Home Tin Tức Thời Sự Người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước là việc bình thường

Người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước là việc bình thường PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Chúa Nhật, 22 Tháng 7 Năm 2012 17:58

 Không phải vì một đảng phái chính trị nào cả, mà chỉ xoay quanh vấn đề phản đối Trung Quốc xâm lược

 

Biểu tình chống hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, ở Hà Nội ngày 22/07/2012.
REUTERS/Stringer


Cuộc xuống đường lần thứ ba trong tháng 7/2012 của người dân Hà Nội chống các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, hôm nay 22/07/2012 đã thu hút được khoảng hai, ba trăm người tham dự tuy không đông đảo bằng lần trước.

Một trong những người thường xuyên tham gia là chị Đặng Bích Phượng, tức blogger Phương Bích, đã vui lòng dành thì giờ trò chuyện với RFI Việt ngữ về cuộc biểu tình sáng nay. Theo chị thì việc người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước cần phải được xem là chuyện bình thường.

Bà Đặng Bích Phượng - Hà Nội
 
RFI : Thưa chị, lần này có lẽ chị cũng tham gia biểu tình, thì sự việc diễn tiến như thế nào ?

Bà Đặng Bích Phượng : Vâng, hôm nay tôi có tham gia, và một khi có lời kêu gọi mà tôi thấy cần ủng hộ bằng bất cứ giá nào thì tôi cũng sẽ xuống đường.

Trước những tin tức rất là nóng bỏng về việc Trung Quốc đưa cái tàu đổ bộ gần đảo của Việt Nam, và một số những hành động khác, thì nói chung người dân trong nước đều rất bức xúc và phẫn nộ. Họ lại kêu gọi xuống đường để cho dư luận trong và ngoài nước chú ý đến hơn, và để nói lên rằng người dân Việt Nam có phản ứng nhất định trước các hành động như thế của Trung Quốc.

Không cứ là người Việt Nam đâu. Ở bên Nhật, bên Philippines, người ta phản đối rất là dữ dội, tại sao người Việt Nam mình lại không lên tiếng ? Thế thì chúng tôi đã xuống đường.

RFI : Có vẻ như ở Hà Nội biểu tình ít bị trấn áp mạnh mẽ như ở Sài Gòn ?

Có những dư luận người ta nói là bật đèn xanh hay đèn vàng gì đấy thì chúng tôi cũng không quan tâm. Chúng tôi chỉ biết là người dân được quyền xuống đường để biểu tình, và việc lên tiếng để bảo vệ tổ quốc là điều phải đáng khuyến khích.

Sáng nay tôi đi xe buýt đến, thì tôi thấy quang cảnh nói chung có vẻ không được thân thiện, tương đối căng thẳng đấy. Chúng tôi đứng trên vườn hoa, rất là nắng nóng, cảnh sát cứ đến yêu cầu chúng tôi phải giải tán. Nhưng tôi bảo chúng tôi đứng đây thì chẳng có lý do gì mà giải tán. Nếu như các anh muốn giải tán chúng tôi thì anh phải đưa ra một quyết định nào đó, chứ nói miệng không phải là luật. Luật là phải có quy định điều này khoản nọ. Chứ còn anh nói miệng như thế thì không khác gì chúng tôi cả.

Họ thấy mình đấu lý như thế thì họ phải bỏ đi. Tôi thấy rằng họ cứ nắn gân những người nào không hiểu biết về luật, dễ sợ hãi, ép được đến đâu thì ép. Nếu không ép được thì thôi, lại bỏ đi. Việc làm đó là không đàng hoàng, là người thừa hành pháp luật nhưng lại không thực hiện pháp luật.

Chúng tôi theo lời kêu gọi trên mạng là đúng 9 giờ, mặc dù có ít người thôi nhưng vẫn tiến ra và cầm theo biểu ngữ. Họ cứ bắt là không được đứng lên chỗ Nhà hát Lớn. Thực tế trong lúc đôi co không cần thiết như thế, họ cứ chặn tất cả những biển cấm vào đấy, thì tôi đứng ở dưới thềm chứ không được đứng trên thềm Nhà hát Lớn. Mặc dù cái Nhà hát Lớn đấy người ta nói là xây dựng cho nhân dân, nhưng lại không để cho người dân đứng.

