Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 13 Tháng 9 Năm 2012 14:23

 Nga nhắm đến thị trường vùng Châu Á Thái Bình Dương

  

Ống dẫn khí đốt từ Nga sang biên giới châu Âu (REUTERS /Yuri Maltsev)

 

Gần đây quan hệ giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu vẫn thường hay căng thẳng, với nguyên nhân không phải là vấn đề ý thức hệ như thời chiến tranh lạnh, mà lại là bất đồng trên hồ sơ khí đốt.

Báo Le Monde phân tích chủ đề này với hàng tựa : «Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Châu Âu về giá khí đốt ».

Nga hiện cung cấp đến ¼ lượng khí đốt được tiêu thụ tại các nước Châu Âu.

Tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom vừa bị Ủy ban Châu Âu cho điều tra về hành vi lũng đoạn giá khí đốt trên thị trường. Lập tức, phía Nga đã có phản ứng mạnh : tổng thống Putin vừa ký sắc lệnh theo đó, tất cả các tập đoàn thuộc hàng chiến lược của Nga có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đều sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước Nga.

Cụ thể là, theo sắc lệnh này, từ đây trở về sau, các công ty thuộc hàng chiến lược, trong đó có Gazprom, chỉ được cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, về việc giảm giá khí đốt với sự chấp thuận trước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Nga.

 Bên cạnh đó, chính phủ Nga sẽ có thể xem xét và sửa đổi mọi thỏa thuận và tất cả những hồ sơ liên quan đến chính sách giá cả mà các công ty thuộc hàng chiến lược của Nga đã ký kết với nước ngoài. Sắc lệnh cũng nêu rõ, chính phủ Nga sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định bằng cách dựa trên lợi ích của nước Nga.

Động thái này của nhà cầm quyền Matxcơva xảy ra vào lúc rất nhạy cảm: các tập đoàn khí đốt của Nga đang thương thảo với các đối tác nước ngoài về việc giảm nhẹ các ràng buộc hợp đồng và giảm giá khí đốt, đồng thời trong bối cảnh Ủy ban Châu Âu tiến hành điều tra về hồ sơ lũng đoạn giá của Gazprom.

Gazprom tố cáo Liên Hiệp Châu Âu mượn cớ điều tra để gây sức ép buộc Gazprom hạ giá khí đốt cho các nước Châu Âu.

 Phát ngôn nhân của Gazprom ông Sergei Kouprianov nói, nhiều nước có nền kinh tế khó khăn ở Châu Âu tiếp tục yêu cầu Gazprom giảm giá khí đốt. Ông này cho rằng, Châu Âu muốn giảm tải gánh nặng tài chính cho mình bằng cách « bán cái » cho Gazprom, và việc này theo ông là « trái ngược các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường ».

Theo tờ báo, phản ứng mạnh mẻ trên của tổng thống Putin nằm trong chiến lược chuyển hướng thị trường xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt của Nga về vùng Châu Á Thái Bình Dương.

 Chiến lược đó đã được ông Putin chính miệng thừa nhận và được Le Monde dẫn lại : «Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để bán (dầu hỏa và khí đốt) ở những thị trường khác ». Những thị trường khác cũng được ông Putin nêu rõ đó là khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi mà mức cầu rất cao và giá cả thì cũng cao hơn ở Châu Âu.

Hoa Kỳ có thể bị hạ điểm tín nhiệm tài chính

Hồi tháng 8 năm 2011, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm tài chính của Hoa Kỳ.

Hôm Qua, đến lược Moody’s lên tiếng cảnh báo có thể Hoa Kỳ sẽ mất điểm tối đa AAA.

 Tình hình nền kinh tế Mỹ hiện thế nào ? Viễn cảnh ra sao?

Lời cảnh báo của Moody’s có thành hiện thực không ?

Nhật báo Le Monde có bài góp phần giải đáp với dòng tựa khá ấn tượng : «Mỹ bị kẹt giữa cú sốc ngân sách và nguy cơ suy thoái ».

