Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-08-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 28 Tháng 8 Năm 2012 08:03

 Phía sau cuộc chiến bản quyền Apple-Samsung

  

Điện thoại iPhone 4S của Apple (trái) và Samsung Galaxy S III (phải). Ảnh chụp ngày 24/08/2012.
REUTERS/Lee Jae-Won

 

Phán quyết của tòa án tiểu bang California hôm 24/0/2012 cho Apple thắng kiện, buộc Samsung phải bồi thường thiệt hại 1,2 tỉ đô la vì vi phạm bản quyền, thực sự đã gây chấn động làng công nghệ cao cấp.

Sự kiện sẽ còn có những tác động lên toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm thông minh của thế giới hiện đại. Dường như cuộc chiến bản quyền giữa các nhà khổng lồ trong lĩnh vực này mới chỉ bắt đầu.

Nhật báo Le Monde trở lại với cuộc chiến Apple-Samsung qua nhận định «Đàng sau Samsung, Apple muốn tiêu diệt Google ».

Trước hết nói về thiệt hại của Samsung sau vụ kiện này. Mặc dù cho biết sẽ làm tất cả để kháng lại quyết định của tòa án San José nhưng trong những ngày qua cổ phiếu của Samsung liên tục giảm. Ngày hôm qua, tại thị trường Seoul, giá trị cổ phiếu của tập đoàn mất 7,5% (mức thấp nhất trong vòng 4 năm nay).

Nếu như vào ngày 20/9 tới, tòa án Mỹ quyết định buộc Samsung rút khỏi thị trường một số sản phẩm theo như yêu cầu của Apple thì việc kinh doanh của nhà chế tạo hàng điện tử cao cấp Hàn Quốc có thể coi như bị sập tiệm, ít ra là cũng trong vòng vài tháng.

Còn nếu như Samsung kháng án ?

 Các thủ tục pháp lý ở Mỹ vô cùng phức tạp, phán quyết về bản kháng án này sẽ không thể có trước năm 2014. Như vậy cũng đủ thời gian để hai bên chuẩn bị vũ khí cho mình. Vì vậy có thể nói vụ kiện này sẽ còn dai dẳng và phúc tạp.

Nhà sản xuất Hàn Quốc cũng chưa buông xuôi. Theo Le Monde, Samsung vẫn còn có những vũ khí lợi hại cho cuộc chiến này. Apple và Samsung vẫn lệ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Nhà chế tạo Hàn Quốc cung cấp 1/3 các linh kiện rời cho nhãn mác Mỹ, trong đó có màn hình phân giải cao vẫn gọi là « Retina ».

Theo các chuyên gia, trong năm 2012, Apple có thể đã phải bỏ ra 10 tỉ đô la để mua chi tiết thiết bị của Samsung, chiếm khoảng trên 5% doanh số của nhãn hiệu quả táo. Trong trường hợp căng quá, Samsung sẽ ngừng cung cấp linh kiện cho Apple, buộc nhà sản xuất Mỹ phải quay sang các hãng khác. Một giải pháp mà theo các nhà phân tích là quá tốn kém. Ngược lại Samsung cũng nắm giữ bằng sáng chế liên quan đến chuẩn « 3G » và Wi-Fi, mà Apple đã vi phạm vì không trả tiền bản quyền cho đối thủ cạnh tranh.

Đằng sau cuộc chiến với Samsung, Apple muốn tiêu diệt Google

Lãnh đạo quá cố của Apple, Steve Jobs đã từng tuyên bố rằng hệ thống khai thác dựa của Google, phần mềm Android là một sản phẩm « ăn cắp » và ông dự tính tuyên chiến với người khổng lồ của dịch vụ tìm kiếm trên mạng này. Có điều là Apple đã không thể tấn công Google trên mặt trận pháp lý bởi sản phẩm này không mang lại lợi nhuận hữu hình cho Google.

Le Monde nhận định, vì thế khi tấn công vào Samsung, được cho là người cầm cờ của sản phẩm Android, Apple muốn nhắm vào Google. Cản chân Samsung trong thị trường Mỹ tức là Apple sẽ ngăn chặn được sự phát triển của Google trong thị trường điện thoại thông minh.

Nếu phán quyết phúc thẩm xử thắng cho cho Apple, sẽ có rất nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh đang khai thác phần mềm Android như HTC của Đài Loan, LG của Hàn Quốc, ZTE của Trung Quốc hay Sony của Nhật phải chuyển hướng sang phần mềm khác như Windows Phone, một hệ khai thác của Microssoft.

Cuộc chiến bản quyền làm dấy lên nhiều vấn đề

Theo Le Monde, cuộc chiến bản quyền đang trở nên khốc liệt trong Thung lũng Sillicon. Số lượng các vụ kiện cáo nhau về bằng phát minh sáng chế giữa các nhà sản xuất không ngừng tăng. Tất cả các nhà chế tạo không ít thì nhiều cũng phải có lần dính vào một vụ tranh chấp sở hữu bản quyền.

