Home Tin Tức Thời Sự Hạ thủy tàu ngầm đầu tiên của VN

Hạ thủy tàu ngầm đầu tiên của VN PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 28 Tháng 8 Năm 2012 08:30

Nhà sản xuất của Nga chính thức hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong loạt sáu chiếc Việt Nam đặt mua.

 

Nhà máy đóng tàu Admiralteisky

 

Nhà máy đóng tàu Admiralteisky thực hiện hợp đồng cho Việt Nam

Nhà sản xuất của Nga chính thức hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong loạt sáu chiếc Việt Nam đặt mua.

Bộ phận báo chí của Công ty Cổ phần Nhà máy đóng tàu Admiralteisky loan báo hôm thứ Ba 28/8 rằng nhà máy này sẽ hạ thủy tàu ngầm Project 636 trong ngày.
Sau khi hạ thủy, chiếc tàu ngầm này sẽ được thử nghiệm để chuyển cho Việt Nam "vào mùa xuân năm 2013".

Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam đã ký một hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm Project 636 "Kilo" dùng cả dầu diesel và điện năng, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, cho Việt Nam.

Cũng theo bộ phận báo chí của nhà máy này, trong tháng Tám vừa qua, Nhà máy đóng tàu Admiralteisky đã ký kết với tập đoàn bảo hiểm SOGAZ một hợp đồng bảo hiểm cho loạt sáu tàu ngầm Project 636 của Việt Nam với giá trị bảo hiểm là 2 tỷ đôla.

Hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực cho đến tháng 9/2016 và bao gồm "các lần hạ thủy tàu ngầm, thực hiện neo đậu, thử nghiệm tại nhà máy sản xuất và kiểm tra cấp nhà nước, đồng thời bao gồm cả việc thực hành các thao tác trên tàu và vận chuyển cho tới khi chuyển giao cho khách hàng".


Sớm trước thời hạn

Nhà máy Admiralteisky chuyên về đóng tàu ngầm và tàu nổi chở dầu.

Đây là công ty cổ phần nhưng có sự tham gia đặc biệt của Nhà nước Nga.

Nếu như mọi việc suôn sẻ, toàn bộ hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm sẽ được thực hiện trước năm 2016, sớm trước thời hạn dự tính từ trước là hai năm.

Việc đẩ̉y nhanh tiến độ này được cho là do nhu cầu đòi hỏi, nhất là trong tăng cường năng lực phòng thủ biển của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng nói rằng tàu ngầm là "một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội" của Việt Nam.

Tuy nhiên ông khẳng định quân đội Việt Nam chỉ sử dụng loại vũ khí đặc biệt này "vào mục đích bảo vệ Tổ quốc", tức tự vệ.

Indonesia cũng đang chuẩn bị nhận ba tàu ngầm diesel-điện từ Nam Hàn. Hiện Indonesia chỉ có hai tàu ngầm loại cũ, nhưng Jakarta muốn tăng con số này lên 10 chiếc trong vòng 12 năm tới.