Chuyên gia Việt Nam đòi tăng quyền lực cho chủ tịch nước |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 04 Tháng 7 Năm 2012 11:49 |
Nắm các bộ công an, quốc phòng và ngoại giao HÀ NỘI (NV) -Có dấu hiệu như một sự trắc nghiệm dư luận hoặc lộ diện rõ rệt hơn về sự tranh giành quyền lực ở thượng tầng chính trị tại Việt Nam giữa Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tứ đầu chế trong hệ thống quyền lực CSVN trong ngày đại hội đảng 19 tháng 1, 2011. Từ trái qua phải ở hàng đầu: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Một bản tin tường thuật cuộc hội thảo chính trị ở Hà Nội hôm Thứ Hai về sửa đổi Hiến pháp trong đó một số người đề nghị “cần tăng quyền lực thực tế cho chủ tịch nước”. Bản tin của 2 báo Tiền Phong và Dân Trí đã bị lấy xuống ngay khi xuất hiện trên mạng chứng tỏ đề tài thuộc loại cấm kỵ loan truyền trên hệ thống báo chí chính thống của nhà nước. Báo Tiền Phong thuật lời ông Phạm Hồng Thái, giáo sư tiến sĩ ‘chủ nhiệm khoa Luật’ của trường Ðại Học Quốc Gia Hà Nội chỉ trích bản hiến pháp hiện nay cho ông chủ tịch nước có “quyền lực rất hạn chế, chỉ mang tính hình thức”. Trong khi đó, thủ tướng cầm đầu chính phủ lại “rất nhiều quyền”. “Việc trao cho chính phủ quyền lực lớn như vậy mà không có cơ chế để kiểm soát quyền lực hữu hiệu sẽ dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm của bộ máy hành pháp”, ông Phạm Hồng Thái phê bình. Ông này cho rằng nếu chức vụ chủ tịch nước là người đứng đầu của nhà nước, “thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì thiết chế này phải được nắm các bộ công lực gồm Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao, còn thủ tướng chính phủ nắm những bộ còn lại và quản lý chính quyền địa phương.” Khác với ý kiến của ông Thái, bà Lưu Thiên Hương, phó giáo sư tiến sĩ của ‘Học Viện Chính Trị-Hành Chính Quốc Gia’ lại muốn ông chủ tịch nước phải giống như một thứ ông chủ ngồi trên đầu cơ quan lập pháp có thực quyền mà không phải chủ tịch Quốc Hội bù nhìn. “Chủ tịch nước nên sửa đổi hẳn theo hướng chủ tịch nước là người đứng đầu chính phủ - cơ quan hành pháp nhưng có tính độc lập tương đối đối với thủ tướng và các thành viên chính phủ.” Bà Hương nói: “Cụ thể, chủ tịch nước chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động ban hành chính sách, thủ tướng chịu trách nhiệm liên quan các hoạt động điều hành chính sách.” Bà này nói thêm rằng “để đảm bảo tính thực quyền của chủ tịch nước, Hiến pháp cần trao cho chủ tịch nước quyền phủ quyết các dự luật của Quốc Hội”. Trong khi đó, vẫn theo bài tường thuật của tờ Tiền Phong “G.S. TSKH Lê Cảm (Ðại Học Quốc Gia Hà Nội) đề nghị sửa đổi Hiến pháp theo hướng nhân dân sẽ bỏ phiếu bầu trực tiếp chủ tịch nước.” Những ý kiến trên nếu được nghe theo, đều dẫn đến sự biến dạng hay mất sự thống trị độc quyền của đảng CSVN như hiện nay. Quốc Hội CSVN hai nhiệm kỳ vừa qua có một số lần đề cập tới nhu cầu sửa đổi hiến pháp vì thấy không còn thích hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều chí cốt vẫn là không đụng chạm đến điều 4 của bản hiến pháp 1992 dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN. Những ai kêu gọi bỏ điều 4 Hiến pháp CSVN đều bị bỏ tù hay quản chế như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, và nhiều người khác. Trong kỳ họp trung ương đảng giữa tháng 5 năm 2012, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn cả quyết “Ðảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Tức là sẽ không có sửa đổi Hiến pháp gì đụng chạm đến điều 4. Khi còn làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết từng tuyên bố “Bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát” khi nói với cán bộ của “Quân ủy trung ương” hồi tháng 8 năm 2007. Dư luận nhiều lần đề cập đến sự tranh giành quyền lực ngấm ngầm giữa ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn tuần trước, ông Trương Tấn Sang gián tiếp quy tội bao che thuộc cấp làm bậy suốt một thời gian dài khi nêu trường hợp Cục Trưởng Cục Hàng Hải Dương Chí Dũng bỏ trốn. Thanh tra chính phủ công bố bản báo cáo trước khi ông này bị truy tố xác định khi ông Dương Chí Dũng còn là chủ tịch tổng công ty tàu biển Vinalines đã làm trái quy định gây thất thoát cho ngân sách hàng triệu đô la. Trước vụ Vinalines, tháng 11 năm 2010, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải xin “nhận trách nhiệm” trước Quốc Hội về sự sa lầy của tập đoàn đóng tàu Vinashin. Những kẻ cầm đầu tập đoàn này đã bị những bản án hình sự tối đa tới 20 năm vì “làm trái quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng”. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm trên hết là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chỉ nói có vài câu qua loa ở Quốc Hội là xong. Ðiều này chứng tỏ uy thế và phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng trong đảng CSVN vẫn ăn trùm những người kia trong Bộ Chính Trị. (T.N.)
|