Nhưng vụ kiện Samsung với chiến thắng thuộc về Apple đang đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó đặc biệt có vai trò của United States Patents and Trademark Office, cơ quan của Mỹ có chức năng quản lý việc đăng ký bản quyền. Cơ quan này đang bị chỉ trích đã cho đăng ký quá ồ ạt các phát minh sáng chế mà không có sàng lọc, dẫn đến sự chồng chéo lẫn nhau, một nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.

 Xin lưu ý là tờ International Herald Tribune đã thống kê là trong một sản phẩm điện thoại thông minh có tới 250 nghìn bằng phát minh sáng chế.

Một vấn đề khác nữa là phán quyết của tòa án. Đa số các vụ kiện bản quyền tại Mỹ đều được đưa ra phân xử trước một hội thẩm đoàn nhân dân.

 Theo giới quan sát, các thẩm phán của bồi thẩm đoàn nhân dân thường không có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật cần thiết để đưa ra phán quyết cuối cùng một cách công bằng trong các vụ kiện bản quyền. Bằng chứng là trong vụ Apple-Samsung, bồi thẩm đoàn gồm một kỹ sư điện về hưu, một chủ cửa hàng bán xe đạp, một bà nội trợ và một cựu lính thủy.

Theo luật sư Amar tại Mỹ thì thường, các thẩm phán tìm mọi cách để hai bên tranh chấp tìm được một sự dàn xếp. Nhưng trong trường hợp Apple-Samsung không có giải pháp nào, « quả táo » quyết định đi đến cùng để làm gương dù biết có thể họ sẽ bị thua ở tòa phúc thẩm.

Thủ đô Seoul quá tải

Liên quan đến đề tài châu Á, phụ trang kinh tế báo Le Monde có bài đề cập đến tình trạng quá tải đô thị của Seoul. Thủ đô của Hàn Quốc đang tập trung một nửa số dân, 1/3 lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước.

Trước tình trạng phân bố bất đồng, chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách quy hoạch phân bổ lại của cải vật chất và lao động cho đồng đều hơn. Tuy nhiên, có thể việc làm này làm ảnh hưởng đến sự năng động kinh tế của đất nước.

Với người Hàn Quốc, được về thủ đô sinh cơ lập nghiệp quả là một giấc mơ, nhất là đối với những người dân ở vùng thôn quê hay thành phố nhỏ.

Theo tờ báo, hiện tại « vùng thủ đô », sáp nhập với thành phố lân cận Inchon và tỉnh Gyeonggi, có tổng dân số 24,5 triệu người, tức là gần bằng một nửa dân số của cả nước. Lưu ý là vào năm 1960, dân số của Seoul mới chỉ có 2,4 triệu.

Về mặt kinh tế, trong năm 2010, thủ đô có thu nhập trên 200 tỉ đô la Mỹ, tức là chiếm 20% GDP. Toàn vùng Seoul, tập trung 1/3 lực lượng lao động và 50% lượng tiền tiết kiệm của cả nước.

Mặc dù giá cả đời sống đắt đỏ, vấn đề giao thông, ô nhiễm nảy sinh do tập trung dân cư quá cao như vậy, nhưng rất hiếm có người dân Seoul nào muốn rời khỏi thủ đô.

Từng là cố đô của vương quốc Triều Tiên (1392-1910), ngay từ thế kỷ 18, khi đó Seoul chỉ có 200 nghìn dân nhưng đã là một trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế và văn hóa. Sau năm 1945, Seoul trở thành thủ đô chính thức của Hàn Quốc và bắt đầu từ năm 1960, thành phố này mới thu hút sự chú ý của mọi người bởi sức phát triển kinh tế ngoạn mục của đất nước.

Thập niên 1970, những kế họach phát triển tập trung vào công nghiệp nặng đã nhanh chóng đưa Hàn Quốc lên hàng các nước công nghiệp phát triển, đồng thời nhịp độ hiện đại hóa Seoul cũng được đẩy nhanh không ngừng. Nhiều thành phố vệ tinh mọc lên xung quanh thủ đô để đáp ứng các hoạt động công nghiệp hóa đất nước.

Đến cuối thập niên 1980, dân số Seoul đã đạt con số 10 triệu người. Ngay từ khi đó người Hàn Quốc đã nhận ra sự mất cân đối khi tập trung quá nhiều vào vùng thủ đô. Chính quyền đã thông qua bộ luật về quy hoạch các thành phố, hạn chế xây dựng thêm các cơ sở, nhà máy, trường đại học…mục đích là nhằm ngăn chặn dân ngoại tỉnh nhập cư về thủ đô.

