Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuấn Thảo   
Thứ Tư, 25 Tháng 7 Năm 2012 13:16

 Thế vận hội : Từ Luân Đôn 2012 nhìn lại Bắc Kinh 2008


Ông Ngải Vị Vị từng tham gia thiết kế công trình "Tổ chim" (AFP)

 

Olympic 2012 đã gần kề, nên báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở để nói về Thế vận hội Luân Đôn.

Báo Le Figaro chạy hàng tựa đậm : Cơn sốt tăng nhanh tại thủ đô Anh. Báo La Croix đăng tít lớn : Tăng cường an ninh, đề phòng bất trắc. Chỉ có tờ Libération nhân kỳ Olympic Luân Đôn 2012, mới nhìn lại Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Trong bài viết đề tựa ‘‘Cỏ dại mọc đầy sau Thế vận hội Bắc Kinh’’, báo Libération cho biết là có khá nhiều công trình, cơ sở từng được xây dựng cho mùa Olympic cách đây 4 năm, nay bị bỏ hoang, không được bảo quản. Điển hình là sân vận động dành cho môn bóng chày (base ball) nay lại biến thành một kho chứa đồ phế thải.

Bãi cát nhân tạo dành cho các trận bóng chuyền (volley) trở thành một bãi rác. Trường đua xe đạp không còn được sử dụng sau năm 2008, nhánh sông và các bờ hồ nhân tạo dành cho bộ môn chèo thuyền cũng hoang vắng tiêu điều do không còn ai lui tới.

Trong số các công trình xây dựng cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chỉ có sân vận động ‘‘Tổ chim’’ là còn mở cửa đón tiếp công chúng. Tuy được xem như là một địa điểm du lịch để cho du khách đến chụp hình, nhưng sân vận động ‘‘Tổ chim’’ ban đầu thu hút 20 ngàn người mỗi ngày nay chỉ còn khoảng 8 ngàn khách thăm viếng (mỗi ngày).

Tiền vé bán ra không đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động lên tới gần 8 triệu đô la (6,5 triệu euros) mỗi năm. Trong năm nay, số lượng các buổi trình diễn ca nhạc tổ chức tại đây có thể được đếm trên đầu ngón tay. Gọi là sân vận động với 80 ngàn chỗ ngồi, nhưng ‘‘Tổ chim’’ chỉ đón tiếp trong năm một trận bóng đá duy nhất.

Theo lời trưởng ban điều hành, sân vận động chỉ bắt đầu có lời từ 40 ngàn khán giả trở lên. Điều đó có nghĩa là chỉ có các sự kiện có tầm cỡ, mới huy động được đông đảo khán giả. Nhằm giới hạn thất thu, cơ quan điều hành tìm đủ mọi cách để lôi kéo khách thăm viếng.

 Mùa đông, sân vận động ‘‘Tổ chim’’ được biến thành sân trượt băng dành cho mọi lứa tuổi. Mùa hè, người ta cho mướn các loại xe hai bánh chạy vòng quanh sân điền kinh. Theo ban tổ chức, chi phí xây cất sân vận động này khá cao, có lẽ phải mở cửa bán vé trong vòng ít nhất là 30 năm mới mong thu hồi vốn. Một ước tính mà tờ báo Libération cho là quá lạc quan.

Về mặt thể thao đơn thuần, có thể nói là đối với Bắc Kinh, Thế vận hội 2008 là một sự thành công rực rỡ.

Sau các cuộc tranh tài, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng với tổng cộng là 51 huy chương vàng. Nhưng chi phí của Thế vận hội Bắc Kinh cũng thuộc vào hàng tốn kém nhất lịch sử : hóa đơn lên tới 42,7 tỷ đô la (35,2 tỷ euros). Theo Libération, điều đó không thành vấn đề đối với chính quyền Trung Quốc, bởi vì Thế vận hội phục vụ cho một mục tiêu khác.

Sở dĩ Bắc Kinh chi không tiếc tiền vì đây là cơ hội để phô trương quyền lực mềm, để cho toàn bộ thế giới chứng kiến sự vươn mình trỗi dậy của Trung Quốc thành một nước lớn.

