Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 03 Tháng 9 Năm 2012 14:18

 Ngân hàng Trung ương châu Âu bị dồn vào chân tường

 

Biểu tình trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt ngày 06/08/2012.
Reuters

 

Pháp bước qua ngưỡng 3 triệu người thất nghiệp, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đó là các chủ đề chính trong ngày. Đồng thời các báo nói đến chuyện Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu bị đẩy lên tuyến đầu để giải quyết khủng hoảng của khối euro.

« BCE bước lên tuyến đầu », « Hai tuần lễ quyết định đối với khu vực đồng euro » tựa của phụ trang kinh tế của báo Le Figaro và tờ Les Echos. Không hẹn, cả hai tờ báo cùng đưa ra một nhận xét « Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE bị dồn vào chân tường ».

Trong tuần, thống đốc BCE thông báo kế hoạch mua lại công trái phiếu của các thành viên khối euro đang gặp khó khăn. Vào lúc nhiều nước sử dụng đồng euro bị đe dọa mất khả năng thanh toán và liên tục bị giới đầu cơ tấn công, kinh tế châu Âu đang co cụm lại, thất nghiệp tràn lan, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ông Mario Draghi chạy nước rút để hoàn tất kế hoạch cứu nguy kinh tế châu Âu.

Kế hoạch đó gồm hai khả năng. Một là giảm lãi suất chỉ đạo để kích cầu, và hai là mua lại một phần công trái phiếu của một vài quốc gia như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha để giảm áp lực của thị trường tài chính đối với các quốc gia này.

Le Figaro cho biết : lãi suất chỉ đạo của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu hiện đã xuống tới mức thấp kỷ lục là 0,75 %. Để kích cầu, BCE có thể hạ thêm lãi suất ngân hàng xuống còn 0,5 %. Nhưng điều được mọi người chờ đợi hơn cả sẽ là quyết định của BCE liên quan tới việc mua lại một phần công trái phiếu của các nước đang gặp khó khăn.

Tới nay chính phủ Đức luôn bác bỏ phương án BCE mua lại nợ công của các thành viên mà Berlin coi là đã « tiêu xài quá trớn ».

Đức lo ngại biện pháp này dẫn tới lạm phát, đồng thời BCE như ngầm chấp nhận để cho một số các quốc gia tiếp tục quản lý tài chính một cách lỏng lẻo.

Câu hỏi Les Echos nêu lên là liệu Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu có sẵn sàng lao vào cuộc đọ sức với Berlin hay không ?

Do vậy, theo tờ báo này, ông Mario Draghi đang trong tư thế của « một người làm xiếc đi dây » : kích thích kinh tế khu vực đồng euro là việc làm cần thiết – chính phủ Tây Ban Nha phải tìm ra 20 tỷ euro để thanh toán nợ đáo hạn trong tháng 10/2012- nhưng BCE không thể để « nổ ra chiến tranh » với Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu và là quốc gia đóng góp nhiều nhất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.

Barack Obama tăng tốc chiến dịch tranh cử

Le Monde trong phụ trang về địa chính trị điểm lại và phân tích 4 năm dưới nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama.

 Theo tờ báo, ông Obama đã phải đương đầu với thực tế trong chính sách đối ngoại. Còn theo website Polifact.com, tổng thống Obama đã thực hiện được 61 % trong số hơn 500 điều đã hứa trong cuộc vận động tranh cử năm 2008.

Khi bước vào Nhà Trắng đầu năm 2009, tổng thống Obama đã tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Irak trong vòng 16 tháng. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Trên mặt trận Afghanistan, tình thế phức tạp hơn. Hồ sơ Afghanistan chưa được khép lại cho dù Mỹ đã triệt hạ được trùm khủng bố Ben Laden.

Vẫn theo bản tổng kết của trang mạng Polifact.com về cam kết đóng cửa trại giam Guantanamo, trên điểm này Barack Obama đã thất bại hoàn toàn. Đối với Iran, chính sách « chìa bàn tay thân thiện » của Washington không đem lại kết quả mong muốn.

Riêng đối với châu Á, trong bốn năm qua, chính quyền Obama liên tục đưa ra những sáng kiến cả về phương diện ngoại giao, thương mại, lẫn khoa học để « cân bằng hóa » sự hiện diện của Mỹ trong vùng.

Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự tại Úc, tăng cường quan hệ với Việt Nam và Philippines, cũng như với tất cả những quốc gia đang lo ngại trước sức mạnh của Trung Quốc. Lại cũng dưới áp lực của Washington, Miễn Điện đã trả tự do cho nhà đối lập nổi tiếng nhất là bà Aung San Suu Kyi.

Đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, báo Le Figaro tiếc rằng « toàn bộ vế ngoại giao » không hề được đả động đến trong chương trình tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Mitt Romney không nhắc đến Afghanistan, cũng như số phận 80 000 lính Mỹ đang có mặt tại hiện trường.

Nước Pháp với 3 triệu người thất nghiệp

« Nạn thất nghiệp bùng nổ đặt chính quyền trước áp lực » « Hollande, trước thách thức lớn lao ».

 Báo Công giáo La Croix nhận xét, « trong thời điểm khó khăn này, tổng thống Pháp khó có thể tránh né. Chính phủ phải cấp bách giải quyết việc làm cho 3 triệu người thất nghiệp. Le Figaro thân hữu bồi thêm : « không nâng cao khả năng cạnh tranh của Pháp thì Paris đừng mong đẩy lui nạn thất nghiệp ».

3 triệu người thất nghiệp, 10 % dân Pháp trong tuổi lao động không có việc làm. Tỷ lệ tăng trưởng của Pháp trong năm nay dự trù chỉ đạt 0,3 %, trong lúc để bảo đảm cân bằng cho thị trường lao động, GDP phải tăng tối thiểu là 1,5 %. Le Figaro nêu ra những con số nói trên cho thấy nội các Jean Marc Ayrault đang đứng trước một bài toán hết sức nan giải.

Báo Libération thiên tả cũng phải nhìn nhận : khó khăn kinh tế ngày càng chồng chất, áp lực càng lớn đối với chính phủ. Cặp bài trùng François Hollande và Jean Marc Ayrault « đã đánh giá không đúng mức tác động của khủng hoảng kinh tế và xã hội.

 Tổng thống Pháp nghĩ rằng ông có thời gian để từng bước giải quyết những khó khăn tồn đọng trong 5 năm dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy. Thực tế cho thấy François Hollande đang đứng trước một tình huống cấp bách »

Nhại lại khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên Hollande trước đây là « le changement, c’est maintenant – thay đổi ngay lúc này », Libération chơi chữ : « le changement, c’est urgent – nghĩa là cần cấp bách thay đổi ».

Một cố vấn của tổng thống Hollande đã phải nhìn nhận : là người dân khi bầu lên một ban lãnh đạo mới, họ chờ đợi đó phải là một vị cứu tinh, đem lại những thay đổi ngay lập tức.

Trung Quốc:  trẻ sơ sinh cũng là món hàng

Về châu Á, độc giả báo Le Figaro chú ý nhiều tới một đề tài xã hội : Tại Thượng Hải bất kỳ thứ gì cũng có thể trở thành một món hàng để mua bán, kể cả thông tin liên quan đến trẻ sơ sinh. Một nhân viên xã hội của thành phố cho biết đã « cung cấp thông tin liên quan tới 200 000 đứa trẻ vừa lọt lòng » cho các doanh nghiệp.

 Đó là những thông tin quý giá để các công ty mở chiến dịch quảng cáo nhắm vào tầng lớp khách hàng là các bậc phụ huynh.

Tại Trung Quốc, người ta có thể mua và bán bất kỳ một thứ gì.

Tác giả mở đầu bài báo của mình như trên và kể ra luôn : từ sữa nhiễm chất độc mélamine, đến nội tạng, hay thậm chí túi sách tay nhãn hiệu Louis Vuitton nhưng là hàng giả.

 Giàu trí tưởng tượng đến mấy, người ta cũng khó có thể ngờ rằng thậm chí những thông tin về trẻ sơ sinh cũng được đem ra bán và đương nhiên là cũng đã tìm được người mua. Tại Thượng Hải, biết bao cha mẹ đâu thể ngờ rằng các tập đoàn sản xuất biết rất rõ thông tin về đứa con mới chào đời của họ.

Cảnh sát Thượng Hải vừa tìm ra một đường dây « cung cấp thông tin về trẻ sơ sinh » cho các hãng bảo hiểm, hay các tập đoàn sản xuất từ quần áo đến vật dụng trong nhà … Những thông tin quý giá đó có thể được sử dụng trong rất nhiều năm.

Giới điều tra cho biết trong thời gian suốt năm 2011 đến tháng 4/2012, đường dây buôn bán thông tin trái phép này đã cung cấp 200 triệu thông tin liên quan đến trẻ sơ sinh ở Thượng Hải với cái giá 3 800 euro. Tác giả bài báo châm biếm kết luận : "trên đất nước Trung Quốc rộng lớn, không ai chê tiền, dù đó chỉ là những khoản tiền nhỏ nhoi".