Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-07-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Hai, 09 Tháng 7 Năm 2012 11:52 |
Pháp : Con đường cải cách còn lắm gian nan
Tổng thống Pháp François Hollande (thứ 2 từ phải qua) và thủ tướng Jean-Marc Ayrault (thứ 3) gặp đại diện các công đoàn tại Hội nghị Xã hội, Paris, 09/07/2012 Tại Pháp, từ khi đắc cử, tổng thống Francois Hollande của đảng Xã Hội không ngừng có những cải cách theo hướng tả các chính sách của tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc cánh hữu. Trong khuynh hướng đó, hôm nay 09/07/2012 và ngày mai, sẽ diễn ra một hội nghị giữa chính phủ và 5 nghiệp đoàn lao động và 3 nghiệp đoàn giới chủ. Báo chí Pháp tập trung nhiều cho chủ đề này. Nhật báo cánh tả Libération có bài viết chạy tựa : « Nước Pháp đặt những vết thương lên bàn đàm phán ». Tờ báo nhận định, nhiệm kỳ 5 năm của người tiền nhiệm đánh dấu mối quan hệ giông bão giữa nhà hành pháp và các tổ chức nghiiệp đoàn, do vậy, tân chính phủ quyết định tổ chức một đại hội nghị để mổ xẻ về 7 hồ sơ xã hội chính : Việc làm, đào tạo, lương, khôi phục sản xuất công nghiệp, bình đẳng nam nữ trong công việc và các dịch vụ công. Mục đích không phải là đạt được kết quả cuối cùng, mà là cố gắng đạt được đồng thuận và thiết lập một chương trình hành động cho mỗi hồ sơ. Tờ báo cho biết, tân chính phủ muốn tái lập nền dân chủ xã hội, nên đã dùng chữ «Hội nghị xã hội » (conférence sociale) thay vì « Thượng đỉnh xã hội » (Sommet social) như dưới thời ông Sarkozy. Chính phủ mới tuyên bố muốn thảo luận với các tổ chức xã hội một cách nghiêm túc, chứ không phải là tổ chức suông các cuộc hội nghị với kết quả đã được thỏa thuận trước trong hậu trường, giống như thời ông Sarkozy. Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng là một biểu hiện về sự tái cân bằng quyền lực giữa tổng thống và thủ tướng, bởi vì trong hội nghị, ông Hollande sẽ chỉ đề ra những nét lớn với tư cách là tổng thống, còn ông Ayrault sẽ trực tiếp điều hành hội nghị trong tư cách thủ tướng. Trong bài xã luận mang tên : « Sự minh bạch », Libération đặt nhiều câu hỏi, làm sao biến giai đoạn khủng hoảng thành giai đoạn ưu tiên cho cải tổ, làm sao giúp giới lao động bớt chịu hậu quả của quá trình toàn cầu hóa và của chủ nghĩa tư bản tài chính. Tờ báo nhắc lại lời của bộ trưởng Lao động Pháp cho rằng hội nghị muốn « tạo ra một khế ước xã hội mới của thời hậu khủng hoảng cũng giống như đã từng có khế ước xã hội thời hậu chiến tranh ». Libération cho rằng vị bộ trưởng này có lý, bởi cuộc khủng hoảng mà phương Tây đang đối mặt cũng là một loại chiến tranh, một vấn đề đòi hỏi phải có nhiều chiến dịch và một cuộc tổng động viên, nhưng tất cả phải diễn ra trong minh bạch. Về phần mình, nhật báo cánh hữu Le Figaro có bài xã luận mang tên « Phương pháp của ông Hollande đang bị thử thách ». Tờ báo cho rằng, vị tân tổng thống mong muốn thiết lập giữa các đối tác xã hội một « văn hóa đồng thuận », thế nhưng ông ta quên rằng Pháp là một nước châu Âu tệ nhất trong vấn đề này. Tại Pháp, các nghiệp đoàn mạnh ai nấy lo cho lợi ích của mình, bất cần đến lợi ích chung của toàn xã hội. Bởi thế coi chừng đến khi thảo luận về những vấn đề nhạy cảm giữa giới chủ và giới công nhân chẳng hạn, cuộc thảo luận có nguy cơ biến thành « cuộc đối thoại giữa những người điếc ». Một điểm khác mà tờ báo nhấn mạnh, đó