 Vào năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc đứng hàng thứ ba sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Giờ đây, Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì thế giới. Vào thời đó, hãng tin Tân Hoa Xã tự hào loan báo : Thế vận hội là một giai đoạn lịch sử quan trọng, đánh dấu cho sự hồi sinh của một nước lớn, một Trung Hoa hùng mạnh.

Đối với chính quyền trung ương, Olympic 2008 là cơ hội để cho Trung Quốc khôi phục uy tín, đánh bóng hình ảnh vốn bị lu mờ sau phong trào dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh dẫn đến vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn.

 Trong suốt hai tuần lễ thi đấu, các báo đài Trung Quốc muốn cho thấy một ‘‘xã hội hài hoà’’, nhưng đằng sau bức tranh hơi lý tưởng ấy, vẫn còn nhiều điều bất cập. Báo Libérration dẫn lời của ông Ngải Vị Vị, nghệ sĩ ly khai, từng tham gia vào việc thiết kế công trình sân vận động Tổ chim. Theo ông, Thế vận hội Bắc Kinh là một điều rất tốt, nhưng lại dùng sai mục đích.

Tổ chim nói riêng và Olympic nói chung đã bị chính quyền sử dụng như một công cụ để tuyên truyền cho chế độ. Rốt cuộc theo ông, Olympic Bắc Kinh 2008 chỉ phục vụ cho chính quyền, chứ không phải là cho toàn quốc.

Thế vận hội tác động đến đời sống người dân

Liên quan đến Thế vận hội Luân Đôn 2012, báo La Croix cho biết là vụ tai tiếng liên quan đến công ty G4S vẫn tiếp diễn. Công ty này đã ký hợp đồng trị giá 80 triệu bảng Anh (133 triệu đô la) với Ủy ban Thế vận và đáng lẽ ra phải tuyển hai ngàn nhân viên an ninh cho Olympic 2012. Rốt cuộc thì công việc tuyển người lại bị bỏ lỡ, và những lý do mà công ty G4S đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ, lại chẳng thuyết phục được ai.

 Vấn đề ở đây là báo chí Anh lại vừa phanh phui ra thêm một số chi tiết mới. Theo đó, các chi phí liên quan đến việc điều hành công ty đã tăng gấp bảy lần từ 7,3 triệu lên tới 57 triệu bảng Anh. Trong khi đó chi phí dành cho việc tuyển dụng nhân viên an ninh thì lại tăng rất ít (tăng thêm 2,8 triệu Anh kim). Báo chí Anh đặt ra câu hỏi : với cách làm ăn như vậy, thì ban giám đốc điều hành công ty G4S có xứng đáng được tăng lương hay không, trong khi nhân viên an ninh chỉ được trả từ 6 đến 8,5 bảng Anh (từ 9 cho đến 13 đô la) cho mỗi giờ làm việc ?

Vấn đề này có nguy cơ trở thành một hạt sạn làm khựng lại một cỗ máy khổng lồ. Ủy ban Thế vận của Anh đòi phải triển khai 23 ngàn nhân viên để bảo đảm an ninh cho Olympic 2012 (Tại Bắc Kinh 2008, số nhân viên an ninh là 150 ngàn). Điều đó đã buộc chính phủ Anh phải huy động thêm quân đội.

Từ một lực lượng ban đầu là 7500 binh lính, nay được tăng cường thêm 1200 quân. Theo báo La Croix, vấn đề an ninh bao trùm Olympic 2012, bởi vì dư luận Anh vẫn còn bị ám ảnh bởi các vụ khủng bố tại Luân Đôn tháng 7 năm 2005, khiến 52 người thiệt mạng. Điều tế nhị ở đây là ban tổ chức Olympic phải làm thế nào để cho lực lượng an ninh làm việc hiệu quả, có mặt đông đảo trong thành phố nhưng vẫn kín đáo để cho du khách nước ngoài và người dân thủ đô không có cảm tưởng là họ đang sống trong một thành phố bị ‘‘chiếm đóng’’.

Nếu như người Anh sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện hùng hậu của quân đội trong thành phố, thì họ cũng không khỏi bực mình trước những xáo trộn mà Thế vận hội Luân Đôn gây ra trong đời sống hàng ngày. Và đó là chủ đề của bài viết đăng trên tờ Le Figaro.

