Home Tin Tức Thời Sự ASEAN chia rẽ trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc

ASEAN chia rẽ trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 13 Tháng 7 Năm 2012 12:30

Không ra được một thông cáo chung.

 

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (giữa) trò chuyện với người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa (trái) trước phiên bế mạc hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh, ngày 13/07/2012.
REUTERS/Samrang Pring

Ngoại trưởng các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN), họp tại Phnom Penh, Cam Bốt chia tay nhau hôm nay, 13/07/2012, mà không ra được một thông cáo chung.

 Sau nhiều cuộc họp tranh cãi, thảo luận quyết liệt, các thành viên ASEAN đã không giải quyết được những bất đồng nội bộ liên quan đến việc xử lý các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Philippines, cùng với Việt Nam, những quốc gia hiện có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, đã phê phán thất bại của Hội nghị ASEAN và nhấn mạnh rằng việc không ra được bản thông báo chung là sự kiện « chưa từng thấy trong suốt 45 năm tồn tại của ASEAN ».

Chính quyền Manila muốn trong tuyên bố chung phải có đoạn nói về các vụ đối đầu gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở bãi đá Scarborough, nơi mà cả hai bên đều tuyên bố có chủ quyền.

Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao tham gia đàm phán, thì Cam Bốt, hiện đang rất cần sự giúp đỡ về kinh tế của Trung Quốc, đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN trong năm nay, đã kiên quyết gạt bỏ mọi câu chữ có liên quan đến những sự cố ở bãi đá Scarborough ra khỏi dự thảo thông cáo chung.

Cuộc họp khẩn cấp sáng nay cũng không giúp tháo gỡ bế tắc. Một quan chức Hoa Kỳ, có mặt tại Phnom Penh, cho AFP biết : « Nỗi bực tức gia tăng trong một số cuộc gặp riêng. Các cuộc trao đổi qua lại căng thẳng ».

Phái đoàn Philippines đã không ngần ngại thông báo cho phía Cam Bốt sự « phẫn nộ » của mình và nhấn mạnh rằng các chia rẽ này đã phá hoại những thỏa thuận đạt được trước đó để giải quyết các tranh chấp trong tinh thần gắn bó toàn khối. Mặt khác, Manila tái khẳng định không chấp nhận cách thức đàm phán song phương mà láng giềng phương bắc của Cam Bốt đã đòi hỏi.

Đáp lại, Ngoại trưởng Cam Bốt tỏ thái độ lấy làm tiếc về các bất đồng, chia rẽ này và cho rằng Phnom Penh « không thể chấp nhận để cho bản thông báo chung trở thành con tin của vấn đề quan hệ song phương » giữa Manila và Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, các chia rẽ trong nội bộ ASEAN có nguy cơ « lây lan » sang các cuộc đàm phán giữa khối này và Trung Quốc về bộ luật ứng xử ở Biển Đông (COC). Văn bản này có mục đích ngăn chặn những xung đột có thể xây ra trong các hoạt động đánh bắt hải sản, quyền lưu thông hoặc thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông.

 Các cuộc đàm phán kéo dài từ 10 năm nay và các bên liên quan chưa bao giờ đạt được đồng thuận về nội dung cụ thể của bộ luật này.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận định : « Cam Bốt đóng vai trò như là chư hầu của Trung Quốc. Điều này làm cho các cuộc đàm phán khó khăn hơn. Tôi khó có thể tưởng tượng ra được là các bộ trưởng đạt được một công thức nào đó làm hài lòng tất cả các bên ».

Có thể đánh giá kết quả Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần này tại Phnom Penh theo cách nhìn « cốc nước nửa đầy nửa vơi ».

Việc không ra được thông cáo chung rõ ràng là một thất bại của ASEAN, và trước hết đó là thất bại của Cam Bốt, nước hiện đảm nhiệm chức chủ tịch.

 Nội bộ ASEAN đã chia rẽ trước áp lực quá lớn của Trung Quốc. Hôm nay, Bắc Kinh đã xoa tay hài lòng về sự bất đồng này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân (Liu Weimin) nhận định rằng « đó là một cuộc họp hữu ích và quan điểm của Trung Quốc trên nhiều vấn đề đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước ».

Trên một góc độ khác, tại Hội nghị ASEAN lần này, Philippines và Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn, không chấp nhận kiểu « bằng mặt mà không bằng lòng », thà không có thông cáo chung còn hơn đưa ra một tuyên bố mà không dám đề cập đến những vấn đề nóng bỏng ở Biển Đông.

Phải chăng đây cũng là cách để cho Bắc Kinh thấy được phản ứng mạnh mẽ của các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.