Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Sáu, 13 Tháng 7 Năm 2012 12:41

Sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc tại Lào


Đặc khu kinh tế Boten của Lào, gần biên giới với Trung Quốc.
(DR)

Kế hoạch sa thải 8.000 nhân viên của tập đoàn xe hơi nổi tiếng PSA Peugeot Citroen đẩy lùi các phần thời sự quốc tế khác vào phần trang trong của các báo.

Nhưng trước khi trở lại hồ sơ này, xin điểm qua bài báo trên tờ Le Monde mang tựa đề : « Xe lu của Trung Quốc đem lại ngờ vực và sự chống đối từ phía Lào »
 

Nhân chuyến viếng thăm lịch sử của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại xứ Vạn Tượng, tờ báo chú ý đến tầm ảnh hưởng về kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc đối với quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé như Lào.

Bắc Kinh đã đầu tư 4 tỷ đô la để trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Lào, bên cạnh Việt Nam và Thái Lan.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã qua mặt Việt Nam để trở thành nhà đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Vientianne. Nhưng « sự bành trướng » về phương diện kinh tế của ông khổng lồ Trung Quốc đang làm dấy lên một sự bất mãn trong dư luận và kể cả trong hàng ngữ lãnh đạo ở Lào.

Dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở, xây một khu nghỉ mát gần sát ngôi đền That Luang, biểu tượng của nước Lào được ký kết vào năm 2009 với 3 tập đoàn Trung Quốc đã bị dời lại.

Một trong những dự án đang gây nhiều tranh luận hiện nay liên quan đến kế hoạch xây dựng đường xe lửa cao tốc nối liền Côn Minh với Bangkok xuyên qua lãnh thổ Lào cùng chung số phận. Một khi hoàn thành, đây là cánh cổng đưa hàng hóa Trung Quốc nhanh chóng đến được các thị trường Malaysia và Singapore.

 Chỉ riêng đoạn đường rầy xuyên qua Lào sẽ được Trung Quốc tài trợ đến 70 %. Năm ngoái chính Vientianne đã quyết định dời lại vô hạn định công trình nói trên và vì rất nhiều lý do. Trong số đó phải kể đến đe dọa hàng chục ngàn dân cư bị di dời chỗ ở, Trung Quốc tịch thu đất canh tác của nông dân để xây dựng đường xe lửa cũng như lo ngại trông thấy hàng ngàn công nhân Trung Quốc đổ bộ vào Luang Namtha một thành phố gần sát biên giới hai nước.

Tại Luang Namtha, các cửa hàng do người Hoa làm chủ ngày càng nhiều, những bảng quảng cáo bằng tiếng Hoa ngày càng đông và sự cạnh tranh thì ngày càng trở nên gắt gao hơn giữa người bản xứ với những nhà buôn Trung Quốc đến đây làm ăn.

Dù vậy đối với một số thành phần dân chúng bị bưng bít thông tin thì họ tỏ ra hài lòng khi thấy các đầu mối Trung Quốc đặt mua trọn cả vụ mùa hay đặt mua độc quyền mủ cao su. Có những người không ngần ngại cho rằng, trước mắt nhờ có Trung Quốc mà đời sống của họ được « ấm no hơn ».

Khu vực đồng euro vẫn lao đao

Trở lại thời sự châu Âu, báo Les Echos và Le Monde cùng quan tâm đến những khó khăn kinh tế của khu vực đồng euro vẫn chưa đến hồi kết.

Les Echos nêu lên 10 mối đe dọa có thể xảy tới nội trong mùa hè năm nay. Theo quan điểm của Le Monde, các biện pháp khắc khổ chồng chất đang làm suy yếu eurozone.

Các chuyên gia được tờ báo trích dẫn lo ngại khi thấy các nước châu Âu cùng áp dụng một lúc chính sách cắt giảm chi tiêu và giảm bội chi ngân sách trong bối cảnh mà kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.

