Mỹ và Việt Nam khởi động kế hoạch tẩy chất da cam |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Năm, 09 Tháng 8 Năm 2012 12:32 |
Mỹ đã tài trợ 33 triệu đô la cho dự án tẩy độc cho khoảng 73.000 m3 đất từ nay đến cuối năm 2016.
Đại sứ David Shear trong lễ khởi công dự án tẩy chất dioxin (usembassy.gov)
Vào hôm nay, 09/08/2012, tại sân bay Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ USAID đã chính thức phát động dự án xử lý chất độc dioxin – còn gọi là chất da cam – đang gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi ở Việt Nam. Mỹ đã tài trợ 33 triệu đô la cho dự án tẩy độc cho khoảng 73.000 m3 đất từ nay đến cuối năm 2016. Là một căn cứ không quân của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh, Đà Nẵng là nơi được dùng để pha trộn, lưu trữ phần lớn chất khai quang - mà thành tố chính là dioxin – đã được quân đội Mỹ rải ra tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ tham gia vào công cuộc tẩy sạch chất độc do chính họ để lại tại Việt Nam. Phát biểu nhân lễ khởi động dự án tại Đà Nẵng, ông David Shear, đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định : “Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản của quá khứ. Tôi mong chờ nhiều thành công hơn nữa sẽ tiếp nối trong thời gian tới”. Theo báo Nhân Dân tại Việt Nam được hãng tin Reuters trích dẫn, chính quyền Mỹ đã tài trợ 33 triệu đô la cho dự án tẩy độc cho khoảng 73.000 m3 đất từ nay đến cuối năm 2016. Về phần mình, Sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết cụ thể công việc sẽ được thực hiện tại sân bay Đà Nẵng bao gồm việc đào đất và bùn bị nhiễm độc, rồi xử lý bằng cách hâm nóng lên đến nhiệt độ cực cao để hủy hoại loại hóa chất độc hại. Theo đại sứ Mỹ, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang xem xét tình trạng sân bay Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai để áp dụng một chương trình tẩy độc tương tự như tại Đà Nẵng. Cùng với sân bay Phù Cát ở Bình Định, sân bay Biên Hòa cũng được coi là nơi bị nhiễm dioxin một cách nặng nề. Theo hãng tin Pháp AFP, trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ đã thải ra khoảng 80 triệu lít chất da cam trên những khu rừng của Việt Nam với mục tiêu làm rụng lá cây, khiến cho đối phương không còn chỗ trú ẩn núp. Tuy nhiên, độc tố dioxin đã đọng lại trong môi trường, tác hại nặng nề đến sức khỏe con người, với các trường hợp dị tật bẩm sinh, ung thư ... Cho đến nay, phía Mỹ không hề công nhận quan hệ trực tiếp giữa chất khai quang mà họ đã sử dụng với các loại tật bệnh mà theo phía Việt Nam, khoảng 1 triệu người dân Việt Nam vẫn phải gánh chịu. Trả lời hãng AFP, Christopher Hodges, phát ngôn viên sứ quán Mỹ tại Hà Nội, vẫn nhắc lại quan điểm chính thức của Washington trên vấn đề này khi cho rằng quan hệ giữa chất da cam và các loại tật bệnh nơi người bị nhiễm vẫn “không chắc chắn”. Tuy vậy, theo ông Hodges, từ năm 1989 đến nay, Hoa Kỳ đã tháo khoán 54 triệu đô la để giúp đỡ người Việt Nam bị tật bệnh “bất kể nguyên nhân từ đâu”. |