Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-08-2012 |
Tác Giả: Anh Vũ |
Thứ Sáu, 24 Tháng 8 Năm 2012 10:06 |
Nhật Bản : Căng thẳng tranh chấp biển đảo với tất cả các láng giềng
Hai vùng đảo làm Nhật Bản đau đầu : Dokdo/Takeshima (T) và Senkaku/Điếu Ngư.
Thời sự châu Á trong tuần nổi lên với cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản với các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Những động thái xác quyết chủ quyền, cũng như những cuộc khẩu chiến giữa các bên tranh chấp đang làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực đông bắc Á vốn đã không mấy tốt đẹp do những vấn đề lịch sử để lại này. Nhật báo Libération hôm nay đề cập tới chủ đề này nhằm cố gắng giải mã cuộc tranh chấp biển đảo kéo dài dai dẳng thỉnh thỏang lại bùng lên. Theo nhận xét của Libération thì Nhật Bản đã nhận thức được căng thẳng tranh chấp biển đảo trong những ngày qua về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hay Dokdo/Takeshima đang trở nên nghiêm trọng đến mức Tokyo đã phải tính đến chuyện thay thế các đại sứ của họ ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Tờ báo điểm lại những sự kiện trong vụ tranh chấp biển đảo của Nhật. Tháng 7, thủ tướng Yoshihiko Noda đã chọc tức Bắc Kinh với thông báo chính phủ sẽ mua lại ba hòn đảo thuộc tư nhân quản lý nằm trong quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Căng thẳng được đẩy lên cao hơn khi đúng vào ngày kỷ niệm Nhật đầu hàng đồng minh 15/8/ 1945, 14 người Trung Quốc đến từ Hồng Kông đổ bộ lên một đảo nhỏ trong quần đảo này. Những người này sau đó đã bị lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ và trục xuất về nước. Để đáp trả lại hành động đó của người Trung Quốc, một nhóm người Nhật có đầu óc dân tộc chủ nghĩa hôm 19/8 đã trống rong cờ mở làm cuộc hành trình đến Điếu Ngư/Senkaku mà mục đích không ngoài việc xác quyết chủ quyền đối với chuỗi đảo nhỏ. Cũng trong tháng Tám, cuộc tranh giành chủ quyền giữa Tokyo và Seoul cũng bùng lên liên quan đến nhóm đảo mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật gọi là Takeshima. Nguyên do cũng lại do cuộc viến thăm đảo của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Phía Nhật đã phản ứng gay gắt hành động này của nước láng giềng. Trước đó trong tháng 7, Tokyo cũng cảm thấy bị xúc phạm khi thủ tướng Nga tới quần đảo Kuril, hiện do Nga quẩn lý nhưng Nhật vẫn đòi chủ quyền từ sau năm 1945. Libéation đặt câu hỏi : tại sao những căng thẳng đó vẫn kéo dài dai dẳng ? Tờ báo nhận thấy khác với châu Âu, châu Á vẫn không hề thóat khỏi không khí của một cuộc chiến tranh lạnh. Trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, nhà nghiên cứu Khoa học chính trị của Pháp Claude Mayer nhận định « Trung Quốc và Nhật Bản đều chỉ nói đến lợi ích sống còn và các quyền của mình từ trong quá khứ xa xưa mà không hề tính đến Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển hay bất kỳ một thông lệ pháp lý nào » Ngoài tiềm năng về tài nguyên, với Nhật Bản thì một chấm nhỏ trên chuỗi đảo Điếu ngư/Senkaku còn là một vọng gác để chống lại sự bành trướng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Vẫn theo