Nhân vật số hai Bắc Triều Tiên công du Việt Nam để học tập kinh nghiệm mở cửa |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Hai, 06 Tháng 8 Năm 2012 08:38 |
Ba triệu người ở Bắc Triều Tiên sẽ cần đến viện trợ lương thực trong năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên Kim Yong Nam (phải) duyệt qua hàng quân danh dự cùng với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 06/08/2012.
Đến Việt Nam từ hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên Kim Yong Nam đã hội kiến với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào hôm nay, 06/08/2012. Nhân dịp này phía Việt Nam loan báo tặng 5.000 tấn gạo cho Bắc Triều Tiên đang bị lũ lụt tàn phá. Theo ghi nhận của báo chí Hàn Quốc, một trong những mục tiêu quan trọng trong chuyến ghé thăm Việt Nam của nhân vật số hai tại Bình Nhưỡng là học tập kinh nghiệm mở cửa. Theo báo chí Việt Nam, mục tiêu chuyến công du của ông Kim Yong Nam, dự trù kéo dài cho đến ngày mai, là nhằm củng cố quan hệ ngoại giao cũng như mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai bên. Năm ngàn tấn gạo Việt Nam cung cấp cho Bắc Triều Tiên là nhằm góp phần giúp Bình Nhưỡng khắc phục phần nào hậu quả lũ lụt, đã khiến ít nhất 169 người thiệt mạng, 400 người bị mất tich, và hàng chục ngàn hecta hoa màu bị phá hủy. Theo AFP, thiên tai đổ ập xuống Bắc Triều Tiên từ tháng Sáu vừa qua, đã trở thành một thách thức cho tân lãnh đạo của nước này là Kim Jong Un, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng nhất kể từ nạn đói những năm 1990 đã giết chết hàng trăm ngàn người. Ngay từ trước khi xẩy ra lũ lụt, Liên Hiệp Quốc đã ước tính là ba triệu người ở Bắc Triều Tiên sẽ cần đến viện trợ lương thực trong năm nay. Theo báo Hàn Quốc Korea Times vào hôm nay, ông Kim Yong Nam đến thăm Việt Nam trong bối cảnh nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách cải tổ kinh tế. Tháp tùng theo ông có Bộ trưởng Ngoại thương Ri Yong Nam và Bộ trưởng Công nghiệp mỏ Kang Min Chol, Báo Korea Times trích dẫn ông Paik Hak Soon, chuyên gia phân tích tại Viện Sejong ở Seoul, cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ là mô hình tương lai cho Bắc Triều Tiên, nhờ đặc tính vẫn duy trì nguyên vẹn hệ thống chính trị độc đảng ngay cả sau khi dần dần thay đổi về kinh tế. Ông Jeong Young Tai, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cũng nhận định rằng Bắc Triều Tiên sẽ muốn mô phỏng cách thức cải tổ kinh tế của Trung Quốc hay chính sách « đổi mới » của Việt Nam. |