Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Năm, 26 Tháng 7 Năm 2012 13:28

 Mùa hè nóng bỏng của kinh tế Tây Ban Nha


Ngân hàng Tây Ban Nha Santander bị kéo vào cơn xoáy khủng hoảng (REUTERS /Susana Vera)

 

Nỗi lo kinh tế châu Âu là chủ đề bao trùm các báo Pháp ra hôm nay. Nếu như hầu hết các báo đều có ít nhất một bài liên quan đến thông báo của chính phủ Pháp hôm qua nhằm cứu vớt ngành công nghiệp xe hơi của nước này  thì nhật báo Liberation lấy trường hợp Tây Ban Nha làm chủ đề chính bằng một từ cô đọng "thua lỗ", viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Mặc cho Liên Hiệp Châu Âu liên tục đưa ra các kế hoạch cứu vớt nhưng kinh tế Tây Ban Nha vẫn đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Nghiêm trọng hơn nữa, theo Libération, bị buộc phải vay nợ với lãi suất không thể chịu nổi, Madrid tính chuyện quay sang cầu cứu Bruxelles để được cung cấp tiền.

 Điều này có nguy cơ kéo theo nước Ý rồi tiếp đó là cả khu vực đồng euro sẽ bị cuốn sâu vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính.

Các chỉ số kinh tế của Tây Ban Nha giờ đây buộc đất nước này phải chịu lãi suất vay 10 năm lên tới 7,6 %, mức lãi suất kỷ lục từ khi hình thành khu vực đồng euro. Điều này có nghĩa là các thị trường tài chính, đặc biệt là của quốc tế đang ngày càng lưỡng lự không muốn cho Tây Ban Nha vay tiền để trang trải.

Viễn cảnh Madrid bị cấm cửa đi vay như Athènes, Dublin hay Lisboa không còn là xa nữa. Đến khi đó, khu vực đồng euro buộc phải rút hầu bao chung ra để hỗ trợ thành viên này. Trong khi đó, các nước châu Âu thì không còn có đủ khả năng để trợ giúp nhau nữa. Hệ quả là khu vực đồng euro tiếp tục bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn nợ nần.

Tờ báo đi vào lý giải vì sao Tây Ban Nha lại khiến thị trường tài chính lo ngại.

 Theo Libération, vấn đề chính của Tây Ban Nha là ngân hàng không còn khả năng huy động vốn do bong bóng bất động sản bị vỡ. Thêm vào đó là tình hình kinh tế ảm đạm làm cho ngân sách Nhà nước bị thâm hụt. Mặc dù chính phủ phải cắt giảm chi tiêu để cân đối ngân sách nhưng các thị trường tài chính đánh giá nợ công của nước này sẽ không kiểm soát được. Trong hoàn cảnh như vậy, việc các nhà đầu tư rút khỏi Tây Ban Nha là điều không thể tránh khỏi.

Libération đặt câu hỏi, vậy khu vực đồng euro làm gì để hỗ trợ Tây Ban Nha ?

 Quả thực là không làm được gì nhiều nhất là chỉ riêng nợ công của Tây Ban Nha cũng đã lên tới gần 800 tỷ euro, tức là cao hơn cả ba nước đang được khối này trợ giúp. Nếu đổ hết tiền vào cứu Tây Ban Nha thì Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ( FESF) sẽ cạn kiệt.

Ngân hàng trung ương châu Âu thì vẫn đắn đo chưa biết can thiệp được tới đâu. Tóm lại, theo tờ báo thì giải pháp cho khủng hoảng Tây Ban Nha về mặt chính sách cũng như tài chính có vẻ vẫn còn xa vời.

Pháp tìm cách cứu ngành xe hơi qua khủng hoảng

Tiếp tục với đề tài kinh tế nóng hổi của nước Pháp. Hôm qua, chính phủ thông báo sẽ chi ra 1,8 tỷ euro để hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe hơi của Pháp đang điêu đứng vì thua lỗ. Nguồn tiền này được dành hỗ trợ các nhà xản xuất xe hơi Pháp tập trung vào chế tạo các loại xe gọi là sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời trợ giúp các công ty thầu gia công các chi tiết xe hơi và các nhà sản xuất gặp khó khăn.

Đổi lại, chính phủ yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi phải duy trì hoạt động các nhà máy và các phòng nghiên cứu ở trong nước Pháp.

 Chủ trương của chính phủ đã gây nhiều phản ứng khác nhau của dư luận báo chí cũng như các giới tại Pháp. Đối với báo Le Figaro, quyết định này chẳng những không mang lại đột phá gì mà chính phủ sẽ phải tốn kém tiền của rất nhiều trong khi chi tiêu công đang cần phải thắt lại.