chuyên gia Mayer thì các khu vực biển đảo có tranh nói trên đều nằm trong khu vực chiến lược của con đường hàng hải mà nước nào cũng muốn nắm giữ để bảo đảm an toàn cho việc vận tải hàng hóa của nước mình. Vì vậy mà Nhật lo ngại các nước láng giềng sẽ bóp nghẹt tuyến đường hàng hải của mình. Trong bối cảnh chính trị hiện nay ở các nước trong khu vực như cuối năm nay Hàn Quốc sẽ thay tổng thống, đảng Cộng sản Trung Quốc thì cũng đang sẵn sàng thay một ê-kip lãnh đạo, còn chiếc ghế thủ tướng của ông Yoshihiko Noda cũng đang lung lay trước khả năng bầu cử quốc hội trước thời hạn, vấn đề tranh chấp biển đảo còn có cơ kéo dài. Libération cũng nhận thấy, trong những tháng qua, Tokyo đã liên tục bị mất mặt và gặp phải không ít thách thức xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Đang cạnh tranh với Trung Quốc trong vai trò là thủ lĩnh ở châu Á, Tokyo phải tìm được sự đồng thuận của dư luận trong nước đang hòai nghi về khả năng lãnh đạo đất nước của chính phủ hiện nay, đặc biệt là từ sau vụ tai nạn Fukushima. Macao qua mặt Las Vegas trở thành trung tâm cờ bạc thế giới Phụ trang kinh tế Le Figaro có bài viết về việc Macao đã trở thành trung tâm sòng bạc của cả thế giới. Với 35 sòng bạc và hàng chục triệu du khách hàng năm, mảnh đất thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha được trả về cho Trung Quốc năm 1999, đã truất danh hiệu sòng bạc thế giới của Las Vegas. Macao là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà hoạt động đánh bạc được cho phép. Theo Le Figaro, năm ngoái mảnh đất chỉ có 460 nghìn dân này đã đón tiếp 28 triệu lượt khách tới thăm, chủ yếu là các du kháhc dổ xô đến các sòng bài. Mức doanh thu của các sòng bài Macao trong năm 2010 tăng 70% và 2011 là 42%. Các sòng bạc ở thành phố nhỏ này đã thu về 33 tỷ đô là và dự kiến con số của năm nay có thể lên tới 40 tỷ, đẩy Las Vegas xuống hàng sau. Đáng chú ý là các tay chơi đến từ Trung Quốc đại lục đóng góp đến 70% thu nhập của các sòng bạc ở Macao. Đó là các khách VIP Trung Quốc vẫn còn bị hạn chế nhiều bởi những cố gắng nhằm ngăn chặn tham nhũng, tẩy rửa tiền. Một đại diện của tập đoàn SJM có sở hữu sòng bạc lớn ở Macao cho biết : « Hơn một nửa số khách hàng của chúng tôi đến từ Trung Quốc lục địa, hai phần ba khác đến từ Hồng Kông và Đài Loan ». Tuy nhiên thì bối cảnh kinh tế tại Trung Quốc hiện nay với thị trường chứng khóan Thượng Hải xuống dốc, bất động sản ảm đạm cũng cản bớt cơ sốt cờ bạc của người Trung Quốc. Để bù lại việc khách chơi giảm xuống, Macao đã tính đến chuyện phát triển du lịch đại chúng với các lọai dịch vụ giải trí đa dạng hơn. Nhưng thuế từ các sòng bạc vẫn chiếm 85% thu nhập của đặc khu hành chính này của Trung Quốc. Mêhicô : Bạo lực giết người hoành hành khắp đất nước Liên quan đến các khu vực khác, báo Le Monde quan tâm tới Mêhicô với làn sóng bạo lực, tội ác đang bùng phát dữ dội trong đất nước này. Le Monde dành cả một trang báo với tựa đề « Mêhicô bị ngập chìm trong làn sóng bạo lực ». Tờ báo đặt câu hỏi : Các vụ phạm tội giữa các băng đảng buôn bán ma túy, sát hại lẫn nhau trong gia đình, giữa hàng xóm rồi các vụ ẩu đả chết người…. cái làn sóng bạo