Gần 23,000 tàu cá Trung Quốc tràn xuống biển Ðông |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Năm, 02 Tháng 8 Năm 2012 15:12 |
Có gần 9,000 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam và 14,000 tàu của tỉnh Quảng Đông. TAM Á (NV) - Trung Quốc sẽ đưa khoảng 23,000 chiếc tàu đánh cá tràn xuống biển Đông (mà họ gọi là Nam Hải) khi lệnh cấm đánh cá hàng năm trên biển này hết hạn vào ngày Thứ Tư 1 tháng 8, 2012. Trong số 23,000 tàu cá này, có gần 9,000 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam và 14,000 tàu của tỉnh Quảng Đông. Tân Hoa Xã, Trung Quốc Nhật Báo, báo của tỉnh Hải Nam và một số nguồn tin khác ở Trung Quốc cho hay như vậy.
Tàu đánh cá đậu tại cảng cá Tam Á, cực Nam đảo Hải Nam ngày 1 tháng 8, 2012 trước ngày hết hạn cấm đánh cá trên biển Ðông (mà họ gọi là Nam Hải). (Hình: Tân Hoa Xã)
Hàng ngàn tàu đánh cá này, cũng như đoàn tàu đánh cá đông đảo của họ dọc theo biển Quảng Ðông, tạm ngưng xuống phía Nam đánh cá vì vướng lệnh của Bắc Kinh “cấm đánh cá trên Biển Ðông từ 16 tháng 5 đến 1 tháng 8, 2012”. Mục đích chính của lệnh cấm này là ngăn cản ngư dân Việt đánh cá xa bờ vào vụ mùa đánh cá chính trong năm. Bản tin này nói trong số gần 9,000 tàu cá của tỉnh Hải Nam thì khoảng 1,000 tàu đánh cá từ quận Lâm Cao sẽ đánh cá trong vịnh Bắc Bộ, trong khi những đoàn tàu khác sẽ tràn xuống phía Nam, khai thác hải sản trong vùng biển mà họ gọi là thuộc biển ‘thành phố Tam Sa’ mới lập. Việt Nam đã phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên biển Ðông cũng như thành lập thành phố Tam Sa bao gồm các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng trước, tờ Sài Gòn Tiếp Thị thuật lời một số ngư dân và viên chức Việt Nam cho biết, hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác hải sản. Vì tàu của chúng vừa lớn lại hàng đoàn nên mấy tàu cảnh sát biển hay tàu tuần nhỏ bé của Việt Nam không dám cản trở hay bắt giữ. Nhưng các tàu đánh cá của Việt Nam đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản, khi thì bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm tàu, khi bị kéo về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc. Ngày 6 tháng 7, 2012 bốn tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ khi hành nghề khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 8 tháng 7 năm 2012, họ chỉ thả 2 tàu với tất cả 19 ngư dân, còn giữ 2 tàu không trả. Ngày 28 tháng 6 năm 2012, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời Hạ Kiến Bân, chủ tịch tập đoàn đánh cá Bảo Sa (Baosha Fishing Corp.) ở đảo Hải Nam kêu gọi võ trang cho ngư dân Trung Quốc. “Nếu chúng ta đưa 5,000 tàu đánh cá vào biển Nam hải (biển Ðông theo cách gọi của Việt Nam) chúng ta sẽ có 100,000 ngư dân. Nếu chúng ta biến họ thành dân quân, võ trang cho họ, chúng ta có một lực lượng quân sự mạnh hơn lực lượng của các nước khác trong khu vực cộng lại.” Hạ Kiến Bân nói. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phó bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc) thuật lời ông Bân nói trong thời gian cấm đánh cá hai tháng rưỡi thì huấn luyện quân sự cho ngư dân, biến họ thành dân quân “biến họ thành lực lượng trừ bị trên mặt biển và dùng họ để giải quyết vấn đề biển Nam Hải”. Ngày 24 tháng 7, 2012 Trung Quốc tổ chức rầm rộ lễ ra mắt UBND thành phố Tam Sa 45 người, cai trị chỉ có 159 dân lớn bé trên đảo Phú Lâm, nhiều phần mới được đưa tới, trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những ‘đại biểu’ của thành phố cấp huyện Tam Sa thực chất là cán bộ và quân nhân các cấp của Trung Quốc chiếm đóng tại đây được bày hàng để tuyên truyền và củng cố thêm lời tuyên bố chủ quyền của họ. Sau đó, Bắc Kinh loan báo cử hai sĩ quan cấp đại tá cầm đầu lực lượng quân sự của thành phố Tam Sa, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế bày tỏ quan ngại sâu xa khi thấy Bắc Kinh ngày càng gia tăng cường độ thách đố các nước nhỏ phía Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. (T.N.) |