếc tàu ngầm chiến lược, 20 chiếc tàu ngầm đa năng, 50 tàu chiến, hàng trăm thiết bị không gian, 600 chiến đấu cơ hiện đại, 1000 chiếc trực thăng, 28 giàn pháo mới.

 Đây là những gì mà tổng thống Putin đã hứa trong một kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng.

Đề tài này được nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh qua bài phóng sự đề tựa « Tìm lại tham vọng thời Hồng quân Liên Xô ».

Ngân sách dành cho chương trình cải cách lên đến 23 ngàn tỷ rúp (gần 600 tỷ euro), trong đó 10% ngân sách dùng để hiện đại hóa các nhà máy quốc phòng. Tuy nhiên, chương trình cải cách rộng lớn của Nga còn đang vấp phải nhiều khó khăn như nạn tham nhũng hay thiếu nhân sự.

Phó đô đốc Sergei Skorniakov tỏ ra hồ hởi trên chiếc chiến hạm mới Iaroslav Moudri vừa được hạ thủy tại khu căn cứ thủy quân Kaliningrad, nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và Litunia.

Chiếc chiến hạm được trang bị dàn tên lửa tầm ngắn Iskander và 400 dàn pháo phòng không S-400 mới, được xem như là biểu tượng cho sự « hồi sinh » của hải quân quốc gia.

Một điểm mới là đại bộ phận nhân sự trên chiếc chiến hạm này đều được ký hợp đồng chứ không phải bị gọi nhập ngũ. Lương của chỉ huy và các binh sĩ được tăng gấp đôi. Và ai cũng tỏ ra rất hài lòng vì cảm thấy được tôn trọng nhờ vào các biện pháp cải cách quân đội của ông Putin.

Tuy nhiên, chiếc chiến hạm này cũng bao quát hết các giới hạn của kế hoạch hiện đại hóa quân đội : nặng 4500 tấn, được trang bị các loại vũ khí nặng, xuất xưởng năm 2008, nhưng lại được thiết kế theo mô hình thời Xố Viết cũ.

 Phòng chỉ huy được trang trí một hình ngôi sao đỏ rực, biểu tượng của thời Liên bang Xô viết. Trên chiếc chiến hạm này, có rất ít máy vi tính. Và các thiết bị viễn thông dường như lấy từ một chiếc tàu cũ kỹ.

Kìm hãm tham nhũng

Theo nhiều chuyên gia, kế hoạch thực hiện khó có thể mà được tuân thủ. Bởi vì, Nga vẫn chưa thoát ra được những tàn tích của thời Xô viết cũ. Tầm mức của dự án lại vượt quá khả năng thực hiện. Ngược lại, một số chuyên gia khác nghĩ là Nga vẫn có thể thực hiện được đến 50% dự án với điều kiện việc kiểm soát chi tiêu phải có hiệu quả.

 Một trong những trở ngại lớn cho sự hiện đại hóa quân đội chính là nạn tham nhũng, đến mức mà một vị thẩm phán quân sự phải cho là « quá sức tưởng tượng ».

Việc ấn định giá gọi thầu không rõ ràng đã tạo cơ hội làm giàu cho không ít cá nhân. Để hạn chế tệ nạn này, kể từ giờ, Bộ quốc phòng yêu cầu phải thông báo cụ thể chi phí sản xuất trước khi trả tiền. Và nhằm tránh tình trạng lạm dụng, điện Kremlin muốn hạn chế khả năng sinh lợi ở mức 20% (25% trong lãnh vực hàng hải).

Khó khăn cải cách quân đội còn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, hoàn cảnh lịch sử cũng là một phần.

Ngay khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ngành công nghiệp quốc phòng cũng vỡ vụn ra thành nhiều doanh nghiệp nhỏ mà cho đến giờ nhà nước vẫn chưa xác định danh tính được các chủ nhân.

Nếu như điện Kremlin có ý định tập hợp các doanh nghiệp này lại thành một tập đoàn khổng lồ, thì theo nhiều chuyên gia, Nga nên « tư hữu hóa, xác định rõ các ưu tiên của mình và tài trợ theo từng dự án hơn là tạo ra những tập đoàn lớn ».

Một lý giải khác nữa là ngành công nghiệp quốc phòng Nga thiếu các kỹ sư và kỹ thuật viên trong độ tuổi 30-40. Đó là chưa nói đến việc thiếu các nhà quản trị giỏi. Trong khi đó, nhiều chuyên gia giỏi đã rời bỏ để đầu quân cho các lãnh vực khác với mức lương hậu hĩnh hơn.

 Công nghiệp vũ khí không còn thu hút những người có bằng cấp cao từ các học viện lớn nữa như dưới thới Liên Bang Xô Viết. Kết quả là : ít có sự cải tiến.

