Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Chúa Nhật, 29 Tháng 7 Năm 2012 15:26

 Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ

 

Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và vợ là bà Cốc Khai Lai trong lễ tang ông Bạc Nhất Ba ngày 17/01/2007.
REUTERS/Stringer/Files

 

Le Monde Magazine tuần này đã dành đến bảy trang báo cho bài viết mang tựa đề « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ».

Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này và cho rằng Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Đang mùa hè, các tuần báo Pháp có khuynh hướng chọn những đề tài nhẹ nhàng để giới thiệu với độc giả.

 Le Nouvel Observateur số tuần này dành nhiều trang báo cho chủ đề « Triết lý của hạnh phúc », Le Point nói về triết gia Hy Lạp Epicure.

 Nhân Thế vận hội Luân Đôn khai mạc, Le Courrier International đặt ra vấn đề « Vận động viên ống nghiệm » : Khi khoa học vào cuộc – từ trang thiết bị hiện đại cho đến doping, các biện pháp phân tích đặc thù, khiến các cuộc tranh tài đỉnh cao giữa các vận động viên trở thành cuộc đọ sức của các nhà khoa học và kỹ sư.

Về nước Pháp, tuần báo L’Express đăng chân dung Tổng thống François Hollande trên trang nhất với tựa đề « Người thôi miên », khi ông hoãn lại các cải cách, ru ngủ người dân Pháp…theo như nhận định của tờ báo.

Về châu Á, Le Monde Magazine đăng tấm ảnh cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, phía sau là lá cờ đỏ với búa liềm vàng của đảng Cộng sản Trung Quốc và chạy tựa « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ».

Sát nhân, quyền lực và tham nhũng

Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này. Một buổi tối tháng 11/2011, trong một căn phòng của khách sạn Lijing Holiday sang trọng cách Trùng Khánh hơn một chục cây số, cho thuê với giá 400 đến 600 euro một ngày, người ta phát hiện doanh nhân Anh Neil Heywood đã chết.

Nguyên nhân cái chết của doanh nhân 41 tuổi, được báo cho người vợ Trung Quốc và lãnh sự quán Anh ở Trùng Khánh, là do trụy tim vì quá chén.

Vương Lập Quân (Wang Lijun) , giám đốc công an Trùng Khánh – một nhân vật nổi tiếng thanh liêm ở Liêu Ninh được Bạc Hy Lai (Bo Xilai) mời về để quét sạch bọn mafia – quyết định tiến hành điều tra, cho lấy một mẫu da của tử thi để làm xét nghiệm, ngay trước khi đem đi thiêu. Con người này rất mê lãnh vực pháp y, ông ta âm thầm làm việc với một nhóm người thân tín.

Theo lời kể của những người thân cận Vương Lập Quân cho tờ New York Times, thì ngày 18/01/2012 Vương Lập Quân đã trình cho Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai kết luận về cái chết của Neil Heywood : đó là do bị đầu độc, mà thủ phạm không ai khác hơn là bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), vợ ông Bạc Hy Lai.

Nhân vật quyền lực đứng đầu Trùng Khánh tỏ vẻ chấp nhận mở điều tra. Nhưng ông ta đổi ý rất nhanh : Vương Lập Quân bị cách ly khỏi vụ án này, và ba trong số các nhân viên tham gia điều tra bỗng mất tích một cách khó hiểu.

Ngày 6/2, viên chức công an cao cấp trên bí mật dùng xe hơi đến Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở kế cận. Tiếng đồn lan truyền nhanh chóng trên mạng Vi Bác : Vương Lập Quân đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ. Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, Hoa Kỳ rồi Trung Quốc nhìn nhận là ông ta đã ở đây suổt cả đêm, trước khi được giao lại cho các viên chức an ninh cao cấp từ Bắc Kinh đến.

Lúc đó chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm Tập Cận Bình viếng thăm chính thức nước Mỹ, và trong năm sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất của Đảng, vụ này có tầm quan trọng rất lớn.

 Ngoài Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang), bảy thành viên thường trực còn lại của Bộ Chính trị sẽ được chọn ra, trong đó Bạc Hy Lai là một ứng viên sáng giá.