Những người ở xung quanh dần dần nhập vào đoàn, và khi các phóng viên đến chụp ảnh, thì cảnh sát bắt đầu dừng can thiệp.

 Đứng được một lúc, chúng tôi giăng biểu ngữ và hô khẩu hiệu độ khoảng dăm phút thôi, rồi bắt đầu tuần hành. Dọc đường thì không xảy ra hành động bắt bớ, và họ cũng chỉ ép chúng tôi đi vào trong vỉa hè. Nhưng ở Hà Nội này, đâu phải chỗ nào cũng có vỉa hè để đi đâu ? Cho nên cũng có lúc phải tràn xuống lòng đường.

Cảnh sát không muốn đoàn biểu tình có vẻ hoành tráng quá. Thế nhưng thực tế họ làm như thế thì lại làm đoàn biểu tình cứ kéo dài ra.

 Họ liên tục chặn lại, thậm chí họ còn chặn bằng dây thừng nữa cơ. Nhưng nói chung khi cả một đoàn người đang đi như thế thì chặn lại rất khó.

 Đến gần đại sứ quán Trung Quốc, tức chỗ vườn hoa Lênin, thì cũng giống như lần biểu tình ngày 8/7 trước, họ vẫn dùng ba-ri-e liên kết với nhau bằng dây thừng. Lần này họ có huy động cả Hội Phụ nữ- tôi đoán thế, rồi thanh niên, cảnh sát, thanh niên tình nguyện.

Hai bên bắt đầu áp sát vào, cách nhau chỉ có một cái hàng rào thôi, thì chúng tôi vẫn cứ hô và cũng có những cuộc đấu lý. Nhưng có lẽ họ được lệnh là không được phép nói lại một câu nào, nên cứ như một bức tường im lặng trước những câu hỏi của chúng tôi. Tôi nghĩ là họ cũng biết xấu hổ, họ cúi gầm mặt xuống kể cả các cháu thanh niên. Còn cảnh sát họ quen với điều đó rồi nên gần như là họ vô cảm.

Lần này thì mặc dù không được đông lắm, vì trời nóng lắm, rất nắng nóng nên có thể bà con nông dân người ta không ra nhiều, nhưng tôi đoán lúc đông nhất thì có khoảng trên dưới ba trăm người.

Thế nhưng tôi nghĩ những cuộc biểu tình như thế này thì dần dần nó sẽ làm cho người dân quen rằng chuyện biểu tình là chuyện rất bình thường. Nó chỉ là thể hiện tình cảm của người dân thôi. Các vị đừng có nghĩ đây là hành động lật đổ gì cả, mà những hình ảnh của người biểu tình tôi cho rất là đẹp.

 Không phải vì một đảng phái chính trị nào cả, mà chỉ xoay quanh vấn đề phản đối Trung Quốc xâm lược, và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Có cái gì là có thể lợi dụng được ở trong đó ? Mục đích xuống đường của chúng tôi, thứ nhất là phản đối Trung Quốc xâm lược, thứ hai là để cho người dân, kể cả chính quyền cũng thế thôi, quen với việc biểu tình là một hoạt động hết sức bình thường của bất cứ một xã hội nào.

Tôi đang định viết một bài là « Biểu tình có sướng không ? »

 Không hề sướng tí nào cả, chúng tôi không thích biểu tình tí nào cả ! Bởi vì nó mệt mỏi lắm, giữa trời nắng gắt như thế này, người già lẫn trẻ nhỏ phải đi như thế này, nóng bức lắm, không có ai muốn như thế đâu.

 Thế nhưng tại sao người ta vẫn xuống đường thì anh phải hiểu, phải tìm hiểu nguyên nhân. Xã hội dần dần phải thay đổi và họ phải nhìn nhận biểu tình là một hoạt động rất bình thường, trong một xã hội được gọi là dân chủ và văn minh.

RFI : Lâu nay chị có bị làm khó dễ gì không trong những lần đi biểu tình ?