Cuba e dè mở cửa cho khối tư nhân

« Cuba e dè mở cửa cho khối tư nhân » là tựa đề bài nhận định đăng trên nhật báo công giáo La Croix. Một mặt, nhà nước kêu gọi đầu tư tư nhân trong các lãnh vực nông nghiệp hay du lịch. Mặt khác, chính quyền cũng sẽ giảm bớt số lao động trong khối công.

 Từ đây cho đến 2015, La Habana dự định sẽ giảm bớt một triệu người trên tổng số 5 triệu công chức. Điều đáng chú ý là Cuba chỉ mở cửa tự do kinh tế nhưng không có nới lỏng chính trị.

Kể từ năm 2011, tại Cuba, việc trồng trọt trên chính mảnh đất của mình hay bán thực phẩm trong các tiệm cà phê không còn là một chuyện công nữa.

Theo con số thống kê của Bộ Lao động Cuba, chính sách tự do hóa nền kinh tế do chủ tịch Raul Castro đưa ra vào năm 2006 cho phép khoảng 400 ngàn người sinh sống nhờ vào chínhcác hoạt động tư của mình.

Từ đây cho đến cuối năm, mục tiêu của chính quyền La Habana là làm sao đạt được con số 600 ngàn lao động trong khối tư nhân. La Croix nhận xét :

 « một sự thay đổi quan trọng tại một đất nước từ lâu luôn từ chối sự trỗi dậy của khối tư nhân trong nền kinh tế đất nước ».

Các con số nêu trên là một trong những minh họa đầu tiên cho làn sóng cải cách kinh tế được đưa ra thử nghiệm vào năm 2006, sau đó được Đảng cộng sản Cuba (PCC) hợp thức hóa vào tháng giêng năm nay.

La Croix trích dẫn nhận xét của ông Jean-Jacques Kourliandsky, nhà nghiên cứu thuộc Học viện quan hệ Quốc tế và chiến lược, và cũng là một chuyên gia về châu Mỹ la-tinh, cho rằng với sự mở cửa này, các doanh nghiệp gia đình nhỏ trong các lãnh vực nông nghiệp và du lịch, sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên.

Hiện tại, chính phủ Cuba đang bên bờ vực phá sản.

 Nhà nước không còn khả năng để chi ra 1,1 tỷ euro/ năm để tuyển dụng 90% dân số lao động. Như vậy, từ đây cho đến năm 2015, ông Raul Castro muốn giảm một triệu nhân viên trong khối công, khi khuyến khích các công chức đến làm việc trong lãnh vực tư nhân, như nông nghiệp chẳng hạn vốn bị bỏ rơi từ nhiều thập niên nay. Một mục tiêu đầy tham vọng bởi vì tại Cuba hiện nay có đến năm triệu công chức, trên tổng số dân là 11 triệu người.

Thế nhưng, La Croix nhận thấy rằng mở cửa kinh tế nhưng chính trị thì không.

Chính phủ e ngại sự tự do ngôn luận có thể sẽ dẫn đến một sự bùng nổ xã hội. Ông Jean-Jacques nhận xét : « Cuba phát triển hệ thống theo kiểu Trung Quốc, tự do kinh tế nhưng không có tự do chính trị ».

Tuy nhiên, theo La Croix, Cuba vẫn chưa thể nào đạt được sự tự do hóa nền kinh tế.

Cũng theo nhà khoa học Jean-Jacques, thì « 400 ngàn lao động trong lãnh vực tư nhân trên tổng số 5 triệu công chức vẫn quá thấp. Bởi vì, ngay trong lòng nội bộ Đảng, những người kỳ cựu đang tiếp tục kháng cự ». Chính là những người thân cận của Fidel Castro đang kìm hãm tiến trình cải cách do chính người em út của mình đưa ra.

Nên nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên Cuba lao vào phong trào tự do hóa nền kinh tế. Ông Jean-Jacques Kourlandsky nhắc lại : « vào đầu những năm 1990, khi Liên bang Xô viết Nga sụp đổ, Cuba đã từng thực hiện mở cửa nền kinh tế. Nhưng ngay khi những dấu hiệu bất công đầu tiên xuất hiện, ngay tức thì Nhà nước lùi bước. Do đó, nếu lần này, một viên bác sĩ công chức lương tháng thấp hơn một người bán rau quả tư nhân, các biện pháp cải cách này cũng sẽ trôi theo dòng nước ».

Carrefour của Pháp tuân thủ các đòi hỏi của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Về thời sự châu Á, nhiều báo Pháp quan tâm đến tình hình chính trị - xã hội Trung Quốc.

Liên quan đến chủ đề chính trị, báo Le Monde chú ý đến một hiện tượng kỳ khôi là tất cả các công ty tư nhân hay nước ngoài đều phải có một chi bộ Đảng. Đề tài này được báo Le Monde phản ảnh qua bài viết đề tựa « Carrefour tuân thủ các đòi hỏi của Đảng Cộng sản Trung Quốc ».