Nợ công của Hoa Kỳ hôm thứ hai rồi là 16 061,666 tỷ đô la chiếm 103% GDP cả nước. Mỗi ngày, món nợ này tăng thêm 3,35 tỷ đô la. Trong bối cảnh đó thì từ đây đến cuối năm, mức nợ trần 16,4 ngàn tỷ đô la mà lưỡng viện quốc hội cho phép sẽ được chạm đến. Nếu từ đây đến đầu năm 2013, tình hình không có gì cải thiện, thì việc Mỹ mất điểm AAA là tất yếu.

Hồi tháng 8 năm rồi, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công. Mức trần được tăng thêm 2,1 ngàn tỷ đô la đến tận ngày 2/01/2013 để hai bên có thể đạt được thỏa thuận chung về việc giảm nợ công trong thời hạn này.

Câu hỏi đặt ra là : nếu hai bên không đạt được đồng thuận chung thì hậu quả sẽ thế nào ?

Hậu quả là cú sốc ngân sách sẽ đến, đó là ngay trong năm tới chính phủ phải bắt đầu chính sách cắt giảm ngân sách 1 200 tỷ đô la trong thời hạn 10 năm. Số tiền cắt giảm khổng lồ này sẽ kéo theo việc tăng thuế và hàng loạt các phúc lợi xã hội bị cắt giảm : giảm lương hưu, hủy bỏ nhiều chính sách miễn giảm thuế dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp…

Trong khi đó từ đây đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 6/11, viễn cảnh hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa đạt được đồng thuận có vẻ là không thể.

Hai bên đang ra sức chỉ trích nhau. Còn đối với người dân Mỹ, sắp tới chắc chắn sẽ phải trả tiền thuế nhiều hơn và sẽ bị cắt đi nhiều khoản phúc lợi xã hội. Một chuyên gia cảnh báo, với chính sách tăng thuế và cắt giảm phúc lợi xã hội trong bối cảnh cuộc sống người dân đã khó khăn, Mỹ sẽ bị chìm trong suy thoái ngay đầu 2013.

Với thực trạng đó, việc Mỹ mất điểm AAA không phải là không thể.

Hậu quả của việc mất điểm này đối với nước Mỹ là gì ?

 Tờ báo cho rằng, hậu quả xấu thì chắc chắn sẽ có, nhưng nó sẽ không nghiêm trọng hơn lần nước Mỹ bị S&P đánh sập điểm tín nhiệm. Bởi vì từ năm rồi, các công ty thẩm định tài chính đã bị chỉ trích từ nhiều phía về độ tin cậy trong đánh giá.

Một cựu chuyên gia của S&P nhận định :các nhà đầu tư thì có thể còn tin nhiều vào những công ty thẩm định tài chính, chứ các chính phủ và các thể chế lớn thì hoàn toàn không.

Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chậm

Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Châu Âu (OECD), kinh tế ở các nước giàu và các nước mới trỗi dậy sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong nhiều quí tới. Nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh thông tin này qua bài viết : « Tăng trưởng chưa được cải thiện đúng mức ở các nước giàu và các nước mới trỗi dậy».

Theo số liệu do tổ chức OECD công bố hôm nay,  tăng trưởng ở các nước giàu và mới phát triển sẽ còn tiếp tục diễn ra ở nhịp độ chậm trong những quí tới.

Trong khối euro, đặc biệt là ở Đức và Pháp, tăng trưởng sẽ vẫn ở mức yếu trong thời gian tới.

Tình trạng kinh tế phát triển chậm lại cũng sẽ tiếp tục ở Ý, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Mỹ, Nhật và Canada được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở «mức vừa phải». Chỉ có Anh và Braxin được cho là «đang hồi phục tăng trưởng».

Đối với Đức, nền kinh tế được coi là khỏe mạnh nhất Châu Âu, đến hiện tại dường như ngày càng bị dính vào khủng hoảng. Viện Kinh tế Thế giới (IfW) của Đức vừa hạ dự báo tăng trưởng của Đức cho năm 2012-2013 do môi trường kinh tế đang xấu đi và đầu tư đang chậm lại ở nước này.

 Hồi tháng Sáu rồi, tăng trưởng GDP của Đức cho năm 2012 và năm 2013 được dự báo lần lượt là 0,9% và 0,7%, thế nhưng con số này vừa bị hạ xuống còn 0,8% và 1,1%.

Tuần rồi, OECD cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng của hầu hết các nước trong khối G7.