Home Tin Tức Thời Sự Sự im lặng khó hiểu của Bắc Kinh về việc ông Tập Cận Bình vắng mặt

Sự im lặng khó hiểu của Bắc Kinh về việc ông Tập Cận Bình vắng mặt PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 13 Tháng 9 Năm 2012 14:11

Trong tháng Tám, Tân Hoa Xã đã tám lần đưa tin về các hoạt động của ông Tập Cận Bình.

 

 

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (REUTERS)

 

Hôm nay, 13/09/2012, lần đầu tiên sau hơn 10 ngày im lặng, một tờ báo của Trung Quốc mới nhắc đến tên ông Tập Cận Bình, phó chủ tịch Trung Quốc.

 Nhật báo Quảng Tây, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ khu tự trị này đã nhắc đến tên ông Tập Cận Bình trong số các quan chức cao cấp gửi thư chia buồn sau khi một cán bộ lão thành Trung Quốc qua đời.

Theo website Bloomberg Businessweek, sự im lặng của Bắc Kinh về việc ông Tập Cận Bình vắng bóng trên chính trường Trung Quốc trái ngược hẳn với truyền thống từ trước đến nay, theo đó, Trung Quốc có phản ứng rất nhanh trước các tin đồn đại về những lãnh đạo cao cấp. Điều này lại càng làm tăng thêm những lo ngại liên quan đến việc chuyển giao quyền lãnh đạo tại Trung Quốc.

Tháng Bẩy năm 2011, chỉ một ngày sau khi có tin đồn cựu tổng bí thư Đảng Giang Trạch Dân qua đời, Tân Hoa Xã đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. Đầu năm nay, Tân Hoa Xã đã đưa tin về hoạt động của một quan chức cao cấp, phụ trách an ninh, vài ngày sau khi có đồn đại rằng vị này đang bị điều tra.

Nếu so sánh với các trường hợp nêu trên, thì từ hơn một tuần qua, cụ thể là sau khi ông Tập Cận Bình hủy bỏ cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, truyền thông chính thức của Nhà nước không nhắc gì đến ông nữa và cho đến tận hôm nay, một tờ báo địa phương mới nêu tên phó chủ tịch Trung Quốc.

Việc không hề có thông tin gì về ông Tập Cận Bình, năm nay 59 tuổi, người được cho là sẽ lên thay tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng về tình trạng sức khỏe của ông hoặc những chia rẽ nội bộ.

 Mặt khác, cho đến nay, Bắc Kinh chưa công bố chính thức ngày cụ thể tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông John Lee, giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Sydney, Úc, nhận định : « Trong một chế độ tương đối khép kín, xã hội Trung Quốc bị lôi cuốn vào những tin đồn và những giả định mưu mô và chính phủ cần phải thấy rõ sự cần thiết đưa ra một vài giải thích ». Vẫn theo chuyên gia này, thì việc không có giải thích từ phía truyền thông Nhà nước làm nẩy sinh nghi ngờ là có bất đồng nội bộ trong việc làm thế nào thông tin sự thật cho người dân.

Tuần trước, ông Tập Cận Bình đã đột ngột hủy bỏ một loạt cuộc gặp với các chính khách nước ngoài, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long v.v.  Báo Mỹ The Wall Street Journal cho rằng ông bị đau lưng do bơi, nhật báo Apple đặt tại Hồng Kông thì đưa tin có thể ông bị đau tim.

Cũng trong tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chống chế rằng việc hủy bỏ các cuộc gặp là « một sự điều chỉnh bình thường » trong ngoại giao. Thế nhưng, đến ngày 11/09 vừa qua, thì ông nói thẳng là « không có thông tin » về vị phó chủ tịch Trung Quốc.

Vắng mặt từ cuối tháng Tám, ông Hạ Quốc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã xuất hiện trên truyền hình Nhà nước ngày 11/09, với thông tin và hình ảnh ông đi thăm một số tờ báo, sau khi có tin đồn ông bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi khó hiểu.

Trang mạng Bác tấn tân văn (Boxun.com), đặt tại Mỹ, đã từng đưa tin là ông Hạ Quốc Cường và ông Tập Cận Bình bị thương vì tai nạn giao thông, nhưng sau đó, đã rút bỏ thông tin này.

Trong tháng Tám, Tân Hoa Xã đã tám lần đưa tin về các hoạt động của ông Tập Cận Bình.

Thế nhưng, kể từ ngày 01/09 đến nay, không có một tin tức gì về ông. Theo giáo sư Daniel Lynch, giáo sư Quan hệ Quốc tế Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, thì có thể những quan chức cao cấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc không được cảnh báo một cách đầy đủ là sự im lặng của họ làm nẩy sinh vấn đề trong việc điều hành đất nước.