là lịch trình của hội nghị. Do tình hình cấp bách, chính phủ thiếu thời gian chuẩn bị, trong khi các giải pháp cần được tìm ra nhanh chóng, ai cũng hiểu rằng sẽ phải có những quyết định « cấp bách và đau lòng ». Trong khi đó, hội nghị lại diễn ra trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, nhiều nhà máy có nguy cơ đóng cửa. Tất cả khiến cho các cuộc bàn thảo có nguy cơ biến thành « những cuộc thảo luận vô ích của các chuyên gia bàn về một xã hội lý tưởng trong khi xã hội hiện hữu đang bị chao đảo và đổ vỡ». Pháp-Trung : Bắc Kinh khó lòng tin tưởng tân chính phủ Paris Hôm nay, bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày tại Trung Quốc. Nhật báo Libération có bài nhận định rằng, mục tiêu chuyến thăm là để củng cố quan hệ kinh tế trên nền của những bất đồng chính trị. Trên hồ sơ kinh tế, Paris muốn tăng cường sự tiếp cận của các doanh nghiệp Pháp vào thị trường Trung Quốc, đồng thời để giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa hai nước (Mức thâm hục của Pháp trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc là 27 tỷ euro trong năm 2011). Trên phương diện chính trị, tờ báo nhận định, chính quyền Trung Quốc vốn rất dị ứng với các vấn đề nhân quyền, nên dĩ nhiên là có nhiều lý do để nghi ngờ chính phủ Hollande. Hơn nữa, chính phủ mới của Pháp có nhiều « ân oán tình thù » với nhà cầm quyền Trung Quốc. Ông Paul Jean-Ortiz, cố vấn ngoại giao của tổng thống, kiêm phụ trách hồ sơ tái thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ngày xưa từng đóng vai trò quan trọng trong phong trào xuất ngoại bí mật của hàng trăm sinh viên và người đấu tranh dân chủ của sự kiện Thiên An Môn năm 1989, lúc ấy đang bị cảnh sát trong nước Trung Quốc truy nã. Bắc Kinh làm sao quên được điều này, đặc biệt là nơi đặt chân đầu tiên đến trời Tây của đa phần những người xuất ngoại năm đó lại chính là Pháp. Rồi còn một lọat các vấn đề chính trị gây bất hòa khác. Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy từng tiếp thân mật đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của ngườii Tây Tạng. Rồi năm 2008, đương kim thủ tướng Jean-Marc Ayrault, khi ấy là thị trưởng thành phố Nantes, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rất xấu, ông đã tiếp trọng thị đức Đạt Lai Lạt Ma với những lời ủng hộ độc lập của Tây Tạng. Bản thân ông Fabius cũng có một quá khứ mếch lòng với Trung Quốc. Năm 1996, khi còn là chủ tịch nhóm nghị sỹ đảng Xã Hội tại quốc hội Pháp, ông Fabius từng lớn tiếng chỉ trích vụ án Thiên An Môn và phản đối việc đến Pháp của thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lý Bằng. Trong bối cảnh đó, quan điểm chính thức của Pháp được thể hiên qua những lời sau đây của Ngoại trưởng : « Mong muốn có những bước tiến cụ thể với Trung Quốc. Và dĩ nhiên không phải bằng những lời thóa mạ lẫn nhau để đạt được điều đó. Thái độ khiêu khích hay dễ dãi quá sẽ chẳng có ích lợi gì » ; « Quan hệ với Trung Quốc là một ưu tiên » ; « Chúng tôi không tìm cách áp đặt cách nhìn của chúng tôi đối với Trung Quốc. Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại quan trọng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau với Trung Quốc ». Theo đánh gía của Libération, ông Fabius sẽ tập trung vào kinh tế, đồng thời cố gắng tránh gợi lại những lời nói hay thái độ nhạy cảm liên quan đến chủ đề Tây Tạng. Kofi Annan chỉ trích phương Tây trên hồ sơ Syria Bàn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, ông Kofi Annan đã trả lời phóng vấn báo Le Monde. Bài phỏng vấn được đăng trên trang 3 của tờ báo với dòng tựa kêu gọi : « Tránh tình trạng mất kiểm soát tại Syria ». Ông Annan bắt đầu can thiệp vào hồ sơ Syria từ ba tháng này, nhưng tính đến hiện tại tình hình vẫn vô cùng rối rắm với một bản thống kê ảm đạm : 16 000 người chết, 100 000 di tản đến các nước láng giềng, 1,5 triệu người đang cần cứu trợ khẩn cấp. Ông Annan thừa nhận, phái đoàn của ông đã thất bại tại Syria, và hiện tại chưa có gì đảm bảo rằng sẽ có thể thành công trong tương lai. Nói về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng, ông Annan cho rằng, không nên chỉ phê phán một mình nước Nga, mà còn có nhiều nước có lợi ích liên quan với Syria. Ông tỏ ra ngạc nhiên là tại sao người ta chỉ tập trung chỉ trích Nga mà lại không nhắc gì đến vai trò của những nước khác, những nước cung cấp vũ khí, tiền bạc và có ảnh hưởng đến tình hình trên thực địa. Ông Annan thẳng thắn : « Các nước này miệng thì nói muốn tìm giải pháp hòa bình, nhưng lại có những chủ trương bảo vệ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm ». Ngày 30 tháng 6 rồi, trong hội nghị về Syria ở Genève, các nước phương Tây đã từ chối cho Iran tham dự. Theo ông Annan, thật ra, Iran là quan trọng, một nhân tố trong hồ sơ Syria, Iran phải có phần tham dự trong việc tìm ra giải pháp cho khủng hoảng Syria. Ông khẳng định : « Iran có ảnh hưởng trong hồ sơ này, chúng ta không thể không biết điều đó ». Nhật-Trung : Ngoại giao gấu trúc hầu như thất bại Đến với quan hệ Nhật –Trung, Le Monde có bài chạy tựa mỉa mai: « Nhật Bản lạc điệu trong chính sách ngoại giao gấu trúc ». Ngày 05/07, tại vườn thú Ueno ở thủ đô Tokyo, một chú gấu trúc con đã ra đời. Đây là trường hợp đầu tiên tại Nhật kể từ 24 năm nay. Cha mẹ của chú gấu vừa ra đời có tên là Zhen Zhen và Lili theo tiếng Trung Quốc và Shin Shin và Ri Ri theo tiếng Nhật. Cặp gấu này do Nhật thuê của Trung Quốc trong vòng 10 năm tính từ năm 2011. Tưởng rằng gấu trúc có thể xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, thế mà câu chuyện gấu trúc lại khiến cho quan hệ song phương tăng nhiệt. Ngày 28/06, thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara, đã đề nghị một cái tên khá sốc cho chú gấu con sắp ra đời : Ông đề nghị tên là Sen Sen hoặc Kaku Kaku. Số là Trung Quốc xưa nay có thói quen dùng hai từ giống nhau để đặt tên cho gấu panda, nên ông thị trưởng Tokyo mới nghĩ ra cái tên vừa nêu, với ngụ ý là nhắc đến tên của quần đảo Senkaku, mà theo tiếng Trung Quốc là Điếu ngư, quần đảo hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Lập tức sóng gió nỗi lên, phát ngôn nhân Hồng Lỗi của bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, ý tưởng của ông thị trưởng Tokyo là « thô thiển », muốn « phá hoại quan hệ giữa hai nước ». Hồi tháng Tư, ông Ishihara làm nóng lại tranh chấp tồn tại lâu nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh các đảo ở vùng biển Hoa Đông. Thị trưởng Tokyo tuyên bố muốn mua các đảo trong quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Về phần mình, một công ty trò chơi điện tử trên mạng của Trung Quốc hồi tháng rồi đã tung ra thị trường một trò chơi mang tên « Bảo vệ Điếu Ngư », mục tiêu tấn công của trò chơi là : « Những tên ác quỷ Nhật Bản ». |