Ngày 15/3, Bạc Hy Lai cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và đến ngày 10/4 vào 23 giờ khuya, thêm một quả bom tấn nữa được tung ra : Bạc Hy Lai bị điều tra nội bộ vì « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng », còn bà Cốc Khai Lai là nghi can trong vụ sát hại doanh nhân Anh.

Hai tháng sau, những người thân cận Bạc Hy Lai trong chính quyền Trùng Khánh đều bị loại ra ngoài.

Bạc Hy Lai, ngôi sao đỏ đã tắt

Việc xét xử ba nhân vật chính trong xì-căng-đan này sắp diễn ra, nhưng không ai trông đợi vào một phiên tòa minh bạch. Một loại tòa án binh đang chờ đợi Vương Lập Quân vì tội phản quốc, bên cạnh đó còn về chiến dịch chống mafia một cách thô bạo với việc tra tấn và kết tội oan nhiều người.

 Bạc Hy Lai sẽ bị kỷ luật trong nội bộ Đảng. Còn đối với bà Cốc Khai Lai, người ta cho rằng sẽ bị kết án nặng nề, như bà vợ góa của Mao Trạch Đông thời trước – những điểm giống nhau là tham vọng to lớn cũng như cuộc đấu tranh giành quyền lực của người chồng.

Đó là vì nếu họ tộc danh tiếng và quyền uy này có lẽ ít tham nhũng hơn so với những gì chế độ đã nêu ra, theo Le Monde Magazine, cũng nên lướt qua thân thế, sự nghiệp của ông Bạc Hy Lai để nhận diện một động lực khác của sự thất sủng. Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Bạc Hy Lai là một « hoàng tử đỏ », con của cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), một trong tám Bát đại nguyên lão, tức khai quốc công thần của Trung Hoa cộng sản. Ông cũng gặp nhiều gian truân khi người cha bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Sau khi ông Bạc Nhất Ba được phục hồi danh dự, Bạc Hy Lai được chỉ định theo đuổi sự nghiệp chính trị (chỉ có một « hoàng tử đỏ » trong gia đình được làm chính trị, theo quy định do chính Bạc Nhất Ba đặt ra).

Theo kiến trúc sư Pháp Patrick Devillers, một người thân cận khác của họ Bạc, thì « Gia đình Bạc Hy Lai không vướng vấn đề tiền bạc. Đơn giản là họ không cần, và điều đó quá rủi ro cho vị thế của họ ».

Tờ báo cho biết, Bạc Hy Lai có những người bạn hào phóng như tỉ phú Từ Minh (Xu Ming) sẵn sàng chu cấp mọi thứ. Ngoài ra các thành viên trong gia đình như các người anh em của ông đứng đầu các tập đoàn nhà nước, hay chị của bà Cốc Khai Lai là Cốc Vương Ninh (Gu Wangning) rất giàu có, thừa sức chu cấp cho cậu con trai của Bạc Hy Lai du học.

Hai vợ chồng Bạc Hy Lai là biểu tượng hiện đại mà rất ít chính khách Trung Quốc có được.

Các chính khách ngoại quốc và lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia đều có ấn tượng Bạc Hy Lai là một nhân vật cởi mở, thân thiện, gần gũi với phương Tây. Bỗng chốc ông gây ngạc nhiên khi đóng vai trò lãnh tụ phái Tân Mao, gây sốc cho các nạn nhân của Người cầm lái vĩ đại thời trước.

 Chiến dịch đỏ với những bài hát cách mạng, đưa cán bộ về nông thôn, lập kênh truyền hình đỏ…cho thấy một tham vọng vô biên.Thế là Bạc Hy Lai không còn được Thủ tướng Ôn Gia Bảo tín nhiệm, và đợt đại hội năm 2007, một « hoàng tử đỏ » khác là Tập Cận Bình đã được đôn lên ủy viên thường trực Bộ Chính trị.

Lạc lối khi bước lùi về « Đông phương hồng » của Mao

Vương Khang (Wang Kang), một trí thức đã thu thập nhiều tài liệu về lịch sử Trùng Khánh cho rằng Bạc Hy Lai đã lạc lối khi chọn lựa bước lùi về quá khứ.

Theo ông, « Các phương pháp của Mao nhằm giải quyết những vấn đề của Trung Quốc là một thảm họa. Trong bối cảnh khủng hoảng thế giới hiện nay, đã nảy sinh nơi một số hoàng tử đỏ cảm giác về một nhiệm vụ dựa trên nhận thức là chính quyền hiện nay quá mềm yếu trước phương Tây ».

