Home Tin Tức Thời Sự Xung đột Biển Ðông có thể xảy ra

Xung đột Biển Ðông có thể xảy ra PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 25 Tháng 7 Năm 2012 15:44

Bắc Kinh gia tăng lấn chiếm, Việt Nam gửi công hàm phản đối

BẮC KINH (NV) - Cường độ căng thẳng trong sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông ngày một diễn tiến với những hành động nguy hiểm hơn. Hậu quả, xung đột võ trang rất có thể sẽ xảy đến, theo một bản nghiên cứu của tổ chức Nghiên Cứu Xung Ðột Quốc Tế ICG (International Crisis Group) trụ sở ở Brussels, Bỉ.

 

Bức ảnh được Tân Hoa Xã công bố, chụp các cử tri Trung Quốc của cái gọi là thành phố Tam Sa đi bỏ phiếu bầu Hội Ðồng Nhân Dân và thị trưởng hôm 23 và 24 tháng 7, 2012. (Hình: AP Photo/Xinhua, Hou Jiansen)

 

Trong bản tường trình có tựa đề “Khuấy động Biển Ðông,” mới nhất, ICG cho rằng triển vọng giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình “có vẻ ngày một giảm thiểu.”

Nhất là mới đây, hiệp hội 10 nước ASEAN đã không ra nổi một bản tuyên bố chung theo thông lệ đã có suốt 45 năm.

 Lý do duy nhất là không đồng ý được với nhau về một số từ ngữ liên quan đến Biển Ðông nơi những căng thẳng đặc biệt giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đang diễn ra.

Cambodia bị cáo buộc là chịu sự chỉ huy của Bắc Kinh để bác bỏ cho bằng được bản tuyên bố chung dù đã được đề nghị tới 18 văn bản khác nhau.

“Không có sự đồng thuận về một cơ cấu giải quyết (xung đột), căng thẳng trên Biển Ðông có thể dễ dàng biến thành một cuộc xung đột võ trang.” Paul Quinn-Judge, giám đốc Á Châu của ICG đưa ra lời khuyến cáo.

“Chừng nào ASEAN không sản xuất nổi một chính sách chung có tính liên kết nhau, thì một bộ quy tắc (có giá trị pháp lý) để giải quyết các tranh chấp không thể thi hành.”

Nói khác, tuy ông Quinn-Judge không nói thẳng ra, người ta đã có thể hình dung ra từ trước, nếu các cuộc họp chỉ đẻ ra được một thứ luật lệ với các từ ngữ mơ hồ, sẽ dẫn đến các lạm dụng và giải thích quy tắc ứng xử khác nhau, tùy chủ ý của một phe.

Bắc Kinh bắn tiếng qua một bài bình luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo rằng một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc chỉ có thể thành hình khi điều kiện “chín muồi.”

Cái “chín muồi” này là phải công nhận cái bị cướp là của kẻ cướp thì mới có thỏa ước chăng.

Bắc Kinh úp úp mở mở trong lời nói nhưng hành động thì rõ rệt muốn gần hết Biển Ðông là ao nhà của họ. Mấy cái vạch “Lưỡi Bò” không được ai công nhận, liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines, vẫn là cái mà Bắc Kinh áp đặt qua hành động.

Ngày 21 tháng 6, 2012 Bắc Kinh thành lập chính thức thành phố cấp huyện 'Tam Sa' bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và Trung Sa do Philippines xác định chủ quyền.

Ngày 23 tháng 6, 2012, Bắc Kinh cho đấu thầu 9 lô dò tìm và khai thác dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi gần bờ biển Việt Nam nhất chỉ có 37 hải lý.

Ngày 12 tháng 7, 2012, Trung Quốc đưa 29 tàu đánh cá và một tàu tiếp liệu chạy biểu diễn để quay phim và chụp hình tuyên truyền ở một số bãi đá ngầm mà Bắc Kinh mới cướp của Việt Nam từ những năm 1988 trở về sau.

