Home Tin Tức Thời Sự Giới đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam bất an

Giới đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam bất an PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Bảy, 01 Tháng 9 Năm 2012 17:54

Các tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế đều đả kích đặc tính thiếu minh bạch của Việt Nam


HÀ NỘI (NV) - Tuần lễ vừa qua là một tuần lễ hoảng loạn tài chính ở Việt Nam. Khởi đầu là việc bắt giam đột ngột bầu Kiên, một đại gia nổi tiếng có nhiều quan hệ lớn, rồi đến bắt Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) mà ngân hàng Anh quốc Chartered có 15% cổ phần.

 

Một số viên chức ngân hàng ACB đứng canh những bao tiền mới được Ngân Hàng Nhà Nước bơm cứu ứng để trả tiền cho khách hàng hối hả tới rút hôm 23 tháng 8, 2012 tại một chi nhánh ở Hà Nội. (Hình: AP/Hau Dinh)

 

Nguyễn Ðức Kiên bị cáo buộc đầu tư tài chính bất hợp pháp trong khi ông Hải bị cáo buộc làm trái quy định về quản lý tài chính gây thiệt hại nghiêm trọng.

Những người có tiền ký thác, không những ở ngân hàng ACB và mấy ngân hàng khác mà bầu Kiên có dính tới, đã hối hả đi rút tiền, tạo một cơn hoảng loạn chưa từng có trong suốt một thời gian dài ở cái xứ “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.”

Nội trong vòng 4 ngày đầu từ ngày bắt bầu Kiên hôm 21 tháng 8, 2012, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã buộc phải bơm hơn 23 ngàn tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại, giải quyết cơn hoảng hốt rút tiền.

 Cổ phiếu của các ngân hàng và nói chung của hầu hết các công ty xí nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và Sài Gòn đều “rơi tự do.”

Một số chức sắc ngân hàng bị đồn đãi là bị bắt hoặc trốn chạy ra ngoại quốc vội vàng xuất hiện với những lời thanh minh, phát biểu trấn an. Trong số đó có cả bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cầm đầu một loạt công ty đầu tư tài chính và ngân hàng ở Sài Gòn.

Sự bắt giữ bầu Kiên và ông Hải làm nổi bật những nhược điểm của hệ thống tài chính CSVN và những đồn đãi về sự đấu đá quyền lực giữa ông Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Dù hiện nay hệ thống báo đài nhà nước CSVN giữ “im lặng” để tránh những câu hỏi và hoài nghi của quần chúng, người ta tin rằng sẽ còn thêm một số người nữa sẽ bị bắt giữ chứ không chỉ hai người. Trong sự tranh giành quyền lực, các phe phái trong đảng đều muốn chứng tỏ mình chủ trương giải quyết các vấn nạn của nền kinh tế.

Mấy năm trước, nền kinh tế Việt Nam đều tăng trưởng hơn 7%, giới đầu tư ngoại quốc theo nhau đổ tiền vào. Từ đầu năm đến giờ, tăng trưởng chỉ hơn 4% tiếp theo năm ngoái lạm phát kinh hoàng, có tháng lên hơn 23%.

Quản lý một quỹ đầu tư tài chính ở Sài Gòn nói với ký giả báo tài chính Financial Times rằng: “Tôi gần đạt được hợp đồng mới thì xảy ra vụ bắt giữ làm các nhà đầu tư ngoại quốc bất an. Tôi cố tìm một câu chuyện hay ho để trấn an họ nhưng không thấy có cái gì cả trong lúc này.”

Các tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế đều đả kích đặc tính thiếu minh bạch của Việt Nam lại còn ngập đầu trong những núi nợ xấu. Họ ám chỉ có thể hạ thấp hơn nữa điểm số xếp hạng các ngân hàng của Việt Nam, không phải chỉ riêng ACB mà cả những ngân hàng khác.

Tổ chức lượng giá Fitch Ratings bình luận gần đây rằng vụ việc xảy ra hơn tuần trước làm nổi bật đặc tính rất dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khi có một cơn chấn động xảy đến làm cả nền tài chính mất ổn định. Hệ quả tất yếu là nguy cơ bị hạ thấp điểm trên bảng xếp hạng đáng tin cậy.

Tổ chức lượng giá Moody's cũng cảnh cáo rằng việc bắt giữ tổng giám đốc ACB cũng có hậu quả tiêu cực lâu dài đối với trị giá của các chuỗi ngân hàng Việt Nam.

Một quản lý phát triển kinh doanh của một công ty đa quốc gia có văn phòng ở Hà Nội nói với ký giả báo Financial Times rằng có nhiều vấn đề làm nản lòng giới đầu tư ngoại quốc vào lúc này.

“Chúng ta thấy một nền kinh tế bất ổn định, tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, một hệ thống ngân hàng không lành mạnh và bây giờ lại còn thấy những dấu hiệu đấu đá quyền lực ở thượng tầng cai trị nữa.” Người quản lý giấu tên đó nói. “Tôi cầu mong có thể giải thích được cho người ta (nhà đầu tư ngoại quốc) là cái gì đang xảy ra.”

Cũng tương tự như nhận xét của kinh tế gia Jonathan Pincus viết trên blog Beyondbrics của FT, tổ chức lượng giá Standard & Poor cho rằng, “Việc cải tổ kịp thời hệ thống quốc doanh và hệ thống ngân hàng là cốt lõi để xây dựng niềm tin của giới đầu tư và các người ký thác tiền vào ngân hàng, đặc biệt là khi nợ xấu đang tiếp tục gia tăng.”

Theo FT, những gì sẽ diễn ra trong vài tuần lễ nữa hay có thể những tháng tới, sự cải tổ nếu diễn ra, như từng được cam kết, sẽ khá dài và đau đớn. (TN)