Vương Khang nhận định, việc tăng cường ý thức hệ « đỏ », Đảng, quân đội và công an liên tục được đề cao, là « một loại phát-xít » :

« Như vậy chẳng khác nào nước Trung Hoa vĩ đại cần có một Mao Trạch Đông thứ hai. Trong khi đây là nền đệ nhị cộng hòa (sau đệ nhất cộng hòa của Tôn Dật Tiên). Cần phải chuyển sang đệ tam cộng hòa, và nhất là không quay lại với đế quốc đỏ của Mao ! »

Trong vụ Bạc Hy Lai, cuối cùng thì « quan » công an Vương Lập Quân là một « chú ngựa ô », nhân tố bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ kịch bản có thể nghĩ ra được. Vương Khang nhìn nhận : « Cần phải có lòng can đảm vượt bực và sự thông minh cao độ mới dám làm cái việc chạy vào lãnh sự quán Mỹ. Cú này không ai có thể tưởng tượng ra nổi ».

Vị hoàng tử đỏ, Cốc phu nhân, doanh nhân người Anh và siêu cớm Trùng Khánh đã là chất liệu dệt nên những huyền thoại.

 Bi kịch đã nối kết những nhân vật này lại với nhau là thiên biến vạn hóa, trong một Trung Quốc mà từ ngàn xưa lịch sử không ngừng được viết lại bởi các triều đại mới.

Dư luận về trận lụt Bắc Kinh

Cũng về Trung Quốc, tuần báo The Economist đề cập đến trận lụt tại thủ đô Bắc Kinh mới đây trong bài viết « Dưới nước và lửa ».

Con số người chết ban đầu được đưa ra là 37 người, nhưng cuối cùng là 77, và nhiều người đặt câu hỏi, tiền bạc thay vì đổ vào các công trình vô ích như các tòa nhà chọc trời, công viên Olympic, tốt hơn nên dành cho cơ sở hạ tầng.

Bài báo cho biết, trong vòng 1.000 năm qua, Bắc Kinh đã phải chịu đựng trên 100 trận lụt lớn. Nghiêm trọng nhất là hai trận lụt năm 1626 và 1890, đều xảy ra vào cuối các triều đại mà tham nhũng hoành hành và quản lý tồi tệ.

Hệ thống thoát nước hiện nay của Bắc Kinh có từ thập niên 50, dựa theo thiết kế của Liên Xô cũ, chú trọng hệ thống ống dẫn hơn là miệng cống thoát nước.

Người dân Bắc Kinh đã làm mọi cách để khắc phục hậu quả của trận lụt, từ giúp đỡ những người bị nạn cho đến phổ biến những việc cần làm cho các tình nguyện viên trên mạng xã hội. Nhưng trong một bài viết trên tiểu blog vừa bị xóa mới đây, blogger Li Chengpeng đã kêu gọi những người tình nguyện không nên làm gì nữa.

Nhấn mạnh đến tính chất « lịch sử » của trận lụt vừa rồi, chính quyền Bắc Kinh cố hướng sự chú ý của công chúng vào nỗ lực làm sạch thành phố.

Nhưng nhiều người dân Bắc Kinh vẫn tỏ ra ngờ vực. Chẳng hạn như lời bình sau đây trên một tiểu blog, được trang web China Digital Times dịch ra tiếng Anh :

« Trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi, một vụ nhật thực chỉ diễn ra một lần trong thế kỷ, đã xảy ra hai lần. Một trận lụt mà chỉ xảy ra 500 năm một lần, thực tế có đến mười ; và trận động đất mà người ta nói là chỉ có một lần trong suốt thiên niên kỷ, đã xảy đến hai lần. Điều duy nhất chưa từng diễn ra là một cuộc tổng tuyển cử mỗi 5 năm một lần ».

Lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh đã cắt ngay lời bình luận trên.

Fukushima : Gian lận để giảm độ phóng xạ

Còn tại Nhật Bản, Courrier International trích dịch bài báo của tờ Asahi Shimbun tố cáo « Fukushima, gian lận trong đo độ phóng xạ đối với công nhân ».

