ASEAN đồng thuận về Biển Đông : Bắc Kinh lại khẳng định chủ quyền Trường Sa |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Bảy, 21 Tháng 7 Năm 2012 15:27 |
Trong tư thế bị chia rẽ như vậy, ASEAN sẽ tiếp tục bị Bắc Kinh lấn lướt trên vấn đề Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Cam Bốt Hor Nam Hong, Việt Nam và Philippines đã khiến cuộc họp ASEAN vào tuần trước thất bại (REUTERS) Hôm qua, 20/07/2012, các Ngoại trưởng ASEAN cuối cùng đã đồng ý với nhau trên sáu nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, nhưng vẫn không đưa ra được một thông cáo chung. Ngay sau đó, Trung Quốc ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của nước này trên Biển Đông, đặc biệt là trên quần đảo Trường Sa. Trong sáu nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cam kết kềm chế, không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền và cố gắng đạt đến một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để làm dịu căng thẳng và ngăn ngừa xung đột ở vùng này. Hôm qua, theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố « ghi nhận » thoả thuận của ASEAN về sáu nguyên tắc liên quan Biển Đông. Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, « cốt lõi của vấn đề Nam Hải ( Biển Đông ) là tranh chấp chủ quyền và phân giới vùng biển xung quanh quần đảo Nam Sa ( Trường Sa ) giữa các nước liên quan ». Nhưng ông Hồng Lỗi nói ngay rằng Trung Quốc « có cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ » về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là Bắc Kinh sẵn sàng cùng các nước ASEAN, thực hiện « toàn diện và hiệu quả » bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, cùng nhau « giữ gìn hoà bình và ổn định » ở vùng này. Ông Hồng Lỗi nói thêm là Trung Quốc sẳn sàng thảo luận với ASEAN để đạt được một Bộ quy tắc ứng xứ trên Biển Đông. Khi loan tin nói trên, Tân Hoa Xã đã trích lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Khuất Hưng cho rằng, chính Việt Nam và Philippines đã khiến cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vào tuần trước thất bại, không đưa ra một thông cáo chung. Theo lời ông Khuất Hưng, hai nước nói trên đã tìm cách biến tranh chấp giữa họ với Trung Quốc thành một vấn đề giữa Trung Quốc với toàn khối ASEAN, « điều không thể chấp nhận được đối với các thành viên khác của hiệp hội ». Hôm qua, khi loan báo tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, ông Hor Nam Hong, Ngoại trưởng của Cam Bốt, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng cáo buộc Manila và Hà Nội đã khiến cuộc họp vào tuần trước không đưa ra được một thông cáo chung. Là đồng minh trung thành của Bắc Kinh, Cam Bốt đã từ chối nêu các tranh chấp cụ thể trong bản thông cáo chung, trong khi Philippines đòi là phải nêu lên những vụ đụng độ mới nhất tại khu vực bãi cạn Scarborough, mà Manila và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền. Thỏa thuận đạt được hôm qua cũng đã không nêu lên những sự cố đó. Thái độ Phnom Penh như vậy là tương hợp với chủ trương của Bắc Kinh là chỉ giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông trên cơ sở song phương. Mặc dù đạt được đồng thuận hôm qua về Biển Đông, trên thực tế ASEAN vẫn bị chia rẽ trên vấn đề này và điều đó dĩ nhiên chỉ có lợi cho Trung Quốc, vốn vẫn thi hành chính sách « chia để trị » đối với ASEAN. Mặt khác, trong sáu nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN chủ trương giải quyết hoà bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Thế nhưng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua đã nhấn mạnh rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển không phải là một hiệp ước quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, cho nên không thể được dùng làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nói sẵn sàng cùng với ASEAN « gìn giữ hoà bình và ổn định » ở Biển Đông, trên thực tế Trung Quốc chỉ thảo luận trên cơ sở là các nước Đông Nam Á công nhận chủ quyền « không thể tranh cãỉ » của Trung Quốc trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Trong tư thế bị chia rẽ như vậy, ASEAN sẽ tiếp tục bị Bắc Kinh lấn lướt trên vấn đề Biển Đông. |