Home Tin Tức Thời Sự Kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, đe dọa đến tăng trưởng châu Á

Kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, đe dọa đến tăng trưởng châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Tư, 05 Tháng 9 Năm 2012 08:26

Các số liệu của tháng Bảy về thương mại, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đều xuống dốc.

 

Theo Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, Trung Quốc là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu (REUTERS)

 

Theo một cuộc điều tra thực hiện với các nhà lãnh đạo và những nhân vật có ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương được công bố hôm nay 05/09/2012, thì tình trạng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại là mối đe dọa chủ yếu đang đè nặng lên sự tăng trưởng của châu Á.

Công trình nghiên cứu do Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tiến hành đã nhận định : « Về các đe dọa đối với tăng trưởng, những nhân vật hàng đầu trong khu vực tỏ ra quan ngại trước tác động của tình trạng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, hơn là tại châu Âu và Hoa Kỳ ».

Có 56% người được hỏi « chuẩn bị trước một nền kinh tế Trung Quốc yếu kém hơn trong 12 tháng tới », so với tỉ lệ 36% cách đây một năm.

Cuộc điều tra được thực hiện với 500 nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó có giới doanh nhân, học thuật và viên chức chính phủ, đã được công bố vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Vladivostok, ở miền Viễn Đông nước Nga.

Ông Donald Campbell, đồng chủ tịch PECC nhấn mạnh, kết quả trên đây cho thấy vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc - nền kinh tế thứ nhì thế giới – động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

 Ông nói : « Cách đây mười năm, châu Á -Thái Bình Dương chỉ chiếm 20% sản xuất, nhưng nay lên đến 35%. Đây là khu vực năng động nhất, được kéo đi bởi đầu tàu Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành một nhân tố chủ chốt cho tăng trưởng ».

Trung Quốc tuy từng chứng tỏ khả năng trụ vững trước khủng hoảng nợ châu Âu và sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Hoa Kỳ, trong thời gian gần đây đã cho thấy các dấu hiệu yếu kém.

Trong tháng Tám, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tổng sản phẩm nội địa trong quý II chỉ tăng 7,6%, thấp nhất từ ba năm qua. Còn các số liệu của tháng Bảy về thương mại, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đều xuống dốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tập hợp 10 nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.