 Bài báo tiết lộ đoạn đối thoại giữa nhà quản lý một công ty hoạt động tại nhà máy xảy ra thảm họa với các công nhân làm công việc tẩy độc, yêu cầu họ gian dối trong việc đo độ phóng xạ.

Trong đoạn đối thoại này, người quản lý cấp cao của công ty xây dựng Build-Up, một trong những nhà thầu phụ của Tepco, đã ra lệnh cho các công nhân phải bọc máy đo phóng xạ bằng một lớp chì, để làm giảm chỉ số nồng độ phóng xạ xuống.

 Đa số công nhân đều chấp nhận, chỉ có ba người phản đối. Bị sa thải, ba công nhân trên đã trao cho tờ Asahi Shimbun phần ghi âm của cuộc nói chuyện buổi tối 02/12/2011 trong một phòng khách sạn ở Fukushima.

Sau khi tờ Asahi công bố, người quản lý trên đã biện minh là chỉ muốn cho các công nhân mới khỏi sợ hãi khi máy đo phóng xạ báo động nồng độ vượt ngưỡng cho phép, việc bọc chì chỉ diễn ra từ 30 đến 40 phút và đây chỉ là sáng kiến của cá nhân ông. Nhưng những lý giải này không hề phù hợp với đoạn đối thoại trên đây.

Syria rơi vào nội chiến

Liên quan đến tình hình Syria, tuần báo L’Express trong bài « Syria, hỗn loạn và máu » đã nhận xét, trước sự bất lực của ngoại giao, đất nước này rơi vào nội chiến. Những trận đánh ác liệt, xung đột giữa các cộng đồng, làn sóng người di tản…cuộc khủng hoảng ngày thêm trầm trọng khiến các nước khác phải lo ngại.

Tờ báo nhận xét, 48 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công tự sát ngay tại đầu não cơ quan an ninh Syria làm bốn nhân vật quan trọng trong chính quyền thiệt mạng, thì một mặt trận mới lại mở ra ở Alep. Điều này khiến người ta có thể nhận ra là, các cuộc tấn công khủng bố đã chuyển thành nội chiến.

Ngoại trừ Libya, bài học của Mùa xuân Ả Rập tại Tunisia và Ai Cập cho thấy, chế độ sẽ sụp đổ một khi bị quân đội bỏ rơi.

Có thể hiểu vì sao phe nổi dậy Syria cố thúc đẩy làn sóng đào ngũ trong lực lượng còn trung thành với Bachar Al Assad.

 Theo nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã có 24 tướng lãnh đào thoát, và phong trào này sẽ còn tiếp tục.

Cuba đánh thuế nhập khẩu, gây khó khăn cho tiểu thương

Nhìn sang Cuba, Courrier International dịch lại bài viết của blogger nổi tiếng Yoani Sánchez trên tờ Generación Y từ La Habana mang tựa đề

« Buôn bán nhỏ gặp khó ». Theo tác giả, thì việc chính quyền Raul Castro lại đánh thuế lên các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khiến cho các doanh nghiệp nhỏ Cuba có nguy cơ phá sản.

Có bao nhiêu trong số 387.275 doanh nghiệp nhỏ của tư nhân mới được thành lập trong những năm gần đây sẽ bị ảnh hưởng ?

Chưa thể biết được nhưng theo tác giả bài viết thì con số này rất cao. Từ gia vị, kem, cà phê, xoong chảo, kẹo cho đến sơn móng tay đều phải nhập từ nước ngoài.

 Sau trận bão lớn phá hủy hàng ngàn căn nhà, gây thiệt hại trên 8 tỉ euro vào năm 2008, chính quyền Cuba đã tạm miễn thuế cho thực phẩm nhập khẩu.

Nhưng thuế hải quan lại được áp đặt kể từ ngày 18/6, và như vậy bản án tử đã được dành cho khu vực buôn bán nhỏ, trong một đất nước thiếu thốn nhiều loại hàng hóa, không có các nhà buôn sỉ, và giá thực phẩm thì rất cao.

Tình hình còn có thể phức tạp hơn với việc áp dụng đạo luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 3/9, đánh thuế nhập khẩu lên những món hàng sử dụng cho cá nhân nhưng trị giá vượt quá 50 peso, tương đương 40 euro.

 Lần này không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương, mà cả đến những người dân Cuba muốn cải thiện cuộc sống đôi chút.