Tôi có nhận định như thế này. Nguyên tắc Hiến pháp cho phép thì họ không được quyền cấm, nhưng họ không cấm được thì tìm mọi cách ngăn cản.

 Tuy vậy họ ngăn cản cũng tùy đối tượng. Có những đối tượng mà người ta có thể gây khó dễ được là : đánh vào kinh tế, đánh vào hoàn cảnh sống. Chẳng hạn như có một ông dù về hưu rồi, nhưng họ lại ép công việc của con cái, đâm ra người cha người mẹ phải chùn lại. Thứ hai là những cháu ở các tỉnh khác về Hà Nội làm việc, phải thuê trọ thì lại ép nhà trọ không cho thuê, thế rồi ép công ty bắt thôi việc.

Tôi thì không bị sao cả vì không có cái gì để họ ép được, nên họ hoàn toàn không gây khó dễ gì cho tôi cả - trừ lần trước họ có bắt tôi thôi – còn những người khác thì bị làm khó. Tôi định viết bài là tại sao hầu như cứ mỗi buổi biểu tình thế này là có những người gần như phải « dạt vòm » - trốn ra khỏi nhà một hai hôm để được đi biểu tình. Nó khổ đến cái mức như thế.

Tôi rất là thương những người đó. Mà tại sao người ta vẫn cứ vượt qua tất cả những khó khăn đó, miễn là đến được cuộc biểu tình, hô lên những tiếng nói phản đối, đả đảo Trung Quốc xâm lược. Họ cần nhìn nhận sâu xa hơn, nhưng chắc chắn là họ vẫn gây khó dễ cho rất nhiều người.

RFI : Được biết là trong những lần biểu tình trước đây, thì những người thi hành công vụ có lý luận là chuyện Biển Đông đã có Nhà nước lo…

Mình là người dân, nhưng mà mình thấy rằng Nhà nước mới chỉ lên tiếng ở một khía cạnh ngoại giao thôi, nhưng chưa hề có động thái nào đưa ra những biện pháp để bảo vệ ngư dân.

 Như Trung Quốc đấy, họ đưa cả một đội tàu đi, thậm chí có tàu hải giám hộ tống, bảo vệ. Tại sao Việt Nam không làm điều đó mà cứ để người dân một mình, đơn độc trên biển ? Đấy là cái điều chúng tôi vẫn còn đang bức xúc, mà rất là thương họ.

Họ vay nợ, rồi đến lúc đi ra biển lại mất sạch, cuối cùng trở về thành những con nợ với món nợ rất lớn. Cuộc sống mình chỉ thiếu thốn một chút thôi, mình đã cảm thấy khổ sở, huống chi những người như thế. Cả đời họ chỉ biết bám vào biển, bây giờ không bám biển được thì họ sống bằng cái gì ?

Tại sao Nhà nước không có biện pháp nào đó hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, để cho người ta có thể kiếm sống trên biển.

Mọi người cứ nói rằng là vì mình bé. Không phải thế, Việt Nam từ xưa vẫn bé, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn to, và xảy ra chiến tranh cũng đã có rồi, nhưng kẻ chiến thắng vẫn là ai ?

Tôi nghĩ thời buổi này không phải là thời buổi man di mọi rợ như ngày xưa mà cứ hơi động một tí là đánh nhau. Thời buổi văn minh thì cần đến luật pháp quốc tế. Không phải là anh này dễ dàng nhảy vào đánh anh kia được, phải có lý do. Anh gây nguy hại cho cộng đồng quốc tế chẳng hạn, như đi khủng bố, nhưng đến như Bắc Triều Tiên như thế mà người ta còn chưa làm gì được.

Tôi chỉ muốn nói là người dân chúng tôi dù ở đất liền nhưng rất muốn nghĩ đến đồng bào của mình ngoài biển, mong muốn Nhà nước có biện pháp nào đó để hỗ trợ người dân. Mà ngư dân ra biển như thế là người ta cũng giúp khẳng định chủ quyền, gìn giữ chủ quyền của đất nước, chứ đâu chỉ mưu sinh cho bản thân không thôi.

RFI : Chúng tôi rất cảm ơn chị Đặng Bích Phượng tức blogger Phương Bích, đã vui lòng nhận lời trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay.