Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Ba, 11 Tháng 9 Năm 2012 15:30 |
Trung Quốc : Đầu tàu kinh tế thế giới đang hụt hơi
Người lao động nhập cư tại một công trình xây dựng ở Thượng Hải, 05/09/2012.
Đề tài kinh tế là chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay. Nhất là, với bài viết chạy tựa « Trung Quốc : đầu tàu thế giới đang bị hụt hơi » Phụ trang kinh tế của báo Le Figaro cho biết cán cân ngoại thương Trung Quốc đang trong tình trạng báo động. Mức tăng xuất khẩu thấp hơn dự định, nhất là nhập khẩu sụt giảm mạnh trong tháng Tám và sản xuất công nghiệp xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2009. Bài báo viết, tất cả các chỉ số kinh tế trong tháng tám đều có cùng một hướng đi : đó là tăng trưởng trì trệ ngày càng lộ rõ nét. Xuất khẩu chỉ tăng có 2,7%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Le Figaro cho biết, kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 25% tổng sản phẩm thu nhập quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Lãnh vực này có thể nuôi sống đến 200 triệu người. Nhập khẩu giảm xuống thê thảm, chỉ còn có 2,6%, trong khi mức tăng dự kiến là 3 hay 3,5%. Trong khi đó, mục tiêu chính của Bắc Kinh là mức tăng trưởng mậu dịch phải đạt ở mức 10% giờ dường như khó có thể mà thực hiện được. Bởi vì, trước đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đưa ra cũng đã cho thấy mây đen đang bao trùm lên nền kinh tế đất nước. Theo đó, mức tăng sản xuất trong tháng 8 thấp hơn so với tháng 7, chỉ đạt có 8,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Le Figaro nhận định, hiện tại, việc liên tục hạ lãi suất chỉ đạo và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng không đủ để bơm phồng tăng trưởng. Theo đánh giá của một chuyênn gia kinh tế tại Viện hàn lâm khoa học xã hội (CASS), để thúc đẩy nền kinh tế nên thả lỏng các rào cản trong lãnh vực bất động sản. Nhưng trên phương diện xã hội, đó là một quyết định nguy hiểm cho chính quyền Bắc Kinh, vốn đã nỗ lực hết sức kiềm chế việc giá địa ốc tăng như vũ bão. Vào ngày hôm qua, các báo trong nước đều nhất loạt đăng tin tỏ ra quan ngại khi thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng tám vừa qua. Tại thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ở thành phố Vladivostok của Nga, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng « tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là công cụ chính để thoát khỏi khủng hoảng và đảm bảo một sự tăng trưởng ổn định ». Chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh cho nhiều dự án lớn, với tổng trị giá 127 tỷ euro để xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và cầu đường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích tỏ ra lo ngại cho những tác dụng phụ của « liều thuốc chữa bệnh» này. Le Figaro nhắc lại rằng, vào năm 2008, gói thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cấp tín dụng đã gây ra quả bong bóng tín dụng, cũng như là địa ốc và tạo ra một khoản vay xấu khổng lồ. Thành Đô, thiên đường mới tại Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài Nếu như tình hình kinh tế chung trên cả nước mang một màu xám xịt, thì ngay tại Thành Đô, khu đô thị lớn ở phía tây nam Trung Quốc lại thể hiện một mức tăng trưởng phi thường ở mức 14,7%, cao gấp đôi so với mức tăng trung bình trên toàn quốc. Đề tài này được phụ san kinh tế Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết mang tựa đề « Thành Đô, thiên đường mới của các nhà đầu tư nước ngoài ». « Go West » là lời hô hào của nhiều nhà đầu từ nước ngoài lớn tại Trung Quốc, đang ùn ùn đổ dồn về Thành Đô từ hai năm nay. Theo quan sát của một viên chức thuộc Phòng thương mại Pháp tại chỗ, thì hiện tượng này cũng tương tự như thành phố Thẩm Quyến cách đây tám năm. Do giá nhân công tại các vùng duyên hải tăng cao, nhiều tập đoàn lớn chuyên lắp ráp điện tử hay ô-tô đều đến Thành Đô lập nhà xưởng. Một điểm mạnh khác của thành phố, đó là ngành hàng không. Tại đây, còn có chi nhánh của Airbus hay Aerolia chuyên sản xuất buồng lái cho các máy bay được lắp ráp tại Thiên Tân. Le Figaro giải thích các doanh nghiệp đổ xô đến phía Tây là do giá nhân công cực rẻ và rất ổn định. Công việc gần gia đình, cộng thêm với chất lượng cuộc sống tốt hơn các khu đô thị ô nhiễm phía Đông cũng là những con át chủ bài cho Thành Đô, nơi mà các con đường lớn đều được phủ đầy bóng cây. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nội địa đang bùng nổ cũng là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy rằng, Thành Đô ẩn chứa một tiềm năng to lớn về cơ sở hạ tầng cũng như ngành máy móc. Vấn đề còn lại là liệu phép mầu nhiệm Tứ Xuyên này có thể kéo dài được bao lâu và có thể nào tránh được những thái quá như khu vực phía Đông. Hiện tại, khu vực phía Tây cất cánh đang là trọng tâm chiến lược của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một đầu tàu kinh tế mới. Khủng hoảng kinh tế : Chính phủ nên giúp dân hơn là doanh nghiệp Liên quan đến tình hình kinh tế khủng hoảng tại châu Âu và Mỹ, Libération có đăng một số nhận định của cựu giám đốc Ngân hàng thế giới Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế cho rằng « Chính phủ nên giúp đỡ người dân hơn là các doanh nghiệp ». Theo quan sát của ông Joseph Stiglitz, từng là cố vấn cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, tại Mỹ cũng như là tại châu Âu, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, người giàu thì càng giàu mà người nghèo ngày càng nghèo. Người giàu lại không đóng góp nhiều cho xã hội. Ông cho rằng, sức mạnh thị trường ở đâu cũng như nhau hết, nhưng cần phải nhào nặn nó sao cho sức mạnh đó hỗ trợ cho nền dân chủ hơn là lợi ích cá nhân. Các chính sách thuế khóa cần thiết để hỗ trợ cho các chính sách xã hội không được bóp nghẹt tăng trưởng. Về mặt này, ông cho rằng Thụy Điển đã thành công khi có mức tăng trưởng cao hơn của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2000 và 2010. Nhận định về việc chính phủ Mỹ cấp 150 tỷ đô-la để cứu hãng bảo hiểm AIG khỏi phá sản, giải Nobel kinh tế cho rằng chính phủ Mỹ không nên cứu các doanh nghiệp, chính người dân mới cần sự trợ giúp. Nếu một doanh nghiệp không hoạt động được, thì nên đóng cửa nó. Trong giai đoạn suy thoái hiện nay, một nửa số người thất nghiệp không có bảo hiểm sức khỏe. Trong khi đó, sự giúp đỡ của chính phủ đến các doanh nghiệp cũng không làm cho tình hình sáng sủa thêm được. Liên quan đến tình hình khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới nghĩ rằng chính sách khắc khổ mà châu Âu đang theo đuổi là một ý tưởng chính trị - kinh tế quá đơn giản và ngu xuẩn. Theo ông, chính sách này có thể được hiểu : « đừng tiêu xài quá và mọi thứ sẽ qua thôi ». Không có một nền kinh tế nào được hồi phục từ một đợt suy thoái bằng chính sách thắt lưng buộc bụng. Nó sẽ làm cho nền kinh tế yếu đi, gia tăng sự bất bình đẳng và đào sâu thâm hụt ngân sách. Chính sách khắc khổ do Đức dẫn đầu đang giết dần châu Âu Về điểm này, báo Le Monde đã cho trích đăng lại các câu trả lời của ông Joseph Stiglitz trong chương trình « Internationales » do đài TV5, RFI và báo Le Monde thực hiện hôm chủ nhật 09/9/2012 cho rằng « Duy chỉ có Đức mới tin vào chính sách khắc khổ ». Ông Joseph Stiglitz nhận xét châu Âu đang