Theo thẩm định của cơ quan cố vấn tài chính Euler Hermes, để có thể tiết kiệm được một euro cho ngân sách nhà nước, thì nền kinh tế đó phải tạo ra được tới 2 euro. Điều phi lý hơn cả là hiện tại quốc tế đang đòi Tây Ban Nha và Ý cắt giảm chi tiêu công cộng trong thời hạn ngắn chỉ bằng 1/3 so với thời gian mà nước Đức đã bỏ ra để hoàn tất chương trình cắt giảm chi tiêu công cộng từ năm 2002 đến 2007.

Một mối quan ngại khác là khi mà tất cả các nền kinh tế cùng « giảm chi tiêu », tức giảm kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong khi đó ai cũng biết 80 % kim ngạnh mậu dịch của khối euro có được là nhờ vào các khoản trao đổi giữa các thành viên trong khối với nhau. Khi ngành xuất khẩu bị bế tắc thì chắc chắn là tăng trưởng phải đi xuống còn số người thất nghiệp thì tăng cao.

Nhìn đến 10 mối đe dọa đối với kinh tế châu Âu có thể xảy tới trong mùa hè này được Les Echos đưa ra : đà suy yếu của nền kinh tế khu vực đồng euro ngày càng trở nên nghiêm trọng, và Trung Quốc và Hoa Kỳ không còn đủ sức để bù đắp lại sự « trống vắng đó ».

Thứ nữa là « con bệnh trầm kha » của châu Âu là Hy Lạp thì vẫn chưa biết tương lai thế nào. Giới đầu tư còn quá nhiều nghi vấn về kế hoạch của châu Âu cứu nguy ngành ngân hàng Tây Ban Nha trong lúc cả Ý lẫn Tây Ban Nha cùng đang phải đi vay nợ với lãi suất ngày càng cao. Các ngân hàng trung ương thì bắt đầu thiếu phương tiện để can thiệp, để thổi một làn gió mới vào các hoạt động kinh tế của khu vực đồng euro.

Putin gia tăng chiến lược tấn công đối lập Nga

Đó là nội dung một bài báo trên phần trang quốc tế của tờ Le Figaro. Tờ báo cho biết là Hạ viện Douma sắp hoàn tất một cuộc chạy đua nước rút để cho ra đời hàng loạt các bộ luật nhằm «bịt miệng những người phản đối » tổng thống Nga.

Theo thông tín viên của tờ báo, suốt hai tuần qua, các dân biểu Nga đã làm việc ráo riết, họ biểu quyết và xem xét hết điều luật này đến dự luật kia với cùng một mục đích : siết chặt gọng kềm chung quanh hành vi chống đối, tăng cường kiểm soát với những tổ chức phi chính phủ được nước ngoài tài trợ, tăng cường kiểm duyệt trên mạng internet.

 Tối hôm 10/07/2012 đích thân tổng thống Vladimir Putin kêu gọi các dân biểu Nga « nhanh chóng » hoàn tất thông qua các đạo luật mới và đương nhiên theo như nhận xét của Le Figaro, tất cả các đại biểu của viện Douma đã « răm rắp » thi hành chỉ thị từ điện Kremli phát đi.

Song song với việc đưa ra hàng loạt các bộ luật để « bịt miệng » những phe chống đối, chính quyền Matxcơva còn tiến hành các biện pháp tinh vi để hù dọa và sách nhiễu đối lập. Le Figaro nêu lên một loạt các tên tuổi và cụ thể là họ bị « hành hạ » như thế nào.

Tờ báo không quên nhắc tới một nhân vật thân cận ông Putin : Alexandre Bastrykin, 58 tuổi từng chung học với ông Putin ở đại học Leningrad năm 1975. Ông này được chỉ định đứng đầu cơ quan « an ninh » của Nga. Cơ quan đó do điện Kremli « quản lý trực tiếp » và đương nhiên là có nhiệm vụ theo dõi « nhất cử, nhất động » của các nhà đối lập Nga.

Trong số những thành phàn được Bastrykin đặc biệt quan tâm, phải kể đến blogger Alexei Navalny, hay lãnh đạo phong trào mặt trận cánh tả Serguei Oudaltsov.

