Home Tin Tức Thời Sự Lào bị chỉ trích về sông Mekong

Lào bị chỉ trích về sông Mekong PDF Print E-mail
Tác Giả: Jonah Fisher / BBC News, Bangkok   
Thứ Năm, 05 Tháng 7 Năm 2012 12:52

 Một dự án có thể vĩnh viễn thay đổi Đông Nam Á đang bước vào hoạt động

 

 

 Tại một thung lũng bụi bậm ở Lào, một đất nước không tiếp giáp biển, một dự án có thể vĩnh viễn thay đổi Đông Nam Á đang bước vào hoạt động.

 

Bất chấp những phản đối từ các nước hạ nguồn và cảnh báo của các khoa học gia, một công ty xây dựng đang bắt đầu xây dựng con đập đầu tiên chắn ngang nhánh sông của một trong những con sông lớn nhất thế giới.

Về mặt chính thức, chính phủ Lào cho biết họ chưa quyết định liệu có xây đập trên sông Mekong ở Xayaburi hay không - nhưng mọi bằng chứng lại cho thấy một điều hoàn toàn khác.

Hồi tháng Tư, một hợp đồng nhiều tỷ đô la được ký với một công ty của Thái Lan, CH Karnchang, để xây con đập này.

Họ đã không để phí thời gian và tại địa điểm này xe tải qua lại tấp nập trên những con đường mới xây và hàng đống sỏi đá nằm dọc hai bờ sông.

Những căn nhà mới được dựng lên cho những người sẽ định cư tại đây.

Chính phủ Lào từ chối không cho phép BBC tới Xayaburi để tự mình nhìn thấy nhưng chúng tôi đã nhận được ảnh chụp hồi tháng Sáu từ tổ chức vận động bảo vệ môi trường, International Rivers - tổ chức Những dòng sông quốc tế.

Họ đã thuê một con thuyền để bí mật quay phim và chụp ảnh công việc xây dựng này.

"Ở địa điểm xây đập, chúng tôi nhìn thấy hàng chục xe xây dựng, một bức tường bê tông lớn được xây và dân làng khẳng định là dòng sông đã được mở rộng," ông Kirk Herbertson thuộc tổ chức International Rivers nói.

"Những gì chúng tôi thấy từ đó là việc chuẩn bị xây dựng đã hoàn tất và hoạt động xây dựng chính thức toàn diện đang bắt đầu được tiến hành."

'Thiệt hại'

Lào nói rằng công việc tại địa điểm đó chỉ là sơ khởi trong trường hợp dự án xây đập được phê chuẩn.

Họ nói tất cả những gì đã làm chỉ là làm đường xá, xây dựng trại cho công nhân và thực hiện khảo sát địa chất trên một phần lòng sông.

"Công việc xây dựng đó không hể ảnh hưởng tới sông Mekong - vốn thực sự là nguồn sống" của Lào, Viraphonh Viravong từ Bộ Năng lượng và Hầm mở của nước này nói với BBC.

"Bất cứ gợi ý nào rằng chính phủ Lào sử dụng sai trái hoặc cố tình làm hại tới dòng sông chỉ đơn giản là một điều thực sự vô lý."

Xe xây dựng được thấy tại Xayaburi, Lào

 

Chúng tôi đưa những bức ảnh mà tổ chức International Rivers chụp tại địa điểm này cho ông Jeremy Carew-Reid, một chuyên gia về sông Mekong và về đập thủy điện.

"Một điều rõ ràng là công ty này chỉ đang xây dựng trước toàn bộ phần vành đai của đập," he said.

"Chắc chắn là đang có xây dựng nền tảng ở khu vực dòng chảy chính cách bờ.

"Vậy là họ chuyển từ việc chỉ xây dựng đường ra vào sang xây tường móng và phần nền trên lòng sông để máy nạo vét có thể làm việc."

Cách đây hai năm, ông Carew-Reid đã dẫn đầu một toán các nhà khoa học thực hiện một trong những nghiên cứu toàn diện nhất từng được tiến hành trên sông Mekong.

Bốn con đập đã được xây dựng tại những đoạn sông hẹp ở thượng nguồn sông Mekong nhưng cho tới nay chưa có con đập nào ở phần hạ nguồn có dòng chảy chậm hơn của con sông này.

Nay, một phần được cổ vũ bởi dòng chảy được điều chỉnh đều hơn do các con đập của Trung Quốc, 12 dự án thủy điện do tư nhân đầu tư, trong đó có đập Xayaburi, đã được đề xuất.

Trong vòng 16 tháng thực hiện nghiên cứu, toán các nhà khoa học của ông Carew-Reid đã cố gắng đánh giá những ảnh hưởng có thể có của những con đập này.