Các báo đều có chung một nhận định biện pháp mới của chính phủ cũng chưa chắc gì đã cải thiện được vấn đề công ăn việc làm trong ngành công nghiệp đang xuống dốc này của Pháp.

Châu Âu có nên bỏ qua nguồn tài nguyên khí đá phiến ?

Một chủ đề khác vẫn liên quan đến kinh tế được Le Monde lưu ý tới đó là vấn đề khai thác khí đá phiến, gần đây gây nhiều tranh luận tại Pháp.

Việc khai thác khi đá phiến vẫn bị cấm vì những tác động tổn hại đến môi trường. Trong bài xã luận mang tiêu đề « chúng ta đừng bỏ quên cuộc tranh luận về khí đá phiến », Le Monde dẫn ra thí dụ ở nước Mỹ với nhận định « việc khai thác khí đá phiến ở Mỹ đang gây ra những đảo lộn kinh tế và chiến lược năng lượng trên quy mô lớn.

Dưới lòng đất của châu Âu chắc hẳn cũng có ngùôn khí tự nhiên này. Vì thế châu Âu không thể không đặt vấn đề : Thực sự có nên từ chối nguồn tài nguyên này ? 

 Theo Le Monde , việc khai thác khí đá này đã mang lại nguồn lợi lớn cho nước Mỹ trong chiến lược năng lượng. Chỉ trong vòng vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ còn trở thành nhà xuất khẩu năng lượng. Rất nhiều công ty lớn đã bắt đầu tính chuyện cắm nhà máy của họ ở Mỹ để tận dụng nguồn năng lượng rẻ của nước này.

Kinh tế Hoa Kỳ cũng đang trên đà phục hồi nhanh chóng. Đó là nhờ một phần vào việc khai thác khí đá phiến, giúp cho nước này độc lập về năng lượng.

 Tất nhiên, việc khai thác khí đá phiến có những hệ lụy về môi trường nhưng nước Mỹ dám làm và đã tìm ra những giải pháp kỹ thuật cho việc khai thác với những chuẩn mực khắt khe nhất.

Trong khi đó châu Âu lại né tránh, thậm chí không muốn đặt vấn đề thảo luận xung quanh việc khai thác khí đá phiến, một nguồn tài nguyên mang lại nhiều lợi ích , nhất là trong hoàn cảnh lục địa này đang loay hoay tìm cách thóat khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tờ báo đặt câu hỏi làm sao có thể sáng tạo hay tiến bộ gì khi mà ngay cả việc thăm dò cũng bị cấm ? Và tờ báo kết luận, hồ sơ này cần phải được đem ra tranh luận tại Pháp.

Công khai đời tư của Kim Jong Un, một dấu hiệu thay đổi ?

Nhìn sang châu Á, Le Figaro chú ý tới việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chính thức giới thiệu người vợ, chấm dứt những đồn đoán suy diễn từ nhiều ngày qua về người phụ nữ phụ nữ bí ẩn luôn cặp kè bên cạnh vị lãnh tụ trẻ tuổi trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng Bắc Triều Tiên gần đây.

Chính tại công viên giải trí ở Bình Nhưỡng, ngày hôm qua bí mật về « đệ nhất phu nhân » của đất nước khép kín nhất thế giới đã được vén màn. Đó chính là « đồng chí Ri Sol-Ju », theo như lời giới thiệu của đài truyền hình Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên người ta vẫn không biết rõ họ đã cưới nhau từ bao giờ và người phụ nữ hạnh phúc nhất Bắc Hàn kia là ai.

Vẫn lại là những suy đoán rằng có thể cô là một ca sĩ nổi tiếng với bài hát « Tôi yêu Bình Nhưỡng » và bài « Chúng ta, đội quân của đảng », rằng chàng trai trẻ họ Kim đã có được mối diễm tình với cô ca sĩ này từ hồi du học tại Thụy Sĩ và mối tình này từng bị người cha quá cố Kim Jong Il cấm đoán trong một thời gian dài …

Câu chuyện tình của họ chỉ có vậy nhưng điều được dư luận chú ý là sự kiện này đánh dấu một sự thay đổi trong phong cách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Giới quan sát lại suy đoán : Liệu sự thay đổi đó có phải là dấu hiệu vị lãnh đạo mới này sẽ đưa Bắc Triều Tiên rẽ sang con đường cải cách hay không ?

Le Figaro cũng ghi nhận trong thời gian gần đây báo giới lại rộ lên những đồn đoán xung quanh việc thay đổi bộ máy lãnh đạo dưới quyền của tân lãnh tụ tối cao với việc loại bỏ vị phó nguyên soái Ri Yong Ho đầy quyền lực hồi tuần trước.