Chính sách phân tán, giảm tải cho thủ đô tiếp tục được chính phủ Hàn Quốc theo đuổi trong những thập niên sau đó cho đến bây giờ, với việc mở rộng các dự án xây dựng nhiều thành phố lớn trong các vùng khác của đất nước. Nhưng với sự phát triển công nghệ mới, dù đã giảm bớt các khu công nghiệp nhưng Seoul vẫn là trung tâm của các công nghệ thông tin, thu hút 35 nghìn kỹ thuật viên cao cấp hàng năm ra từ 400 trường đại học. Seoul vẫn là trung tâm kinh tế của cả Hàn Quốc, mặc dù chính quyền vẫn tiếp tục các nỗ lực phân tán quy hoạch thành phố.

Căn bệnh lạ châu Á vẫn là một bí ẩn

Báo Libération có bài viết mang tựa đề « Tại châu Á, cái bóng của Sida phủ lên một căn bệnh bí ẩn ».Bài báo cho biết, một căn bệnh mới phá vỡ hệ miễn dịch, buộc cơ thể người bệnh tự chống chọi với các loại vi khuẩn hay virus đang xuất hiện ở châu Á. Hiện tượng này khiến cho tạp chí khoa học có uy tín ở Anh Quốc, The New England Journal of Medecine mới đây đã đăng bài viết đặt mối liên hệ giữa căn bệnh lạ này với bệnh Sida.

Nghiên cứu của các nhà khoa học được tiến hành ở Đài Loan và Thái Lan . Trường hợp đầu tiên về căn bệnh này được phát hiện từ cách đây 10 năm. Dường như đây không phải là một bệnh truyền nhiễm mà lại chỉ có các bệnh nhân người châu Á mắc phải.

Theo nhà nghiên cứu Sarah Browne của Viện nghiên cứu Mỹ về các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, thì nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch làm cho bệnh nhân mất khả năng chống chọi các nhiễm trùng không phải do virus như ở bệnh Sida. Các bệnh nhân thường ở vào khoảng 50 tuổi, họ không cùng quan hệ huyết thống. Điều này có thể loại trừ ý kiến cho rằng bệnh do một loại gien duy nhất nào đó gây ra.

Theo nghiên cứu trên thì có thể tồn tại « yếu tố di truyền » hoặc « yếu tố môi trường » vì đa số các bệnh nhân đầu được phát hiện ở châu Á. Tuy nhiên đến giờ các nhà khoa học vẫn nhận thấy rất khó xác định được quy mô phát triển của căn bệnh này. Mặt khác các nhà nghiên cứu cũng khó xác định được số lượng các trường hợp tử vong liên quan đến căn bệnh lạ nói trên.

Liệu có phải chúng ta đang gặp phải một căn bệnh mới có thể gây ra những hậu chưa từng thấy về mặt y tế, sức khỏe ?

 Hiện tại chưa có câu trả lời đích xác nhưng các nhà khoa học cho rằng với những kinh nghiệm với việc phòng chống Sida cùng với những tiến bộ trong các lĩnh vực chẩn trị, di truyền và nghiên cứu virus, người ta cũng sẽ sớm khám phá ra những căn bệnh mà trước đó vẫn còn là lạ.

Đảng Cộng hòa ra mắt ứng cử viên tổng thống trong giông bão

Một thời sự quốc tế khác cũng được các báo Pháp quan tâm nhiều đó là sự kiện hôm nay, hơn 50 nghìn người, trong đó có 18 nghìn nhà báo, đổ về Tampa, Florida tham dự khai mạc đại hội đảng Cộng Hòa để chính thức chỉ định ứng cử viên Mitt Romney ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Phải dời lại một ngày, nơm nớp nỗi lo bão Isaac đổ vào, cuối cùng thì Đại hội đảng Cộng hòa cũng được khai mạc.

 Chiến dịch chạy đua của ứng cử viên đảng Cộng hòa với ứng viên đương nhiệm Tổng thống Obama sẽ trở nên quyết liệt và sôi động hơn bắt đầu từ ngày hôm nay. Báo Le Figaro chạy tựa : Đại hội đảng Cộng hòa chuẩn bị show diễn cho Romney.

Theo tờ báo đây là tuần rất quan trọng của ông Mitt Romney. Thông tin về cơn bão Isaac đã phần nào làm lu mờ chiến dịch truyền thông của đảng Cộng hòa từ vài ngày qua.

Về mặt chi phí, Le Figaro cũng cho biết, chỉ riêng việc bảo đảm an ninh cho Đại hội đã ngốn hết 50 triệu đô la của chính quyền liên bang, 18 triệu đô la cho việc tổ chức lên chương trình, 400 nghìn đô la cho các quảng cáo trong Đại nghị… tất cả để cho ông Mitt Romney bắt đầu cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với những điều kiện thuận lợi nhất.

Trong khi đó đảng Dân chủ cũng tổ chức đại hội tương tự tại Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina vào thứ Hai tới và sẽ kết thức vào ngày 6/9. Hai sự kiện này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vì nó huy động tổng lực sự chú ý của truyền thông.