Le Monde trích dẫn nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Carrefour vừa cho thành lập các chi bộ Đảng tại các nhánh siêu thị của mình.

Theo nguyên tắc, tất cả những gì có dính dáng đến một tổ chức (đại học, trường học, làng xã, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, lớn hay nhỏ, của Trung Quốc hay của nước ngoài) đều phải có một chi bộ Đảng. Ngay cả chính Walmart – chuỗi siêu thị của Mỹ - cũng phải nhượng bộ vào tháng 8 năm 2006.

Phát ngôn viên của Carrefour xác nhận sự việc và cho rằng đấy là một thực tế rất phổ biến tại Trung Quốc. Ngay cả Nokia hay Hyundai cũng phải thực hiện. Người này cũng khẳng định là từ lâu ban lãnh đạo Carrefour cũng nhận thấy « tầm quan trọng của các chi bộ Đảng nhằm khuyến khích văn hóa doanh nghiệp và nhằm củng cố các mối quan hệ giữa các nhân viên ».

Le Monde nhắc lại vào tháng ba vừa qua, Carrefour buộc phải tạm thời đóng cửa một siêu thị tại Trịnh Châu do bị cáo buộc dán nhãn mác dối trá trên thịt gà.

Le Monde cho rằng tốt hơn hết là nên tỏ vẻ ngoan ngoãn đối với các quan chức địa phương. Chẳng hạn như là vào năm 2008, Carrefour đã bắt đầu đề nghị các nhân viên thu ngân phải trang phục áo màu đỏ sau khi có lời kêu gọi tẩy chay vào thời điểm quan hệ Pháp – Trung bất hòa.

Le Monde hỏi « họ làm cái gì trong chi bộ Đảng ? ».

Theo bài phỏng vấn đăng trên China Daily, thì cách đây một năm, chi bộ Đảng tại Alcatel-Lucent Shanghai Bell, « tổ chức đi trồng cây vào các cuối tuần và tặng quà cho các trường học ở nông thôn ». Tại Bosh Automotive Diesel System, chi bộ đề nghị đi leo núi.

Le Monde tự hỏi “Liệu người ta có thể phản đối được việc thành lập chi bộ Đảng được không?”.

Chủ nhân của một tập đoàn lớn của Đức, cũng từng bị gợi ý cách đây vài năm đã thẳng thừng từ chối. Ông nói: “Công đoàn, điều đó là bình thường, nhưng tại sao các chi bộ Đảng? Các nhân viên Đức chắc là sẽ không đến thành lập đảng CDU tại Thượng Hải.”

Chùa Phật giáo Trung Quốc sắp lên sàn chứng khoán

Bạn sẽ nghĩ gì nếu một ngôi chùa Phật giáo sẽ niêm yết giá trên sàn chứng khoán?

 Đây không phải chuyện tiếu lâm mà là chuyện có thật tại Trung Quốc. Một sự kiện đang gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc. Câu chuyện được đăng trên tờ Le Figaro trên chuyên mục “câu chuyện hàng ngày”.

Đối với Trung Quốc, chùa lên sàn chứng khoán không có vấn đề gì cả! Ngôi chùa đó nằm ở tỉnh Chiết Giang – cái nôi của lãnh vực tư nhân, nơi mà những doanh nghiệp tư đầu tiên được thành lập vào năm 1980. Đây cũng là nơi ngự trị của một trong bốn ngọn núi Phật giáo thiêng liêng nhất của đất nước, ngọn núi Phổ Đà, nơi mà Phật Bà Quan Thế Âm đến đọc kinh cho các em nhỏ.

Ngày nay, bức tượng mạ vàng to lớn có khả năng sẽ trở thành biểu tượng cho sự phồn vinh kinh tế, với mức giá lên đến 118 triệu đô-la.

Trên thực tế, Công ty Phát triển Du lịch Phổ Đà Sơn dự định sắp đến sẽ đưa lên sàn chứng khoán để “khuếch trương tiếng tăm của điểm du lịch trên cả nước”.

 Nếu như chính quyền địa phương ủng hộ dự án, thì các quan chức phụ trách về tôn giáo lại phản đối. Theo ông Lưu Vĩ, phụ trách Ban Trị sự tôn giáo chính phủ chưa có một điểm tôn giáo nào trên thế giới nộp hồ sơ lên sàn chứng khoán. Ông cho rằng chiến dịch sẽ đụng chạm đến sự nhạy cảm của những người theo đạo Phật.

Về phần các quan chức của Phổ Đà Sơn, họ phản bác lại rằng kế hoạch đã được suy nghĩ rất kỹ càng.

 Hiện tại, tranh luận cũng chỉ mới bắt đầu. Nhưng cũng đã có hai ngọn núi khác cũng bắt đầu rục rịch cho việc lên sàn. Thời buổi chứng khoán, nên Thần Thánh cũng phải lên sàn thôi !