Đường xá ùn tắc giao thông, hệ thống xe điện ngầm vốn đã đông người vào giờ cao điểm lại càng có nguy cơ thêm chật cứng. Andrew, một chuyên viên kế toán sống ở trung tâm thủ đô, cho biết là anh sẽ vắng mặt trong suốt mùa Thế vận hội. Andrew không cố tình làm như vậy, nhưng anh rất mừng khi công ty gửi anh đi công tác ở nước ngoài. Theo anh, thành phố Luân Đôn vào những ngày thường, đã gặp khó khăn vào giờ cao điểm, nay với lượng người từ khắp nơi đổ về, sẽ trở thành một cơn ‘‘ác mộng’’.

Ngay vào sáng hôm nay, Luân Đôn áp dụng các quy định mới về giao thông. Một số con đường chỉ dành riêng cho xe cộ vận chuyển các đoàn thể thao. Điều đó đã ảnh hưởng ngay tức khắc đến lượng xe cộ lưu thông và tạo ra hiện tượng kẹt xe khổng lồ.

 Những người phàn nàn đầu tiên là dân phải lái xe đi làm từ ngoại ô vào trung tâm, kế đến nữa là các tài xế taxi. Cách đây hai ngày họ biểu tình phản đối quy định mới, tác động trực tiếp đến công ăn việc làm của họ. Rất nhiều công ty có văn phòng trụ sở nằm trong khu vực trung tâm đã yêu cầu nhân viên một là làm việc ở nhà, hai là đến sở làm sớm hơn hoặc là muộn hơn để tránh giờ cao điểm. Đó là trường hợp của Markus Sfikas, một nhân viên làm việc trong ngành quảng cáo. Anh có thể đến sở làm trước 7 giờ sáng hoặc là sau 10 giờ rưỡi.

Còn ông Phil Hart thì là chủ công ty chuyên bán vé du lịch trên mạng internet. Ông đã yêu cầu 50 nhân viên của công ty làm việc ở nhà thay vì phải đến sở làm. Nhưng ông phải công nhận rằng đối với những người không có thể làm việc từ xa, và buộc phải có mặt ở công ty thì quả thật là không dễ dàng sắp xếp một chút nào.

 Trái với Libération, báo Le Figaro ít khi nào chơi chữ nhưng trong trường hợp này cũng dùng cách so sánh ví von. Theo tờ báo, người Anh cũng như người Pháp thường hay có cái tật phàn nàn. Lẽ dĩ nhiên là họ vui mừng khi Thế vận hội được tổ chức trên đất Anh, nhưng trước mắt, người dân thủ đô Anh bên cạnh những phiền toái trong công việc, phải gánh thêm khó khăn trong việc di chuyển đi lại. Vì thế cho nên, Thế vận hội 2012 làm cho người khác mĩm cười, nhưng ở Luân Đôn, dân lại nghiến răng.

Tower Bridge thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới 

Trong lãnh vực văn hóa, du khách đến Luân Đôn, thế nào cũng phải ghé thăm một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Anh Quốc, trong đó dĩ nhiên là có chiếc cầu Tower Bridge, nơi đang treo 5 chiếc vòng rực rỡ màu sắc Thế vận hội. Tower Bridge ở Luân Đôn đứng hạng nhì trong số những chiếc cầu nổi tiếng nhất thế giới theo bảng xếp hạng của tạp chí du lịch Condé Nast Traveller, chỉ thua có một mình chiếc cầu Golden Gate nối liền hai thành phố San Francisco và Sausalito.

Trong vòng nhiều thập niên, Golden Gate Bridge là chiếc cầu treo lớn nhất thế giới. Nước Mỹ còn rất nổi tiếng với chiếc cầu Brooklyn Bridge đứng hạng ba trên danh sách. Đúng như tên gọi của nó, cây cầu nối liền Manhattan với khu phố Brooklyn với đặc điểm là có hai tầng, tầng dưới dành cho xe cộ, tầng trên dành cho xe đạp và khách bộ hành. Cho tới giờ này, Brooklyn Bridge là một những hình ảnh dễ bắt gặp nhất trong các bộ phim quay tại New York.