Ngày 19 tháng 7, 2012 Bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan báo cho thành lập cơ quan chỉ huy quân sự rồi sau đó ngày 21 tháng 7 tổ chức bầu cử “đại biểu nhân dân khóa I” của cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Mới đây, ngày 23 tháng 7, 2012 tờ Giải Phóng Quân Nhân Dân (báo tuyên truyền Bộ Quốc Phòng Trung Quốc) đưa tin về kế hoạch xây dựng căn bản 3 năm của Hải Quân Trung Quốc nhằm, bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

Bãi đá ngầm mà Bắc Kinh gọi là đảo Chử Bích (Zhubi reef) tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm, xây dựng công sự phòng thủ gồm cả đài radar và bãi đáp trực thăng. (Hình: Kyodo news)

 

Bản tin này không thấy đưa ra chi tiết gì nhưng hãng thông tấn Kyodo của Nhật đưa ra tấm hình cho thấy Bắc Kinh, ngoài 3 tòa nhà công sự kiên cố, Bắc Kinh đã xây dựng đài radar trên tòa nhà 4 tầng ở bãi đá ngầm Chử Bích (Zhubi reef hay là Subi reef). Cũng tại đây đã được xây dựng một bãi đáp trực thăng.

Trong cái kế hoạch 3 năm đó, những bãi đá ngầm kia đã chiếm của Việt Nam sẽ được xây dựng tương tự như thế?

Tân Xán Vinh, giáo sư tại đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói trên tờ Trung Quốc nhật báo, bây giờ đối với vấn đề Biển Ðông (mà họ gọi là biển Hoa Nam) “Chiến lược của Trung Quốc là chuyển từ duy trì ổn định tiến sang khẳng định chủ quyền.”

Việc Bắc Kinh loan báo xây dựng cơ sở quân sự cho “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm (họ gọi là Vĩnh Hưng) chỉ là chính thức loan báo để thách thức Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc đã liên tiếp xây nhiều doanh trại cơ sở quân sự, đài radar, trụ phát sóng viễn thông, cảng biển, phi trường từ mấy năm qua. Bắc Kinh biến đảo này thành một căn cứ quân sự trên biển từ lâu.

Bản tường trình của ICG nêu ra rằng, “Bắc Kinh đã tích cực khai thác sự chia rẽ các thành viên ASEAN bằng cách đề nghị những sự đối xử tốt đẹp hơn nếu hậu thuẫn cho quan điểm của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Ðông.”

ICG cho rằng sự thiếu đoàn kết trong số các nước tranh chấp chống Trung Quốc cùng với một khung cơ chế đa phương yếu ớt, gây trở ngại cho sự tìm kiếm giải pháp.

“Tất cả các khuynh hướng đều đi ngược chiều và triển vọng cho các giải pháp đang giảm bớt.” Bản tường trình viết.

Theo ICG, như thế, sẽ dẫn đến leo thang các biến cố, kể cả những vụ đối đầu như xảy ra ở Scarborough shoal Philippines xác nhận chủ quyền mà Bắc Kinh đưa đoàn tàu hải giám và tàu đánh cá đông đảo hơn tới áp đảo và xua đuổi.

ICG cho rằng cách tốt nhất để hạ nhiệt tranh chấp là các bên nên thỏa thuận với nhau để phân chia tài nguyên thiên nhiên. Nhưng chia thế nào lại là cả vấn đề.

 

Trung Quốc làm lễ thượng kỳ tại đảo Phú Lâm (TQ gọi là Vĩnh Hưng đảo). (Hình: Tân Hoa Xã)

 

Bắc Kinh chỉ muốn thảo luận giải quyết tranh chấp tay đôi, đưa vào thế bá quyền nước lớn. Việt Nam, Philippines muốn vấn đề quốc tế thì phải giải quyết đa phương. Báo chí của Bắc Kinh thường xuyên đe dọa cả Việt Nam và Philippines bằng những lời lẽ dữ dằn.

Ngày Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội đưa ra lời tuyên bố, “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam sa' và triển khai các hoạt động đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị.”

Dịp này, ông Nghị cho hay Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại Giao Trung Quốc.

Các phản ứng của Việt Nam với các hành động lấn chiếm ngang ngược của Bắc Kinh chỉ là những lời phản đối suông. Hệ thống báo chí tuyên truyền của chế độ Hà Nội thì cũng chỉ thấy có những bài viết nhẹ nhàng, hoặc đăng tải lại lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao. Trong khi đó, người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước thì bị cấm cản. (TN)