phiêu lưu khi cố duy trì việc tiến hành chính sách khắc khổ do Đức dẫn đầu. Ông nói : « Để cứu châu Âu, người ta sẽ giết chết châu Âu trước (…) Chưa bao giờ có một nền kinh tế lớn nào lại có thể thoát khỏi suy thoái nhờ vào chính sách khắc khổ. Thắt lưng buộc bụng chỉ đơn thuần là một huyền thoại ». Theo ông, đây là một chính sách chỉ có người Đức ủng hộ mà thôi. Ông nói : « Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ có họ mới tin rằng chính sách khắc khổ sẽ vận hành, chống lại mọi bằng chứng hiện hữu ». Ông nhắc lại những tổn thất nặng nề của các chính sách thắt lưng buộc bụng do tổng thống Mỹ Herbert Hoover tiến hành trong giai đoạn 1929 và 1933, cũng như vụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF áp đặt lên Đông Nam Á hay Arhentina. Giới chủ Pháp chỉ trích chính sách thuế và cách điều hành của chính phủ mới Về thời sự tại Pháp, việc ông Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn LVMH – Hermes, người giàu nhất nước Pháp và đứng hàng thứ tư tại Châu Âu, đệ đơn xin nhập quốc tịch Bỉ đang gây nhiều tranh luận trong nước. Theo cả hai tờ báo Libération và Le Monde, chính sách thuế đánh lên người có thu nhập cao đang gây bất bình cho giới chủ tại Pháp. Một mặt, trên trang nhất, Libération chạy tít lớn « Bernard, nếu ông quay lại, chúng tôi sẽ hủy bỏ tất » nhằm đáp trả lại phản đối của ông chủ tịch tập đoàn giàu có này về việc tờ báo đã cho đăng một tít lớn gây sốc trên trang nhất ngày hôm qua, thứ hai 10/9/2012, viết rằng « Hãy xéo đi, kẻ giàu có ngu xuẩn ». Mặt khác, trong bài viết trên trang 2 đề tựa « Trốn thuế gây khó cho tổng thống », Libération nhận định việc ông Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp và thứ tư trên thế giới xin nhập quốc tịch Bỉ, đồng thời vẫn giữ quốc tịch Pháp đã phản ảnh lên một thực tế : người giàu Pháp đang tìm cách chạy qua các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg hay Anh quốc để trốn thuế. Theo nguyên tắc, không cần phải có quốc tịch Pháp mới bị đánh thuế, việc trả thuế phụ thuộc vào nơi cư ngụ chứ không phải là nơi sinh. Libération cho biết, việc ông Hollande, tổng thống Pháp hủy bỏ một số thuế ưu đãi, tăng mức đánh thuế lên những người có thu nhập cao (75%), đang đe dọa việc hình thành làn sóng di tản của người giàu. Về điểm này, báo Le Monde có bài viết đề tựa « Bernard Arnault, sứ thần của các ông chủ lớn thuộc khối CAC 40 ». Theo phân tích của bài viết, giới chủ Pháp lên án chính phủ mới không có một đường lối phương hướng hoạt động rõ ràng. Le Monde viết « giai đoạn quan sát đã kết thúc, giờ là lúc hành động ». Dù ông Bernard Arnault đã lên tiếng đính chính cho động cơ xin quốc tịch Bỉ là không vì mục đích trốn thuế, nhưng đối với giới chủ, hành động trên của ông cũng được xem như một tín hiệu gởi đến chính phủ của ông Hollande. Giới chủ xem dự án đánh thuế 75% cho những ai có mức thu nhập trên một triệu euro của tổng thống Pháp như là một lời tuyên chiến. Nhìn chung, họ chỉ trích cả hệ thống chính sách thuế của chính phủ mới. Ngoài các vấn đề về thuế, giới chủ còn phê phán về đường lối không rõ ràng của ông Hollande, trong khi đó các thành viên trong chính phủ liên tục đưa ra những lời tuyên bố trái chiều nhau. Từ nhiều tuần nay, tổng thống Pháp cố gắng trấn an các doanh nghiệp. Ông đã có các buổi gặp gỡ trao đổi riêng với các chủ doanh nghiệp lớn. Nếu như cử chỉ này phần nào cũng xoa dịu được một số người, thì ngược lại, ngày càng có nhiều người tỏ ra khó chịu khi cho rằng ông Hollande là hai mặt. Nghĩa là, khi tiếp xúc riêng, ông tỏ ra nhiệt tình và thông cảm ; nhưng trước công chúng ông có thái độ lạnh lùng và cứng rắn. |