PSA sa thải 8000 nhân viên, cú sốc đối với nước Pháp

Trở lại với đề tài chính được báo chí Pháp quan tâm nhiều hơn cả trong ngày : kế hoạch sa thải 8.000 nhân viên của tập đoàn xe hơi PSA.

 Đối với xã luận của báo công giáo La Croix đó là « Một gáo nước lạnh » khi PSA phải sa thải 8 % nhân viên, thông báo thua lỗ 700 triệu euro trong sáu tháng đầu năm.

 Trong mắt báo L'Humanité thì đấy là « một trận động đất cả về phương diện xã hội lẫn chính trị » : đối với chính phủ Pháp thì đây là « là bài toán trắc nghiệm khả năng và quyết tâm của chính phủ » coi việc duy trì công việc làm cho người dân là một ưu tiên hàng đầu.

Le Figaro chạy tựa trên trang nhất « chính sách xã hội của Pháp rơi vào bẫy của PSA »

Trong bài báo mang tựa đề « xe hơi made in France tìm một làn sinh khí mới » Libération nêu lên những câu hỏi như là vì sao ngành công nghệ xe hơi, niềm tự hào của nướcPháp, liên tục phải sa thải nhân viên ? Vì sao tập đoàn PSA với hai nhãn hiệu nổi tiếng là Peugeot và Citroen lại bị thua lỗ nặng hơn so với nhãn hiệu hình quả trám là Renault.

Tờ báo nêu lên một vài con số cho thấy nền công nghiệp này đang « xuống dốc không phanh » : từ năm 2004 đến 2011, khối lượng xe hơi sản xuất tại Pháp giảm 39 %. Renault và Peugeot trong cùng thời kỳ giải thể 40.000 chỗ làm.

Trong ba năm gần đây nhất các tập đoàn cung cấp phụ tùng xe hơi cho Peugeot và Renault bị vạ lây và đã phải cho 33.000 nhân viên nghỉ việc.

Để giải thích vì sao phải sa thải tới 8 % lực lượng lao động, như vừa thông báo, PSA nêu lên các lý do như là : lượng xe hơi bán ra tại châu Âu liên tục giảm sút, và thậm chí tại Pháp số xe bán ra đã giảm gần 13 % trong 6 tháng đầu năm 2012.

Trên thực tế, cả Renault lẫn Peugeot do chỉ tập trung sản xuất xe hơi cỡ nhỏ như xe Clio, loại Peugeot 208, hay lớn hơn một chút là loại xe Mégane, C4. Cả hai thị trường này cùng đang đổ dốc.

 Cùng lúc do chạy theo lợi nhuận, cả PSA lẫn Renault cùng di dời các cơ sở sản xuất sang đông Âu, hay châu Mỹ La Tinh. Đó là những nơi nhân công rẻ hơn so với tại Pháp.

 Hãng xe Renault thông báo một chiếc xe Clio sản xuất tại Tunisia rẻ hơn so với ở Pháp tới 1.300 euro. Chính vì thế mà có tới 66 % xe bán ra với logo hình quả trám, được sản xuất ở nước ngoài. Đối với PSA thì tỷ lệ đó là 58 %. Hậu quả là các cơ sở sản xuất trên đất Pháp lần lượt thu hẹp tầm hoạt động.

Về câu hỏi tại sao PSA bị thua lỗ « nặng » hơn so với Renault, Libération trả lời : đơn giản là vì PSA chậm trễ hơn so với Renault trong việc di cơ sở sản xuất ra ngoại quốc.

 Tại Pháp, Renault chỉ còn có 51.000 nhân viên, thì PSA lại nặng gánh với một đội ngũ hơn 80.000 người.

 Yếu tố thứ nhì là PSA chậm chân trong việc phát triển xe hơi « low cost ». Đó là loại xe thuộc hạng rẻ tiền, nhưng lại có tính hấp dẫn cao và lại được sản xuất ở nước ngoài với giá thành rất thấp.