Theo một nguồn tin được Reuters dẫn lại, chính phủ Bình Nhưỡng có thể đã cho triển khai một « nhóm cải cách kinh tế » trong đảng Lao động Triều Tiên. Nhưng cải cách thế nào ?

Tại Seoul, nhiều chuyên gia nhận định những bước đi đầu tiên có thể sẽ dựa trên các công ty liên doanh với Trung Quốc. Bắc Kinh thực ra đã gây sức ép mạnh với lãnh đạo Bình Nhưỡng phải cải cách để tránh cho chế độ khỏi bị sụp đổ bất ngờ.

Theo ông Paik Hak Soon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul thì có thể miền bắc sẽ đặt trọng tâm vào cải cách trong nông nghiệp, bắt đầu từ việc giảm dần quy mô của các nông trại tập thể. Việc làm này sẽ giống như phong trào do Đặng Tiểu Bình khởi xướng tại Trung Quốc ở cuối thập niên 1970 để chuẩn bị bước vào các cải cách kinh tế lớn.

 Chuyên gia Paik Hak Soon tin là sẽ có cải cách và mở cửa ở Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Daniel Pinkston, một chuyên gia của tổ chức mang tên International Crisis Group (ICG) thì lại tỏ ra hoài nghi nhiều hơn về chuyện cải cách ở Bắc Triều Tiên. Theo ông việc chuyển quyền lực từ thái cực này sang thái cực kia không hẳn đã báo hiệu một luồng gió mới.

Theo ông « sự biến chuyển thực sự chỉ có được khi ta nhận thấy có sự thay đổi trong tư tưởng, trong luật pháp. Hiện tại thì điều này không có ở Bắc Triều Tiên.

Tổ chức Thế vận hội, một ván bài kinh tế nhiều rủi ro

Ngày mai (27/07/2012) Thế vận hội mùa hè Luân Đôn chính thức khai mạc. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này vẫn luôn được đi kèm với các cơ hội kinh tế.

 Sau 7 năm đầu tư và tích cực chuẩn bị, nước chủ nhà Anh Quốc liệu có hy vọng Olympic Luân Đôn sẽ bù lại xứng đáng cho sức người, sức của của họ bỏ ra hay không ? Hệ quả kinh tế sau Olympic liệu có giúp vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu của nước Anh như hiện nay ? Đó là những câu hỏi được đặt ra ở Anh Quốc .

Le Figaro nhận thấy đặt cược kinh tế vào việc tổ chức Thế vận hội là nguy hiểm. Để chuẩn bị đón Olympic 2012, chính phủ Anh đã đầu tư 11,9 tỷ euro vào việc xây dựng các công trình chính của Thế vận hội, thêm vào đó là 7,7 tỷ euro dành cho nâng cấp hệ thống giao thông.

Theo các chuyên gia thì khoản tiền đầu tư này rất khó thu được lời. Thủ tướng Anh David Cameron hy vọng trong vòng 4 năm nữa Anh sẽ thu lại khoảng 16, 6 tỷ euro.

Ở nước Anh, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các khoản chi tiêu tiền tỷ như vậy đặc biệt trong thời buổi kinh tế eo hẹp như hiện nay, khi mà chính phủ của ông David Cameron đang cố gắng tìm cách cắt giảm chi tiêu ở hầu khắp mọi lĩnh vực.

Theo Le Figaro, thành công về mặt tài chính đối với nước tổ chức Thế vận hội Olympic luôn là một ván bài đặt cược khó như là người ta đánh cược ai đạt huy chương vàng môn chạy 100 m. Từ trước tới nay mới chỉ có vài thành phố đăng cai tổ chức Olympic là thắng cuộc. Đó là : Los Angeles, Barcelona, Atlanta. Hầu hết các thành phố khác được đăng cai tổ chức đều bị thua lỗ.

Tồi tệ nhất là trường hợp của Athènes Hy Lạp, các đầu tư của họ chưa hề thu lại được vốn chưa nói là lãi. Có lẽ vì thế mà nước Ý đã rút đơn xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020, trong khi đó Madrid, đã trượt đăng cai ở 2 kỳ Olympic mùa hè 2012 và 2016, nay đang đắn đo xem có tiếp tục ra ứng cử đăng cai kỳ Thế vận 2020.

Vấn đề là để có tiền chi phí cho việc chuẩn bị Thế vận hội, nước chủ nhà phải vay ngắn hạn một lượng tiền rất lớn trước khi tính nghĩ đến chuyện thu lại vốn.