Mỹ đòi Irak kiểm tra máy bay Iran |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Năm, 06 Tháng 9 Năm 2012 14:45 |
Irak vẫn lo ngại rằng, nếu chế độ al-Assad sụp đổ, một chính quyền Sunni đối kháng với Irak sẽ lên nắm quyền
Cảnh sau vụ không quân Syria tấn công Azaz
Ngày 05/09/2012, Hoa Kỳ vừa yêu cầu đồng minh Irak buộc các máy bay của Iran tới Syria, qua lãnh thổ nước này, phải hạ cánh để kiểm tra. Yêu cầu kể trên được đưa ra cùng lúc với việc các thượng nghị sĩ Mỹ, đang trong chuyến công du tại Bagdad, bày tỏ mối quan ngại với thủ tướng Irak về việc máy bay Iran sử dụng không phận Irak để tiếp viện vũ khí cho Damas. Ông Patrick Ventrel, trợ lý của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi khuyến nghị này đến các đồng nhiệm Irak. Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, Washington tin tưởng rằng Bagdad « vốn là một quốc gia có uy tín trong cộng đồng quốc tế và một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, sẽ thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình ». Về vấn đề này, theo các nghị sĩ Mỹ, Iran - đồng minh thân thiết của chính quyền Syria - đã cam đoan với thủ tướng Irak là các máy bay Iran chỉ vận chuyển các vật tư phục vụ mục tiêu nhân đạo. Thượng nghị sĩ Lieberman, một trong các nghị sĩ Mỹ có mặt tại Bagdad nói, Hoa Kỳ phải cung cấp được các bằng chứng cho phía Irak, theo yêu cầu của thủ tướng Irak Maliki, để cho thấy nghi ngờ các máy bay vận tải chuyển vũ khí cho chính quyền al-Assad là có cơ sở. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nghị quyết 1747 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc buộc tất cả các nước ngăn cản Iran xuất khẩu vũ khí, còn theo nghị quyết 1929, mọi quốc gia phải có trách nhiệm kiểm tra tất cả các máy bay vận tải đến hay rời Iran. Vào tháng 3/2012, Irak đã cảnh báo Iran sẽ không cho phép Teheran chuyển vũ khí sang Syria, sau khi bị Mỹ chỉ trích. Tuy nhiên, về cuộc xung đột tại Syria, chính quyền Bagdad, có quan hệ thân thiết với Iran, có quan điểm chống lại đòi hỏi của các quốc gia theo hệ phái Sunni vùng Vịnh, yêu cầu al-Assad từ chức. Mặc dù tuyên bố không tham gia vào xung đột tại Syria, Irak vẫn lo ngại rằng, nếu chế độ al-Assad sụp đổ, một chính quyền Sunni đối kháng với Irak sẽ lên nắm quyền, sẽ làm cho thế cân bằng mong manh hiện nay trong giữa ba cộng đồng Sunni, Shia và Kurde tại Irak sẽ bị ảnh hưởng. |