Giảm lãi suất vay ngân hàng : Doanh nghiệp Việt Nam bớt phần khó khăn |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Sáu, 13 Tháng 7 Năm 2012 12:09 |
Việt Nam đã hạ lãi suất liên tục và có những kỳ một tháng hạ đến ba lần
Đếm tiền tại một ngân hàng Việt Nam. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất của các khoản vay cũ còn tối đa là 15%/tháng, hạn cuối là ngày 15/07/2012. Chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp, trong khi các doanh nghiệp đang rất cần vốn, và thời gian qua lãi suất quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không chịu đựng nổi đã phải giải thể. RFI Việt ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Thành phố Hồ Chí Minh TS Lê Thẩm Dương : Để thực hiện điều hành vĩ mô của Việt Nam, thì buộc phải dùng đến công cụ lãi suất, và suốt từ năm 2011 đến 2012 là phải đưa lãi suất lên rất cao. Sau khi đưa lãi suất lên xong, thì Việt Nam đã đạt được mục tiêu là đẩy CPI (chỉ số giá cả tiêu dùng) xuống, theo kỳ vọng của mình. Nhưng trong quá trình làm, thì mình thắt tiền tệ vào hơi quá tay, cho nên dẫn tới việc lãi suất cao gây ra hiệu ứng ngược… Kéo vào hơi nặng tay, nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp ít nhiều bị đình trệ. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã hạ lãi suất liên tục và có những kỳ một tháng hạ đến ba lần. Đấy là đối với những khoản vay mới. Nhưng đồng thời chính phủ Việt Nam có nỗ lực là đối với những khoản vay cũ, thì có gia hạn đến ngày 15/07/2012 là hạn chót, các hồ sơ vay cũ - đặc biệt là dài hạn - sẽ được giảm lãi suất còn 15%, vì hồ sơ vay cũ đôi khi là 20%, hoặc 22%. Giảm lãi suất xuống thì lập tức giải quyết được mục tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa), tức là hỗ trợ các doanh nghiệp một cách rất là trực tiếp và thiết thực. Những ngày qua, trong suốt hai tuần vừa rồi thì các ngân hàng đang lần lượt thực hiện điều đó, trong điều kiện vĩ mô của Nhà nước. Tất nhiên là trong quá trình thực hiện việc này thì cũng có những cái khó. Cái khó thứ nhất là tại sao lãi suất cao ? Là bởi vì khi đó các ngân hàng nhận vào với lãi suất tiền gửi rất là cao, mà bây giờ bắt phải đưa xuống mức 15%, thì cái thiệt hại đó rơi vào phía ngân hàng không phải là nhỏ. Bởi vì họ nhận cao thì họ cho vay cao, bây giờ ép xuống phải cho vay thấp. Việc chia sẻ lợi nhuận giữa các bên hiện nay, nếu đứng về đạo lý thì rất đúng, nhưng ngân hàng cũng thiệt hại. Cái thứ hai, việc một số ngân hàng người ta « lách ». Chuyện đó thì cũng có, nhưng thực tế không nhiều. Và đến ngày hôm nay thì cơ bản là các ngân hàng thực hiện điều đó rất tốt. Cho nên nếu làm được như thế thì sẽ dẫn tới kết quả đây là một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất hữu hiệu. Và khi mà doanh nghiệp bật dậy được, thì lúc đó cơ sở để ngân hàng tồn tại cũng xuất hiện. Thế nên tôi đánh giá rất cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Ngoài động thái giảm lãi suất cho các món vay mới, lại còn trợ giúp bằng lãi suất 15% đối với các món vay cũ. Đồng thời với chính sách thuế, còn kèm theo việc tái cấu trúc các khoản vay, để tạo điều kiện cho người ta vay. Bên cạnh đó là kích thích tiêu dùng để giải quyết tình trạng tồn kho, và giải quyết nợ xấu bằng thị trường mua nợ. Thành ra các nỗ lực của chính phủ là đúng, chỉ vướng là ở khâu thực hiện, thì mình chưa đạt nguyện vọng như mong muốn. Có một độ trễ, nhưng sẽ đạt được thắng lợi. RFI : Về mặt thực hiện thì tiến sĩ thấy có khả thi không ? Đứng về mặt khả thi, thì biện pháp này thực chất vẫn là biện pháp hành chính. Mà đã là hành chính thì có hiện tượng là nó sẽ bóp méo quan hệ thị trường. Đã là hành chính thì dứt khoát sẽ dẫn đến việc người ta « lách », vì nó không tuân theo quy luật thị trường - trong khi mình đang vận hành theo thị trường, nên công cụ phải là công cụ thị trường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam phải dùng đến công cụ hành chính. Thế nên về tính khả thi, đến giờ phút này có những biện pháp - như biện pháp lãi suất 15% - thì hoàn toàn khả thi. Có những giải pháp khác khả thi 50%, còn những giải pháp, ví dụ như việc mua nợ, thì có thể tính khả thi thấp hơn. Tóm lại như vậy có cái khả thi, có cái không khả thi, hoặc là tính khả thi ít. RFI : Dạ, tiến sĩ có thể nói rõ hơn một chút về việc mua nợ không ? Tại Việt Nam hiện nay, cái ách tắc của mình là nợ xấu. Nếu còn nợ xấu thì ngân hàng không dám cho vay, mà còn nợ xấu thì doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay. Thế thì cái nút thắt đấy là cục máu đông nằm ở nợ xấu. Để giải quyết nợ xấu, cần có nỗ lực của doanh nghiệp và nỗ lực của ngân hàng. Nhưng nếu hai bên nỗ lực tối đa rồi vẫn chưa giải quyết được, thì bây giờ có hai biện pháp khả thi nhất. Một là phải kích cầu tiêu dùng để giải quyết tồn kho, thì nợ xấu sẽ giảm đi. Và biện pháp thứ hai là thiết chế một thị trường mua nợ xấu. Mua lại nợ xấu thì mình đã có một cái thị trường, nhưng mà nó đang yếu. Cho nên Nhà nước có ý định nhẩy vào can thiệp, bằng cách chính Nhà nước sẽ là người mua cái nợ xấu này, thông qua một công ty mua nợ trực thuộc Nhà nước. Biện pháp này hiện nay còn đang tranh luận rất là quyết liệt. Và nếu như mà thành lập được, thì nó cũng hỗ trợ cho thị trường nói chung. Nhưng có điều là hiện nay biện pháp này đòi hỏi độ dài. Cho nên đứng về mặt khả thi, thì có thể là nó khả thi trong một độ trễ nhất định, chứ hiện tại thì biện pháp này chưa tỏ ra khả thi trong trạng thái tức thì của nó. RFI : Thưa tiến sĩ, có vẻ như là việc mua nợ còn mới mẻ đối với Việt Nam ? Thị trường mua nợ thì có rất lâu rồi, đây là một khái niệm không mới. Nhưng trong vận hành thì nó còn yếu. Cũng giống như thị trường trái phiếu, nó có hiện diện, nhưng mà yếu, còn thiếu kinh nghiệm. Lạ lẫm thì không lạ lẫm lắm, nhưng mà chưa thành thói quen. Chưa thành một thị trường hoàn hảo, ngay từ môi trường luật trở đi, cho đến việc vận hành. Thành ra nếu gọi là mới mẻ thì cũng được. RFI : Việc giảm lãi suất tiền vay có lẽ là một tin đáng mừng đối với doanh nghiệp, vì không ít đơn vị đã bị chết vì tiền lãi quá cao ? Thực ra mà nói thì các đơn vị hiện nay, tổng tài sản của họ so với nguồn vốn thì không đến mức nào. Nhưng cái gay go là tài sản ấy được hiện thân bằng cái gì ? Bằng hiện vật. Mà cái gay của các doanh nghiệp bây giờ là tổng tài sản được biểu hiện bằng tiền, mà người ta gọi là dòng tiền - bằng tiền mặt - thì hiện nay là các doanh nghiệp « lâm trận » hết cả. Tất cả đều khó khăn. Cho nên trong cái trạng thái họ đang thiếu thốn tiền mặt thế này, cộng với chi phí cao, tài sản bằng hiện vật không thoát ra được, việc hạ lãi suất xuống còn 15% cộng với các biện pháp khác nữa - ở đây phải chú ý tính đồng bộ của nó - thì có thể nói các doanh nghiệp đón nhận tin này với một tâm thế rất là phấn khởi. Và lãi suất thời gian qua thực sự cũng là một cản trở gần như là chính yếu, khiến cho các doanh nghiệp bị khó khăn về dòng tiền. RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay. |