Phát hiện chính từ Đánh giá môi trường có tính chiến lược của Thủy điện trên sông Mekong đó là những con đập này có nhiều khả năng sẽ gây ra "những thiệt hại nghiêm trọng không thể đảo ngược tới môi trường", và họ biện hộ cho việc trì hoãn các dự án đó trong 10 năm

Bản phúc trình tiên đoán rằng đập sẽ góp phần làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng giữa các nước hạ nguồn lưu vực sông Mekong với các gia đình nghèo hơn dọc bờ sông sẽ phải chịu những ảnh hưởng tai hại trong khi chỉ những người giàu được hưởng các lợi ích.

Bất ổn

Sông Mekong và các nhánh của nó tạo nên nguồn đánh bắt cá sông lớn nhất thế giới và bản phúc trình dự báo rằng nhiều giống thủy sản sống bằng di cư như loài cá heo Irrawaddy có thể bị đẩy tới chỗ tuyệt chủng vì các con đập này.

Tình trạng lượng cá dự trữ sụt giảm và những rào cản đối với dòng chảy phù sa có hậu quả tiêu cực cho an ninh lương thực của hàng triệu người sống phụ thuộc vào sông Mekong, bản phúc trình viết.

Trên hết thì bản phúc trình nêu rằng có rất nhiều điều không chắc chắn đang rất cần được nghiên cứu thêm.

Trì hoãn là điều chính phủ Lào không hề muốn.

Là một nước nhỏ, không có biển và tụt hậu rất xa so với các quốc gia láng giêngf đang phát triển nhanh chóng, Lào có tham vọng xây tám con đập do tư nhân sở hữu cắt ngang dòng sông Mekong và bằng cách xuất khẩu điện, Lào sẽ trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á".

Người ta cho rằng xây đập Xayaburi sẽ phải mất 8 năm.

Nhu cầu điện của chính Lào còn khá nhỏ vì thế nguồn tài chính cho xây đập Xayaburi được bảo đảm từ một lời hứa của Thái Lan rằng họ sẽ mua 95% lượng điện của nhà máy thủy điện này.

"Chúng tôi thấy chỉ có ba nhóm người được lợi từ con đập này," Montree Chantawong, một nhà vận động từ tổ chức bảo vệ môi trường của Thái Lan, Quỹ Phục hồi sinh thái (Foundation for Ecological Recovery), nói - "những người xây dựng đập, chính phủ thu tiền từ đập và ngân hàng cho vay tiền xây đập."

Đã có các cuộc biểu tình của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng tại cả Thái Lan và Campuchia và tuần tới một đơn kiện chính phủ Thái cáo buộc chính phủ đã bí mật thỏa thuận mua điện từ Xayaburi sẽ được đề trình ra tòa.

Vào khi tin đồn về việc xây đập Xayaburi ngày càng lan ra, quan hệ giữa Lào và các nước láng giềng ở hạ nguồn đang tồi tệ đi.

Hồi năm 1995 bốn nước chia vùng hạ lưu sông Mekong đã ký một thỏa thuận hứa sẽ tham vấn lẫn nhau về cách thức họ sử dụng dòng sông như thế nào và họ đã cùng nhau thành lập Ủy Ban sông Mekong (MRC).

Họ đã đặt làm bản phúc trình Đông Nam Á năm 2010 và có nhiệm vụ không mong muốn là tìm cách cung cấp một diễn đàn cho các cuộc thảo luận về các dự án trong tương lai.

Ban thư ký của Ủy ban sông Mekong đặt tại thủ đô Vientiane của Lào nhưng cũng giống như BBC đã không được phép tới thăm và xác minh các tin về công việc xây dựng tại Xayaburi chỉ cách thủ đô 350km.

"Tôi mới chỉ được xem các bức ảnh," Hans Guttman, Giám đốc điều hành MRC, nói, "và rất khó có được một bức tranh toàn cảnh rõ ràng."

Ông nói thêm là "không có một định nghĩa nhất định" về cái gì thì được coi là bắt đầu việc xây dựng một con đập.

Cả Campuchia và Việt Nam nay đang đặt làm phúc trình riêng của mình về những ảnh hưởng có thể có vì xây đập trên sông Mekong.

Nếu việc xây dựng cứ tiếp tục người ta cho rằng sẽ mất tám năm để hoàn thành đập Xayaburi. Một khi rào cản đối với việc xây dựng con đập đầu tiên được vượt qua thì người ta cho rằng một điều không tránh khỏi là những con đập khác sẽ nối gót.

Một trong những dòng sông hoang dại nhất thế giới có thể sẽ chỉ còn vài năm cuối cùng hưởng tự do.