lực đang hoành hành khắp đất nước Mêhicô này rồi sẽ còn đi tới đâu ? Le Monde trích dẫn con số của một báo cáo của Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mêhicô mới công bố hôm 20/8 cho biết trong năm 2011, hơn 27 nghìn người dân nước này bị sát hại trong các vụ bạo lực như vậy. Trong vòng 5 năm số vụ giết người tại đất nước Trung Mỹ này đã tăng 306%. Sự bùng nổ con số tội ác đáng sợ này trung hợp với chiến dịch tấn công được chính phủ của tổng thống Felipe Calderon phát động từ năm 2006 nhằm vào các băng đảng buôn bán ma túy. Theo tờ báo thì dường như chiến lược tấn công trực diện của chính phủ lại kéo theo làn sóng bạo lực trong xã hội. Mêhicô giờ đây là quốc gia đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ tội phạm giết người ở châu Mỹ . Có những vùng như tiểu bang Chihuahua ở miền bắc, tỷ lệ các vụ giết người lên tới 131 vụ trên 100 nghìn dân. Le Monde cũng nhận thấy ngoài số vụ giết người liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy, ở Mêhico các loại tội phạm khác như bắt cóc, chiếm đoạt tài sản, mại dâm buôn người cũng phát triển đáng kể . Bản đồ các vụ giết người không còn chỉ giới hạn ở những vùng có các băng đảng tội phạm hoạt động mà đang có xu hướng lan ra khắp các vùng trên toàn quốc. Nạn nhân của các vụ bạo lực chết người cũng không còn giới hạn trong các băng nhóm tội phạm mà mở rộng ra cả giới báo chí, chính trị. Hàng chục nhà báo, thị trưởng đã trở thành nạn nhân. Mêhico đang bị cuốn vào cái vòng xóay của những tội ác man rợ. Điều này cho thấy sự thất bại của cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Calderon dựa trên nguồn tài chính được Hoa Kỳ hỗ trợ từ 6 năm qua. Xã luận báo Le Monde kết luận, thực tế ở đất nước Trung Mỹ này cũng là một thách thức cho cả Hoa Kỳ cũng như châu Âu, nơi thị trường buôn bán ma túy và vũ khí đang phát triển mạnh. Bạo lực ở Mêhicô không phải là vấn đề xa lạ, mà là một vấn đề toàn cầu không thể thờ ơ được. Bất chấp thời tiết thất thường, Paris thắng lớn mùa du lịch năm nay Paris vẫn là tâm điểm thu hút du khách ngoại quốc, đó là nhận định của báo la Croix. Mùa hè ở châu Âu đang bước vào những tuần cuối cùng, mặc dù thời tiết tháng Bảy năm nay không thuận lợi nhưng du khách đến thăm Paris vẫn tăng 15% trong năm nay. Đây là con số đáng mừng cho nước Pháp trong khung cảnh nền kinh tế ảm đạm như hiện nay. Theo La Croix chính việc đồng euro mất giá so với các ngoại tệ khác, đặc biệt là đô la My, đã góp phần vào thắng lợi của Paris trong lĩnh vực du lịch ở mùa hè này. Đó là một yếu tố lý giải cho con số kỷ lục 8 triệu du khách đến thăm Paris trong 2 quý vừa qua, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo con số thống kế của Cơ quan quản lý du lịch Paris thì số lượng du khách Mỹ tăng 15%, khách Anh tăng 8%, khách đến từ khu vực Trung Đông tăng 20%, và khách châu Á tăng 12%. Tuy nhiên du khách từ các nước đang gặp khủng hỏang tài chính như Ý và Tây Ban Nha có giảm đi chút ít. Trong bối cảnh hai tháng 7 và 8 có các sự kiện như Olympic Luân Đôn và tháng chay Ramadan của người hồi giáo thì đạt được số lượng du khách như vậy là một thắng lợi lớn cho ngành du lịch Paris. |